Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển hệ thống thuỷ lợi: Nghị quyết 29- Lời giải cho vùng chưa có nước tưới 

Cập nhật ngày: 27/09/2022 - 23:53

BTN - Hiện nay, hệ thống thuỷ lợi (trong đó bao gồm các công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng) trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.

Dự án thuỷ lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết nguồn nước tưới cho hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Trong kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 ban hành Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 29) nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình cống và kiên cố kênh mương, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước góp phần giải quyết việc thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt- nhất là đối với những nơi nằm ngoài vùng tưới của công trình thuỷ lợi.

Hệ thống thuỷ lợi phục vụ 73,96% diện tích sản xuất nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tây Ninh là một trong những tỉnh có hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh. Ngoài hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà bảo đảm nước tưới cho hơn 100.000 ha của Tây Ninh và các tỉnh lân cận.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 trạm bơm điện nhỏ (lưu lượng từ 1.000m3/giờ đến 3.600m3/giờ) gồm: trạm bơm xã Phan (huyện Dương Minh Châu); trạm bơm Hoà Thạnh I, Hoà Thạnh II (huyện Châu Thành); trạm bơm Long Khánh (huyện Bến Cầu); 1 đập (đập dâng suối Đục) và 1.047 tuyến kênh mương nội đồng với tổng chiều dài 461,6km phục vụ cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 49.537,11 ha, đạt 73,96% diện tích cần nước tưới; các công trình đê bao ngăn lũ, cùng hệ thống tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, hệ thống thuỷ lợi (trong đó bao gồm các công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng) trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.

Trong giai đoạn 2016-2020, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh thực hiện nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hoá, nạo vét, phát cỏ vớt rong các tuyến kênh với kinh phí 129,921 tỷ đồng; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầu tư, nâng cấp 34 dự án kênh tiêu với tổng kinh phí 41,718 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương nội đồng trên địa bàn tỉnh đạt 72,52%, còn khoảng 393 tuyến kênh đất có quy mô diện tích tưới nhỏ hơn 50 ha chưa được đầu tư sửa chữa, kiên cố hoá để mở rộng vùng tưới.

Năm 2021, tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được phục vụ tưới, tiêu là 148.611,33 ha- tăng thêm 31.744 ha so với diện tích tưới năm 2012 (116.867,2 ha). Ngoài ra, các công trình thuỷ lợi còn cấp nước công nghiệp khoảng hơn 6,8 triệu mét khối, tăng hơn 3 lần so với năm 2012 (2,1 triệu mét khối).

Giải quyết nhu cầu cấp thiết

Mặc dù được đánh giá là tỉnh có hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vùng thường xuyên thiếu nước tưới hoặc có nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nông dân. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện còn một số khu vực thường xuyên thiếu nước tưới như khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc hai huyện Châu Thành và Bến Cầu, khu vực này thuộc vùng tưới theo thiết kế của dự án thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đang được triển khai.

Ngoài ra, còn một số khu vực nhỏ có địa hình cao hơn cao trình tự chảy của hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng như tại Khedol, dưới chân núi Bà Đen thuộc hai xã Phan và Suối Đá của huyện Dương Minh Châu và xã Tân Bình (TP. Tây Ninh). Trong thời gian tới, khi được UBND tỉnh phê duyệt dự án quy hoạch đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại đây, Sở sẽ đồng thời triển khai hệ thống trạm bơm và kênh mương dẫn nước tưới cho khu vực này.

Đối với phản ánh của người dân về hệ thống thuỷ lợi trạm bơm Hoà Thạnh II (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) thiếu hệ thống kênh nhánh dẫn nước, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, theo phân cấp quản lý thì các tuyến kênh nhánh của trạm bơm Hoà Thạnh II (ngoài tuyến kênh chính) do địa phương đầu tư xây dựng và quản lý. Trong trường hợp huyện không cân đối được nguồn vốn để đầu tư phục vụ sản xuất của nhân dân thì cần có văn bản báo cáo UBND tỉnh để đưa vào kế hoạch đầu tư công. Tuy nhiên đến nay, địa phương chưa có báo cáo nên Sở NN&PTNT chưa có kế hoạch đầu tư dự án này.

Dự án thuỷ lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông sau khi hoàn thành sẽ góp giải quyết nguồn nước tưới cho hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Ưu tiên đầu tư công trình thuỷ lợi cho vùng thường xuyên thiếu nước tưới, chưa có hệ thống công thuỷ lợi

Cũng theo ông Nguyễn Đình Xuân, thực hiện chính sách hỗ trợ về thuỷ lợi, hiện nay, người dân sử dụng nước tưới từ công trình thuỷ lợi do Nhà nước đầu tư đều không phải trả phí. Chính vì vậy, nguồn vốn đầu tư cho công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng của tỉnh rất hạn chế, chủ yếu từ kinh phí sự nghiệp thuỷ lợi, để đồng bộ, kết nối kênh thuỷ lợi nội đồng với công trình thuỷ lợi hiện có, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động, Sở NN&PTNT đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh lựa chọn danh mục công trình để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030 bố trí nguồn vốn đầu tư. Trong đó, ưu tiên các công trình cấp nước đến các vùng thường xuyên thiếu nước tưới, chưa có hệ thống thuỷ lợi.

Bên cạnh đó, Sở đang triển khai dự án thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ cấp nước tưới tự chảy từ hồ chứa hồ Dầu Tiếng cho diện tích 16.953 ha đất nông nghiệp và cấp nước cho hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi với lưu lượng 1m3/s phục vụ đời sống và phát triển kinh tế của nhân dân hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng, Sở NN&PTNT đã tham mưu và đang chờ UBND tỉnh ban hành Quyết định thực hiện Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 20.7.2022 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để mời gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia, chia sẻ nguồn lực, tham gia đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng, hệ thống tưới tiết kiệm nước, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp góp phần hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, giảm chi phí sản xuất, giải quyết được việc thiếu nước đối với những nơi nằm ngoài vùng tưới của công trình thuỷ lợi hiện có.

Minh Dương