Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện thời sự
Phát triển không phải là… thả nổi
Chủ nhật: 23:02 ngày 24/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bên cạnh việc phát triển tiến bộ của các ngành công nghiệp văn hoá, thế nào chẳng có những vấn đề, hiện tượng bất cập, thậm chí tiêu cực nảy sinh.

-Bàn Dân nè, theo dõi thời sự mấy ngày gần đây, tui thấy hôm thứ sáu 22.12 có một sự kiện mới với tầm vóc rộng lớn, gọi là “Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam”, ông có biết gì về sự kiện ấy nói tui nghe với?

-À, sự kiện ấy Bàn Dân cũng thấy nói đây là “hội nghị lần đầu tiên, có tính chất một “Hội nghị Diên Hồng”, bởi được tổ chức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến trên toàn quốc với thành phần tham dự mở rộng, không chỉ có chính quyền, ngành chức năng và các ngành liên quan mà còn có đại diện các tổ chức, các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp văn hoá.

-Thế à! Nhưng đối với tui thì… thú thiệt là nào giờ tui cũng ít nghe, thậm chí là chưa nghe nói đến các ngành công nghiệp ấy. Tui cứ nghĩ chuyện các hoạt động văn hoá, nghệ thuật là chuyện hưởng thụ và phục vụ hưởng thụ đời sống tinh thần của người dân mà ngành chức năng của Nhà nước có trách nhiệm thực hiện, hoặc có sự tham gia của xã hội thì cũng là hoạt động dịch vụ, có thu phí thì cũng để bù chi thôi, chứ đâu có phải là ngành sản xuất công nghiệp hay kinh doanh thương mại gì.

-Đó là chuyện xưa lắm rồi ông ơi, chuyện của thời trước đổi mới, cách nay ba, bốn chục năm lận. Còn bây giờ là chuyện của thời phát triển kinh tế thị trường, trong đó có thị trường của các ngành công nghiệp, dịch vụ sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ văn hoá, nghệ thuật…

-Đồng ý, kinh tế ngày nay là kinh tế thị trường, nhưng kinh tế thị trường nước ta phải là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đâu có đi chệch hướng được?

-Bàn Dân nói chưa hết mà, ông làm gì nóng nảy như muốn “chấn chỉnh” Bàn Dân vậy! Thôi, ta trở lại chuyện cuộc hội nghị toàn quốc hôm 22.12 nhé. Thật ra từ khi bắt đầu thời kỳ đổi mới, nước ta cũng bắt đầu hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá.

Cụ thể như là các ngành quảng cáo (trên báo, đài, tạp chí, internet, quảng cáo ngoài trời); ngành điện ảnh; ngành nghệ thuật biểu diễn (sân khấu, âm nhạc…); ngành kiến trúc; ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; ngành thời trang; ngành xuất bản; ngành phát thanh, truyền hình; ngành du lịch văn hoá, giải trí…vv…

Về phía Đảng, Nhà nước, tất nhiên phải có chủ trương, có hành lang pháp lý để tổ chức, quản lý, định hướng phát triển các ngành ấy. Cụ thể như là Trung ương Đảng đã có Nghị quyết 03 (năm 1998), Nghị quyết 03 (năm 2014) về phương hướng phát triển sự nghiệp văn hoá…, về xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh…, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam”.

Quốc hội đã ban hành nhiều luật để điều chỉnh từng chuyên ngành công nghiệp văn hoá. Năm 2016, Chính phủ đã có “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá đến năm 2020”. Đó là sự tạo điều kiện mọi mặt cho các ngành công nghiệp văn hoá phát triển từ thời đổi mới cho đến ngày nay đấy ông ạ!

-Như vậy trong suốt thời gian ấy, các ngành công nghiệp văn hoá đã phát triển như thế nào, ông có nắm được không?

-Việc này thì ông chịu khó đọc lại nguồn tin về hội nghị ấy đi, Bàn Dân không thể liệt kê ra đây hết đâu.

-Vâng, nội dung ấy tôi sẽ đọc kỹ lại sau. Nhưng…

-Còn nhưng nhị gì nữa?

-Có điều này tôi cảm thấy hơi “lăn tăn”, nhưng chẳng thấy đề cập trong tin của các báo. Đó là chuyện “hai mặt của một vấn đề”. Tức là bên cạnh việc phát triển tiến bộ của các ngành công nghiệp văn hoá, thế nào chẳng có những vấn đề, hiện tượng bất cập, thậm chí tiêu cực nảy sinh.

Chẳng hạn như là đối với ngành xuất bản thì có tình trạng xuất bản sách giả, sách lậu mà các nhà xuất bản chính thống phải “kêu trời như bộng”. Và cũng đã có nhiều người phải ra toà vì làm sách giả, bán sách lậu để trục lợi, trốn thuế. Tuy nhiên, đó chỉ là “phần thực” của sách giả, sách lậu được in và phát hành trên thị trường.

Còn “phần ảo” của vấn nạn này là chuyện các địa chỉ bán sách online trên các mạng xã hội với 1.001 tên “shop ma”, hiện lên cho khách hàng click vào đặt mua rồi biến mất, hoặc thay đổi tên khác. Người mua thì chờ vài hôm sau shipper giao sách tận nhà. Có gặp sách giả in ấn, sao chụp lem nhem cũng phải bấm bụng mà nhận hàng.

Hay là chuyện nghe nhạc trên mạng, bên cạnh các nhạc phẩm lành mạnh thì không thiếu những bản nhạc cũ rích ca ngợi lính Sài Gòn, xuyên tạc cách mạng, hoặc mấy bản nhạc mới với lời lẽ phản động, chống phá nước ta… Những chuyện như vậy chẳng biết có tìm được giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khi bàn bạc chuyện phát triển các ngành công nghiệp văn hoá không hở ông?

-Vấn đề này thì Bàn Dân tin rằng, tại “Hội nghị Diên Hồng” kể trên, chắc chắn không chỉ có các ngành chức năng bàn tới, mà ngay cả những người làm công nghiệp văn hoá chân chính cũng sẽ góp phần tham luận, hiến kế để có giải pháp xử lý, nhằm không chỉ góp phần ngăn ngừa tiêu cực xã hội, mà còn thiết thực bảo hộ hoạt động của chính họ nữa.

Bàn Dân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh