BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển khu công nghiệp: Thu hút tối đa nguồn lực, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế 

Cập nhật ngày: 29/05/2024 - 12:32

BTN - Thu hút đầu tư nước ngoài, lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, các tập đoàn có thương hiệu quốc tế, có khoa học công nghệ tiên tiến, có khả năng liên kết và chuyển giao với doanh nghiệp trong nước, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực tại địa phương.

Thời gian qua, hoạt động của các khu công nghiệp (KCN) đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp thương mại, dịch vụ; tăng thu ngân sách Nhà nước; thu hút vốn đầu tư, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy quá trình đô thị hoá.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Giai đoạn 2011-2020, kinh tế Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Cơ cấu ngành kinh tế thể hiện xu hướng dịch chuyển theo hướng công nghiệp hoá rõ nét. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,4%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bình quân bằng 37% GRDP; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt 3.135 USD (năm 2010 là 1.375 USD).

Những đột phá về phát triển kinh tế đã giúp thu ngân sách Nhà nước có những chuyển biến tích cực, tăng vượt bậc so với giai đoạn trước, tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước so với tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá hiện hành) đạt 10,9%. Giai đoạn 2016-2020, thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 41.530 tỷ đồng, tăng bình quân 10,2%/năm, tăng 58% so với giai đoạn 2011-2015.

Tổng chi ngân sách địa phương đạt khoảng 42.256 tỷ đồng, tăng bình quân 9,9%/năm. Tỉnh quan tâm chi cho đầu tư phát triển nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH đề ra. Trong sự phát triển chung của tỉnh, các KCN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển KT-XH giai đoạn vừa qua.

KCN Phước Đông (huyện Gò Dầu) do Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG làm chủ đầu tư. Đến nay, KCN này đã thu hút được 54 dự án đầu tư gồm 48 dự án FDI và 6 dự án trong nước; tổng vốn đăng ký 5.781 triệu USD và 824,5 tỷ đồng. Diện tích đất đã cho thuê khoảng 845 ha/1.1717 ha; tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 55%.

Tại KCN có 40 dự án đang hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 60.000 lao động. Theo đánh giá của ngành chức năng, từ khi đi vào hoạt động, KCN Phước Đông đã góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, nguồn thu ngân sách.

Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN đa phần là doanh nghiệp lớn, sản phẩm chủ yếu là dệt sợi, may mặc, chế tạo lốp xe và một số ngành nghề khác. Một số doanh nghiệp sản xuất thuộc ngành dệt may, da giày, sản xuất lắp ráp ô tô (chủ yếu sản xuất săm lốp xe) có năng lực khá tốt, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu đến các quốc gia trên thế giới.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 KCN nằm trong quy hoạch KCN Việt Nam đến năm 2020, tổng diện tích đất theo quy hoạch là 3.959 ha. Trong đó, có 5 KCN được cấp phép thành lập và hoạt động gồm: KCN Trảng Bàng, Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III, KCN Chà Là, KCN Phước Đông, KCN Thành Thành Công; và KCN Hiệp Thạnh được Thủ tướng Chính phủ có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 1 vào ngày 1.3.2024.

Luỹ kế đến đầu tháng 3.2024, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 329 dự án đăng ký đầu tư (265 dự án FDI, 64 dự án trong nước), tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 8.750 triệu USD và 12.465 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 67%; diện tích đất công nghiệp còn lại có thể cho thuê là 330 ha (diện tích đất sạch đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật có thể cho thuê; chưa bao gồm diện tích giai đoạn 3 KCN Phước Đông). Hiện có 264 dự án đang hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 130.000 lao động.

Các KCN đã đầu tư hạ tầng cơ bản, hoàn chỉnh đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống điện, chiếu sáng... 100% KCN hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung, vận hành liên tục và ổn định, nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường; chất thải rắn, chất thải nguy hại được kiểm soát chặt chẽ.

Theo UBND tỉnh, những năm qua, công tác quản lý Nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các KCN được tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc hình thành và phát triển các KCN là nhân tố quan trọng góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, mở rộng nguồn thu ngân sách; tạo hệ thống cơ sở hạ tầng mới trong và ngoài KCN có giá trị lâu dài tại địa phương. Đồng thời tác động tích cực đến việc hình thành đô thị mới và một số dịch vụ tại địa phương như tài chính, ngân hàng, lưu trú, ăn uống... tạo việc làm ổn định cho người dân, nâng cao dân trí.

Tuy nhiên, việc phát triển các KCN thời gian qua còn những hạn chế: công tác quy hoạch, đầu tư và hoạt động của các KCN trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập, thiếu tính ổn định; kết cấu hạ tầng trong các KCN chưa đồng bộ, chậm được đầu tư nâng cấp; các vướng mắc về lĩnh vực đất đai chậm được tháo gỡ, thiếu quỹ chỉ tiêu đất công nghiệp trong KCN để phát triển thêm một số khu KCN mới nhằm giới thiệu, thu hút đầu tư; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN hiệu quả chưa cao.

Thi công tuyến ĐT 787B thuộc dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 - đường 787B - đường 789.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư

Ngày 24.5.2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1012/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển khu công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Mục tiêu giai đoạn này là tập trung phát triển các KCN, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm; đầu tư có trọng điểm hạ tầng thiết yếu và mở rộng diện tích các KCN ở những nơi có hạ tầng đồng bộ, thuận lợi thu hút đầu tư gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tham gia KCN.

Về phân kỳ đầu tư, phát triển các KCN, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lấp đầy của KCN Thành Thành Công đạt 100%; KCN Phước Đông giai đoạn 2 (giai đoạn đã đền bù) đạt 80%, giai đoạn 3 (giai đoạn chưa đền bù) triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng để mời gọi đầu tư; thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo để triển khai KCN Hiệp Thạnh.

Giai đoạn 2026-2030, lấp đầy KCN Phước Đông; đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng KCN Hiệp Thạnh, đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 30%; triển khai thực hiện KCN Thạnh Đức. Sau năm 2030, triển khai đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các KCN: Bến Củi, Hưng Thuận, KCN Thành Thành Công mở rộng. Đến năm 2050, tỉnh nghiên cứu thêm các khu vực có tiềm năng để phát triển KCN, nghiên cứu thêm một số KCN có điều kiện mở rộng; 100% KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn trước khi hoạt động.

Để triển khai thực hiện đề án hiệu quả, Tỉnh tập trung vào các giải pháp trọng tâm, trong đó, thực hiện quy hoạch bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, nâng cao hiệu quả công tác lập quy hoạch phát triển các KCN; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thực hiện quy hoạch phát triển các KCN để thu hút đầu tư.

Đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong việc tư vấn, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành công nghiệp, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động.

Ngành chức năng, địa phương đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng KCN tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng còn lại trong KCN theo quy hoạch được duyệt; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng giai đoạn 3 KCN Phước Đông nhằm tạo quỹ đất sạch có sẵn hạ tầng hoàn chỉnh để mời gọi đầu tư. Mặt khác, thu hút đầu tư nước ngoài, lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, các tập đoàn có thương hiệu quốc tế, có khoa học công nghệ tiên tiến, có khả năng liên kết và chuyển giao với doanh nghiệp trong nước, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực tại địa phương.

Tỉnh tập trung huy động khai thác có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế, các KCN, trong đó tiếp tục huy động vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hạ tầng thiết yếu trong khu kinh tế tỉnh để phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường, các dự án khi đưa vào hoạt động phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định.

Một giải pháp khác không kém phần quan trọng là việc xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích phát triển doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp. Theo đó, tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư kịp thời, đúng quy định của Chính phủ; cam kết bảo đảm những lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, luôn dành những ưu đãi cao nhất và chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện những nghĩa vụ thấp nhất trong khung quy định chung của Nhà nước; hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhanh các thủ tục để giảm chi phí và thời gian gia nhập thị trường. Ngoài ra, bổ sung và điều chỉnh các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển các KCN phù hợp tình hình thực tiễn và quy định pháp luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trên địa bàn.

Tỉnh tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các tuyến đường tạo không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ. Ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó, trọng điểm là đẩy nhanh việc khởi công tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; hoàn thành Dự án nâng cấp, mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi, đường 782-784, Dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789; đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng cảng cạn ICD Mộc Bài, Trung tâm logistics và cảng tổng hợp Hưng Thuận.

Giang Hà