Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển du lịch Tây Ninh, đừng quên 2 tháp cổ
Thứ hai: 06:11 ngày 26/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hai di tích tháp cổ Bình Thạnh và tháp Chót Mạt chưa gắn được với việc quảng bá và phát triển du lịch tỉnh nhà, cũng có nghĩa là du khách đến Tây Ninh chưa mấy ai đặt chân đến 2 nơi này.

Tháp cổ Bình Thạnh.

Tháp cổ Bình Thạnh (Trảng Bàng) và tháp Chót Mạt (Tân Biên) là hai trong 40 di chỉ khảo cổ điển hình ở Tây Ninh, có kiến trúc nghệ thuật độc đáo thuộc nền văn hoá Óc-eo thế kỷ XVIII sau công nguyên, đã và đang được bảo tồn.

Tuy nhiên, việc bảo tồn chỉ dừng lại ở chỗ giữ gìn mà chưa phát huy được các giá trị lịch sử và nghệ thuật của di tích. Hay nói cách khác, hai di tích này chưa gắn được với việc quảng bá và phát triển du lịch tỉnh nhà, cũng có nghĩa là du khách đến Tây Ninh chưa mấy ai đặt chân đến 2 nơi ấy.

Dọc theo tả, hữu ngạn lưu vực sông Vàm Cỏ Đông bắt đầu từ Phước Chỉ, Bình Thạnh (Trảng Bàng), từ gò Xoài, gò Miếu Bà qua gò Cổ Lâm (Châu Thành) đến tháp Chót Mạt (Tân Biên) là cả một hệ thống phế tích đền tháp cổ.

Từ năm 1989 đến 1993, Sở Văn hoá - Thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Phân viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học - Xã hội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nghiên cứu, điều tra khảo sát, điền dã và đã thống kê trên vùng đất Tây Ninh có hơn 40 di chỉ khảo cổ, trong đó, 2 tháp cổ nói trên là di chỉ tiêu biểu nhất.

Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp cổ Bình Thạnh thuộc địa phận ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng nằm trên một gò đất cao về phía Tây của huyện.

Theo tập sách “Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh”, đây là ngôi tháp còn tương đối nguyên vẹn, là một trong các di tích kiến trúc cổ quý giá của Tây Ninh và cả Nam bộ, một di tích kiến trúc thuộc loại hình đền tháp người xưa tạo nên để thờ cúng các vị thần linh. Tháng 7.1993, tháp cổ Bình Thạnh đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Tháp Chót Mạt được người xưa xây đắp giữa cánh đồng thuộc ấp Xóm Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên. Toàn bộ kiến trúc đền tháp được xây dựng trên một gò đất hình chữ nhật với hai vật liệu chính là gạch nung và đá phiến. Hình dáng của tháp rất giống như các tháp Chàm miền Trung với chân tháp rộng, các bức tường quanh tháp thẳng đứng, tường tháp dày, đỉnh tháp nhọn, các vỉa gạch được xếp chồng khít lên nhau rất kín kẽ.

Cả hai ngôi tháp cổ Bình Thạnh và Chót Mạt đều có khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông, thoáng mát hữu tình. Nếu được trùng tu, nâng cấp, đây sẽ là điểm đến của du khách trong hành trình đến với Tây Ninh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lập, Giám đốc Bảo tàng tỉnh- cơ quan được uỷ quyền trực tiếp quản lý hai di tích trên, hằng năm, ngân sách tỉnh đều dành riêng vài trăm triệu đồng để chống xuống cấp các hạng mục. Tuy nhiên, để đầu tư cho hai di tích này trở thành điểm đến của du lịch phải kêu gọi xã hội hoá.

Được biết, trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm.

Chỉ tính từ năm 2013-2015, cùng với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, Tây Ninh đã đầu tư gần 60 tỷ đồng cho các di tích quan trọng. Đặc biệt, với Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ Tây Ninh về đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng, để đến năm 2020 đạt 4 triệu lượt khách tham quan và doanh thu từ du lịch tăng từ 17- 23%/năm.

Thiết nghĩ, cơ quan tham mưu trực tiếp lĩnh vực này nên quan tâm nhiều hơn, cụ thể hơn nữa đến các địa điểm có tiềm năng thu hút khách du lịch như 2 di tích kể trên.

V.H.M

Báo Tây Ninh
Tin liên quan