Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
UBND thị xã Trảng Bàng vừa ban hành kế hoạch phát triển du lịch Thị xã đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Điểm đáng chú ý trong kế hoạch này là quyết tâm tạo sự đột phá về du lịch của địa phương trên cơ sở phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có.
Đoàn Diễn đàn Doanh nghiệp Du lịch vừa và nhỏ Việt Nam, khu vực miền Bắc tham quan tháp cổ Bình Thạnh ở xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng - Ảnh Đức An
Theo đó, Trảng Bàng xác định phát triển du lịch trên cơ sở giữ gìn và khai thác tốt tài nguyên tự nhiên và văn hoá; phát triển du lịch văn hoá, gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hoá dân tộc; hướng đến năm 2025, Trảng Bàng có được điểm du lịch quảng bá làng nghề truyền thống, điểm dừng chân chất lượng phục vụ tốt.
Đến năm 2030, địa phương sẽ phát triển du lịch gắn liền với tài nguyên du lịch sinh thái, di tích lịch sử, tâm linh kết hợp các làng nghề truyền thống. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch, phát triển du lịch đặt trong mối quan hệ với sự phát triển du lịch của các huyện lân cận trong khu vực.
Trong thực hiện, Trảng Bàng chú trọng xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có, như: dịch vụ du lịch dọc tuyến sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn, hình thành các điểm dừng chân có bãi đỗ xe, bến tàu, nghỉ dưỡng, ăn uống ven sông, các hoạt động thể thao dưới nước…; du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử, giới thiệu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời, Căn cứ Huyện uỷ Rừng Khỉ, Rừng Rong, Địa đạo An Thới… tạo lợi thế phát triển đa dạng hoá sản phẩm du lịch, khai thác tối đa nguồn khách từ học sinh, sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, khách tham quan về nguồn.
Bên cạnh đó, gắn kết du lịch với hệ thống làng nghề thủ công truyền thống, mô hình nông nghiệp sinh thái... để du lịch Trảng Bàng trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín và sức cạnh tranh cao.
C.T