Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển công nghiệp chế biến-cần giải pháp bền vững 

Cập nhật ngày: 16/05/2022 - 00:11

BTN - Ngành công nghiệp chế biến có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây, tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra còn thấp. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh, hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến

Trong những năm gần đây, các ngành chức năng, các địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy, tạo vị thế mới cho ngành công nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến vẫn chưa được thúc đẩy phát triển như mong muốn do còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng.

Trong giai đoạn hiện nay, một số ngành chế biến nông sản có bước phát triển nhanh như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 30%/năm, da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,41%/năm, chế biến thực phẩm và đồ uống tăng 4,36%/năm... các doanh nghiệp chế biến nguyên liệu từ nông sản trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến tinh (tinh bột mì, đường, hạt điều...) trong và ngoài nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm đang giảm dần về tỷ trọng giá trị sản xuất trong toàn ngành công nghiệp do ảnh hưởng nguồn nguyên liệu đầu vào giảm do cây khoai mì bị sâu bệnh, cây mía sinh lợi thấp nên diện tích giảm.

Tỷ trọng giá trị nội tỉnh trong sản phẩm nông sản chế biến đạt thấp và đang có xu hướng giảm; các doanh nghiệp chế biến trong tỉnh đang phải khai thác nguyên liệu từ các tỉnh lân cận, làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh, ảnh hưởng đến tái đầu tư, nâng cấp năng lực và trình độ chế biến.

Nguồn lực đầu tư và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp chế biến nông sản nói riêng, công nghiệp nói chung còn hạn chế như: hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, hệ thống logistics chưa phát triển... nên thời gian vận chuyển hàng hoá về cảng, sân bay chi phí cao.

Trên địa bàn tỉnh có 30 doanh nghiệp chế biến cao su. Điểm sáng trong chế biến cao su đó là sản phẩm chế biến lốp xe đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, khẳng định được vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, kết quả này có được nhờ sự tham gia của doanh nghiệp FDI, phần lớn các doanh nghiệp chế biến cao su của tỉnh quy mô nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng, do đó chưa tạo động lực cho phát triển ngành cao su.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 65 nhà máy chế biến khoai mì với tổng công suất 5.527 tấn bột/ngày, tương đương khoảng 1,7 triệu tấn củ/năm. Trong đó, 10 công ty sản xuất sản phẩm sau tinh bột. Hầu hết nhà máy đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học kỵ khí biogas.

Phụ phẩm từ chế biến khoai mì được sấy hoặc phơi khô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; khí gas từ hệ thống biogas được sử dụng làm năng lượng cho quá trình sấy. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ và phát triển kinh tế tuần hoàn trong các nhà máy chế biến khoai mì của tỉnh vẫn ở mức thấp; chưa tận dụng cơ hội phát triển năng lượng sinh học từ các phụ phẩm và phế thải từ quá trình chế biến để phát nhiệt điện, bảo đảm tự cung cấp năng lượng, giảm chi phí điện năng và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chế biến.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở chế biến hạt điều, tổng công suất chế biến 15 ngàn tấn điều nhân/năm; năng lực chế biến điều gấp hơn 5 lần sản lượng điều sản xuất trong tỉnh. Các cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh hằng năm phải mua từ tỉnh khác và nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chế biến.

Theo Sở NN&PTNT, hệ thống các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, sản lượng nông sản chính như: mía, khoai mì, hạt điều, cao su của nông sân hầu hết được thu mua, chế biến. Thiết bị, công nghệ sản xuất được đầu tư, cải tiến, góp phần nâng cao chất lượng chế biến và giá trị nông sản.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Cao su Tân Biên.

Nhiều giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu chủ lực phục vụ chế biến

Tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tạo nguồn nguyên liệu tập trung, ổn định, chất lượng phục vụ công nghiệp chế biến của tỉnh cho từng ngành hàng. Trong đó, đã xây dựng quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giải pháp trọng tâm để nâng cao sự gắn kết giữa ngành công nghiệp chế biến với sản xuất nông nghiệp, tăng tính chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến.

Diện tích trồng cao su trên địa bàn tỉnh đạt 100,5 ngàn héc-ta, chiếm 27% diện tích đất nông nghiệp của toàn tỉnh. Mặc dù lợi nhuận và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích của cây cao su thấp hơn so với cây lúa, khoai mì, cây ăn trái nhưng giá trị gia tăng của cây cao su đóng góp gần 1/4 tổng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp Tây Ninh, nên cao su được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh.

Hiện tại, Tây Ninh chưa đáp ứng được nhu cầu cây giống đầu dòng cho trồng mới và trồng tái canh; nhiều diện tích cao su tiểu điền nhỏ lẻ, đan xen với các cây trồng khác nên khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ giới hoá và phòng ngừa sâu bệnh. Do đó, định hướng sản xuất cao su tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030 là sản phẩm chủ lực nhưng sẽ giảm diện tích ở những nơi sản xuất không thuận lợi.

Đến năm 2025, tổng diện tích cao su sẽ giảm xuống còn 83 ngàn héc-ta và duy trì ổn định diện tích này đến năm 2030 (giảm 11,3 ngàn héc-ta so với năm 2020); năng suất mủ cao su bình quân đạt 21,5 tạ/ha, sản lượng 178,5 ngàn tấn (giảm 7,2 ngàn tấn so với năm 2020).

Để phát triển ngành hàng cao su, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người trồng cải tạo vườn cao su, tái canh cao su hợp lý, 100% diện tích trồng mới được trồng bằng giống tiến bộ kỹ thuật; giãn tiến độ khai thác và chuyển chế độ cạo từ d2 sang d3 hoặc d4, kết hợp bôi chất kích thích nồng độ 2,5% để ít gây thương tích cho cây, tiết kiệm vỏ cạo và bảo đảm cho cây khoẻ, khi giá cao su phục hồi vẫn đạt năng suất cao. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến chuyển hướng sang chế biến sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước để thay thế hàng nhập khẩu. Chuyển sang chế biến đối với các loại sản phẩm xuất khẩu. Mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Diện tích trồng khoai mì của tỉnh đứng thứ hai cả nước, sau tỉnh Gia Lai, giá trị gia tăng của khoai mì chiếm gần 1/4 tổng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp. Vì vậy, cây khoai mì được xếp vào nhóm sản phẩm chủ lực trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Theo Sở NN&PTNT, xét về cơ cấu chi phí sản xuất khoai mì, chi phí vật tư gồm: hom giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 46,6%; chi phí duy trì sản xuất như: làm đất, công lao động và chi phí khác chiếm 53,4% tổng chi phí, trong đó chi phí công lao động chiếm 39,2%.

Có thể thấy sản xuất khoai mì cần khá nhiều nhân công lao động và rất khó tác động vào các khâu để giảm giá thành sản xuất. Mặt khác, bệnh khảm lá xuất hiện từ năm 2017 đến nay làm cho diện tích trồng khoai mì bị nhiễm bệnh và phải thực hiện luân canh, chuyển đổi sang cây trồng khác; trồng khoai mì nếu không thâm canh đúng mức cũng dẫn đến nguy cơ thoái hoá đất. Với những lý do này, định hướng sản xuất khoai mì của tỉnh thời kỳ 2021-2030 là sản phẩm chính nhưng sẽ duy trì ổn định diện tích.

Đến năm 2025, diện tích gieo trồng mì đạt 62 ngàn héc-ta và duy trì diện tích này đến năm 2030; năng suất bình quân tăng từ mức 325 tạ/ha (năm 2020) lên 360 tạ/ha (năm 2030); sản lượng đạt 2,2 triệu tấn; đáp ứng 122% nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho chế biến so với năm 2020.

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến ngành hàng khoai mì, người trồng cần sử dụng giống mới năng suất cao và kháng bệnh tốt, bón phân đúng quy trình, tưới tiết kiệm nước… để tăng năng suất. Tiếp tục đưa cơ giới hoá vào các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch khoai mì để giảm bớt công lao động, qua đó giảm giá thành sản xuất. Thực hiện tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng cánh đồng lớn; vận động thành lập các hợp tác xã trên các cánh đồng lớn để tạo cơ sở pháp lý cho việc liên kết với các doanh nghiệp.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả cơ chế chính sách hiện hành về khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến khoai mì liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng khoai mì thông qua hình thức hợp đồng sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến, vừa giảm bớt chi phí do cắt giảm các khâu trung gian, tạo cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị để chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm sau tinh bột, giảm giá thành sản phẩm và sử dụng nhiều hơn nữa các phụ phẩm trong chế biến.

Hiện nay, các sản phẩm đường sản xuất từ mía của tỉnh không cạnh tranh được do giá thành sản xuất cao hơn so với các nước trong khu vực, doanh nghiệp chế biến đường không quan tâm nhiều đến việc phát triển vùng nguyên liệu, người trồng mía không muốn đầu tư thâm canh do lợi nhuận đạt thấp. Do đó, định hướng sản xuất mía tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030 là sản phẩm chính và sẽ duy trì ổn định.

Tỉnh cũng đã xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến đường liên kết với người trồng mía trên các cánh đồng lớn. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào cơ giới hoá, tự động hoá khâu sản xuất, nâng cấp dây chuyền chế biến để đa dạng hoá sản phẩm và tận dụng phế, phụ phẩm trong chế biến đường để sản xuất điện, sản phẩm vi sinh, dược phẩm… nhằm hạ giá thành sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh.

Trong trường hợp hoạt động sản xuất nông nghiệp phải chịu tác động tiêu cực của thiên tai, Sở NN&PTNT, các địa phương đều nỗ lực hỗ trợ bà con nông dân thực hiện hiệu quả các biện pháp khắc phục thiệt hại và khẩn trương bắt tay vào phục hồi, tái sản xuất trong điều kiện cho phép để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến.

Nhi Trần