Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Qua khảo sát bước đầu xác định quỹ đất có thể trồng mía của các huyện phía Campuchia giáp Tây Ninh là khoảng 3.000 ha.
Trong những năm gần đây, diện tích cây mía ở Tây Ninh giảm sút nghiêm trọng. Cách nay khoảng hơn 10 năm, diện tích mía có năm lên đến hơn 35.000 ha. Thế nhưng sau đó giảm dần, có lúc chỉ còn chưa đến 20.000 ha. Nhà nước và các nhà máy hết sức nỗ lực đầu tư khôi phục vùng nguyên liệu mía nên vài năm gần đây diện tích cây mía có tăng lên đôi chút, nhưng vẫn không đủ nguyên liệu mía cung cấp cho các nhà máy. Do đó, việc mở rộng vùng nguyên liệu mía là một trong những vấn đề “sống còn” của các nhà máy.
Thực tế, ở Tây Ninh trong những năm qua, các nhà máy đã áp dụng các chính sách đầu tư, hỗ trợ, thu mua ngày càng thoáng và tạo lợi nhuận ngày càng cao cho người trồng mía. Vụ chế biến vừa qua, giá thu mua mía có lúc lên đến 1,2 triệu đồng/tấn 10 CCS. Tuy nhiên diện tích mía năm nay vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường Biên Hoà giảm hơn 600 ha và của Nhà máy SBT giảm hơn 500 ha. Nguyên nhân cơ bản là do hiệu quả kinh tế các loại cây trồng khác như cây mì, cây cao su vượt trội so với cây mía- bình quân cây cao su lãi khoảng 60-70 triệu/ha/năm, cây mì lãi khoảng 30-40 triệu/ha/năm. Do đó nhiều nông dân trồng mía chuyển sang trồng các loại cây khác và quỹ đất có thể trồng mía ngày càng bị co hẹp. Trong khi đó, giá thuê đất để trồng mía lại tăng nhanh hơn tốc độ tăng giá mua mía. Vụ này, giá thuê đất bình quân đã lên đến hơn 12 triệu đồng/ha/vụ, có nơi lên trên 15 triệu đồng/ha/vụ nên người thuê đất để trồng mía càng không “có ăn”. Ngoài ra, trồng mía tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn các loại cây trồng khác và đặc biệt là khâu thu hoạch mía hiện còn rất khó khăn do chủ yếu vẫn là thủ công. Do đó, dù các nhà máy hết sức cố gắng và Nhà nước rất quan tâm hỗ trợ nhưng diện tích cây mía vẫn tiếp tục “tuột dốc”.
Các nhà máy đang khẩn trương nâng công suất, cần tăng cường nguyên liệu mía |
Trước tình hình quỹ đất trồng mía trong tỉnh ngày càng co lại, các nhà máy có công suất lớn một mặt tiếp tục vận đồng nông dân trong tỉnh tiếp tục trồng mía, một mặt tìm hướng đầu tư trồng mía vùng đất cặp biên giới. Đến nay các nhà máy đang triển khai và đã có những tín hiệu khả quan từ nguồn quỹ đất này. Theo lãnh đạo các nhà máy đường, qua khảo sát bước đầu xác định quỹ đất có thể trồng mía của các huyện phía Campuchia giáp huyện Châu Thành và Bến Cầu của Tây Ninh là khoảng 3.000 ha với cự ly tính từ cột mốc biên giới trở qua bên kia biên giới nhỏ hơn 5 km. Điều kiện đất đai khu vực này được đánh giá là rất thích hợp với cây mía, đặc biệt diện tích tập trung có quy mô lớn và địa hình bằng phẳng. Đặc biệt là dù mía trồng phía bên kia biên giới nhưng cự ly từ khu vực này về các nhà máy chỉ khoảng 30-40 km mà thôi.
Giữa tháng 6 vừa qua, Tây Ninh đã tổ chức cuộc họp về việc hướng dẫn doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và cư dân Tây Ninh đầu tư, sản xuất hàng nông sản tại Campuchia- trong đó cây mía là cây chủ lực. Chính quyền các địa phương phía Campuchia cũng đồng tình việc phát triển nông nghiệp khu vực biên giới do phía Tây Ninh đầu tư. Hiện tại đã có khoảng hơn 400 ha mía được trồng bên kia biên giới. Đây là một trong những tín hiệu khả quan cho các nhà máy.
Tuy nhiên khi đi vào sản xuất thì đã phát sinh một số khó khăn. Theo các nhà máy thì khó khăn trước tiên là về hạ tầng do hiện trạng bên kia biên giới không có kênh thuỷ lợi tiếp nối với hệ thống kênh tiêu phía bên Tây Ninh nên việc chống ngập úng không hiệu quả. Đồng thời hạ tầng giao thông phía bên kia cũng không tiếp nối với các đường giao thông phía Tây Ninh nên việc vận chuyển nông sản rất khó khăn.
Để thuận lợi hơn trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía bên kia biên giới, các nhà máy rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan trong việc tạo điều kiện- nhất là về thủ tục phù hợp luật pháp 2 nước để các nhà máy mạnh dạn đầu tư và những hộ sản xuất an tâm. Về phía người sản xuất, đầu tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Lê Ngọc- đơn vị hợp tác với một đơn vị Campuchia đã nhận 130 ha để triển khai trồng mía bên kia biên giới đã có đơn gửi UBND tỉnh xin phép được mở rộng đường từ vùng nguyên liệu bên kia biên giới qua Tây Ninh để thuận tiện trong việc vận chuyển vật tư nông nghiệp cũng như nguyên liệu mía, đồng thời xin phép được lắp đặt cống tiêu nước và đào kênh tiêu nước từ vùng sản xuất về kênh tiêu hiện có phía Tây Ninh. Dự kiến của Công ty Lê Ngọc là sẽ phát triển vùng nguyên liệu cặp bên kia biên giới đến 2.000 ha.
Hiện tại các nhà máy đang khẩn trương tu bổ thiết bị để nâng công suất ép ngay trong vụ chế biến tới, trong đó Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh tăng từ 3.500 tấn/ngày lên 4.000 tấn/ngày và Nhà máy SBT tăng từ 8.000 tấn lên 9.000 tấn/ngày. Do đó, ngoài các giải pháp nâng cao năng suất, chữ đường cho cây mía thì việc phát triển thêm diện tích mía đang là nhu cầu bức thiết.
SƠN TRẦN