Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” vào ngày 15.11 vừa qua
Núi Bà Đen Tây Ninh thời gian qua thu hút đông đảo du khách từ nhiều nơi đến tham quan, chiêm bái
Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì và điều hành. Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đây là hội nghị lần thứ hai của Việt Nam trong năm 2023 để bàn các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch của nước ta. Để đạt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18.5.2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Việt Nam đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa (năm 2025); đến năm 2030, đón 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa.
“Hội nghị cần nhận diện rõ thời cơ, thách thức của du lịch Việt Nam một cách khách quan; thành công của Việt Nam và các nước; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý trong quá trình làm du lịch; các hiệp hội doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia đề xuất các giải pháp khả thi, tháo gỡ khó khăn, tạo thời cơ để du lịch Việt Nam phát triển. Chúng ta cũng phải giải quyết thể chế; cơ chế chính sách cần đột phá; huy động nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng; tạo môi trường đáp ứng yêu cầu mới; các cấp, ngành, doanh nghiệp hoạt động ngành du lịch cần hợp sức, tạo nên sức mạnh chung để tạo sự đột phát cho ngành du lịch nước ta phát triển nhanh, nhưng bền vững”- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày 15.3.2022, du lịch Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế trong điều kiện “bình thường mới”. Năm 2022, tổng thu từ du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 ngàn tỷ đồng. Cùng với đó, du lịch Việt Nam tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế trên bản đồ du lịch thế giới khi nhận được 54 giải thưởng tại lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2023 (WTA) khu vực châu Á và châu Đại dương.
Những kết quả trên có sự đóng góp của du lịch Tây Ninh. Theo đó, ước thực hiện năm 2023, khách tham quan khu, điểm du lịch trong tỉnh ước đạt 5.100.000 lượt, tăng 13,2% so với năm 2022, tăng 2% so kế hoạch; tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm 2022, tăng 11% so kế hoạch.
Toà thánh Tây Ninh với nhiều lễ hội của tôn giáo Cao Đài đã trở thành thương hiệu cho du lịch Tây Ninh
Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững. Cụ thể như thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện; tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch; xây dựng các trung tâm mua sắm miễn thuế tại các thành phố lớn; có những đột phá hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ; hỗ trợ giá điện kinh doanh du lịch bằng với giá điện sản xuất; đẩy mạnh du lịch nông thôn nhằm phát huy những di sản của Việt Nam.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, an ninh trật tự bảo đảm, hệ thống giao thông đồng bộ, vị trí địa lý thuận lợi; cùng với đó, nước ta có nhiều địa danh với phong cảnh đặc sắc, các nền văn hoá đa dạng… tạo điều kiện cho du lịch có nhiều cơ hội và nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những hạn chế như các sản phẩm du lịch chưa thật đặc sắc, trọng tâm; chưa tổ chức được nhiều sự kiện văn hoá thể thao mang tầm quốc tế thường xuyên; bố trí nguồn nhân lực cho du lịch dàn trải, thiếu tập trung…
Để đạt được các mục tiêu phát triển du lịch trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, du lịch Việt Nam cần phải đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ hiệu quả, liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện; cần có tầm nhìn chiến lược lâu dài hơn, theo hướng “thể chế thông thoáng, giao thông thông suốt, quản lý thông minh”.
“Chúng ta phải nâng cao nhận thức tầm quan trọng giá trị của ngành du lịch mang lại; phát triển hệ sinh thái du lịch nhanh, bền vững, hiệu quả cao; phát triển du lịch đặc sắc của Việt Nam dựa trên tiềm năng du lịch sẵn có; phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể, ngành liên quan, giữa trung ương và địa phương, nhà nước và tư nhân; xây dựng chuỗi giá trị liên kết quốc gia và toàn cầu. Các địa phương cũng kiên quyết cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, người dân; xác định không được hy sinh an sinh xã hội, môi trường để phát triển kinh tế-xã hội; chú trọng phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch”- Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Ngọc Diêu