Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển giao thông làm “đòn bẩy” kinh tế
Thứ năm: 21:58 ngày 14/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tây Ninh, giai đoạn 2021-2025, ngoài các dự án giao thông do Trung ương đầu tư, tỉnh cũng dành một số vốn khá lớn để triển khai thực hiện các dự án giao thông quan trọng, làm “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội.

Thi công đường nhánh 785 (ảnh minh hoạ).

Bên cạnh đó, tỉnh mời gọi đầu tư nhiều dự án cảng cạn, hình thành chuỗi giao thông vận tải liên hoàn, kết nối chặt chẽ với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng làm đường

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 dự án giao thông do Trung ương đầu tư là dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà và đường tuần tra biên giới các đoạn còn lại.

Đối với dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà, hiện Bộ GTVT đang tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Theo hồ sơ thiết kế, đường sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III, có tổng mức đầu tư khoảng 3.482 tỷ đồng, đầu tư bằng vốn đầu tư công. Dự án dự kiến sẽ được tái khởi công cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 và hoàn thành trong năm 2025.

 Đến nay, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng đang lập dự án đầu tư đường tuần tra biên giới qua tỉnh Tây Ninh các đoạn còn lại, dài 35km với tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 350 tỷ đồng, dự kiến dự án được khởi công vào cuối năm 2022.

Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt, có 15 dự án giao thông do tỉnh đầu tư với tổng kinh phí dự kiến 5.223 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2022, tỉnh thực hiện 12 dự án, gồm 3 dự án chuẩn bị đầu tư và 9 dự án thực hiện đầu tư (7 dự án chuyển tiếp, 2 dự án khởi công mới), với tổng kế hoạch vốn gần 1.000 tỷ đồng. Luỹ kế giá trị giải ngân vốn đến hết tháng 5.2022 là gần 300 tỷ đồng. Đến nay, ngành giao thông đã hoàn thành thông xe kỹ thuật 3 dự án (đường Trần Phú - đoạn từ cửa số 7 nội ô Toà thánh đến quốc lộ 22B, cầu An Hoà và đường 793-792).

Có 5 dự án đang được thi công: nâng cấp, mở rộng đường 782-784 đoạn từ tuyến tránh quốc lộ 22 đến ngã tư Tân Bình (dự kiến hoàn thành trong tháng 12.2022); nâng cấp, mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi (dự kiến hoàn thành 12.2022); nâng cấp, mở rộng đường 795 (dự kiến hoàn thành 7.2023); đường 794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành 6.2023); đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789 (dự kiến hoàn thành 2026).

Trong năm 2022, có 2 dự án được khởi công mới: Tiểu dự án đường vào cầu Ông Sãi và tiểu dự án đường mòn Bàu Tà On (dự kiến hoàn thành trong năm 2023).

Các dự án thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 gồm: Ngầm hoá đường CMT8 đoạn từ cầu Quan đến đường Điện Biên Phủ; đường Trường Hoà – Chà Là (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường 784); tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài.

Thi công đường 781, đoạn gần cửa khẩu Phước Tân, huyện Châu Thành (ảnh minh hoạ).

Khẩn trương triển khai thực hiện các dự án cao tốc

Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài bắt đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, dài khoảng 50km (đoạn qua Tây Ninh dài 26,3km), quy mô 6 làn xe, được đầu tư trước năm 2030.

Việc xây dựng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài cùng với các dự án giao thông đang triển khai khác sẽ hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối Thành phố Hồ Chí Minh - Campuchia.

Đồng thời, tuyến đường này kết nối Tây Ninh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cải thiện năng lực thông hành cho trục đường nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đi cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, góp phần chia sẻ lưu lượng và phá thế độc đạo của quốc lộ 22, tăng cường an ninh quốc phòng, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có tuyến cao tốc nói riêng và của khu vực nói chung.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án này khoảng 15.900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 7.433 tỷ đồng (địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 5.901 tỷ đồng, địa bàn tỉnh Tây Ninh 1.532 tỷ đồng); chi phí xây dựng 5.417 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác và lãi vay trong quá trình xây dựng 1.836 tỷ đồng; chi phí dự phòng 1.214 tỷ đồng.

Cũng theo Sở GTVT, dự án sẽ được kêu gọi đầu tư theo hợp đồng BOT 8.467 tỷ đồng, chiếm 53%; nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 7.433 tỷ đồng, chiếm 47% (ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trong địa phận quản lý của từng địa phương). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2027.

Đến nay, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh đã ký kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện. Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng đã được hoàn thiện. Hiện các cơ quan chuyên môn của Thành phố Hồ Chí Minh đang tổ chức thẩm định nội bộ trước khi tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh ký trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định (dự kiến trong tháng 7.2022).

Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê về duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến kết nối vào cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Mộc Bài tại Gò Dầu đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát có chiều dài khoảng 65km, quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030. UBND tỉnh Tây Ninh là cơ quan có thẩm quyền đầu tư giai đoạn 1 (từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh).

Tuyến cao tốc này có điểm đầu giao với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài tại khoảng Km38+800 thuộc xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu; điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Dự án được phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn.

Thi công đường 782-784 (ảnh minh hoạ).

Giai đoạn 1 đầu tư đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh, chiều dài khoảng 27,82km, quy mô 4 làn xe. Giai đoạn 2 đầu tư đoạn từ thành phố Tây Ninh đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát, chiều dài khoảng 37,18km.

Hình thức đầu tư giai đoạn 1: đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).  Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và kêu gọi đầu tư theo hợp đồng BOT. Nhà đầu tư xây dựng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn phần vốn nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng dự án theo đúng quy định của pháp luật. Dự kiến dự án được hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 trong năm 2027.

Sau năm 2030 sẽ triển khai giai đoạn 2 (đoạn từ thành phố Tây Ninh đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát). Hiện tại, đã có nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án. Sở GTVT đang tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ giao nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án.

Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện 4 dự gồm: Trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Hưng Thuận (dự kiến đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 năm 2023); cảng cạn Mộc Bài (dự kiến đưa vào khai thác sử dụng năm 2023), cảng cạn Thanh Phước (dự kiến đưa vào khai thác sử dụng năm 2023); cảng thuỷ nội địa Thành Thành Công (dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2025).

Đồng thời, ngành giao thông cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức kêu gọi đầu tư các dự án cảng thuỷ nội địa ven sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, các bến xe khách (bến xe Tây Ninh, bến xe Dương Minh Châu...).

An Khang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục