Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2025, tỉnh tập trung thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 140/CĐ-TTg ngày 27.12.2024.
![google news](/assets/images/gg-news-v2.png)
Để đạt được mục tiêu, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng
Hiện tỉnh tập trung sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo chuỗi giá trị, phát triển các vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng loại cây trồng, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, tiếp tục định hướng phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các biện pháp an toàn sinh học và xử lý chất thải trong chăn nuôi nhằm tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường.
![](https://baotayninh.vn/image/ckeditor/2025/20250213/ttnhi/files/1499.jpg)
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì tương đối ổn định, hầu hết các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu của thị trường, được tiêu thụ chủ yếu ở trong nước. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ngày càng rộng rãi, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng các nông sản trên địa bàn tỉnh.
Hiện ngành Nông nghiệp hướng đến sản xuất theo yêu cầu của thị trường, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm trồng trọt đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Kế hoạch tổng diện tích gieo trồng năm 2025 là 385.200 ha; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 115 triệu đồng; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt đạt 33%.
Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông sản, gắn với vùng nguyên liệu và nâng cao giá trị gia tăng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các đề án được duyệt, từng bước nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo Sở NN&PTNT, ngành Nông nghiệp tiếp tục khuyến khích các nhà máy ứng dụng và chuyển đổi thiết bị, công nghệ chế biến hướng đến đa dạng các loại sản phẩm chế biến rau củ quả, tinh bột, mía đường, cao su đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư cơ sở chế biến sâu các loại nông sản, nhất là thu hút nhà máy chế biến tại các khu đất trong Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu.
Phấn đấu cuối năm 2025, toàn tỉnh có 71/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm từ 20-30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, 3 sản phẩm tiềm năng đủ điều kiện đánh giá, phân hạng 5 sao; có giải pháp thúc đẩy phát triển mở rộng quy mô sản xuất và thị trường sản phẩm OCOP 4 sao trở lên.
![](https://baotayninh.vn/image/ckeditor/2025/20250213/ttnhi/files/1579.jpg)
Trong thời gian tới, tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đầu tư, triển khai nhanh dự án.
Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác dự án Khu công nghiệp Phước Đông giai đoạn 3, Khu công nghiệp Hiệp Thạnh, Cụm công nghiệp Tân Phú, Cụm công nghiệp Tân Hội 2 và các công trình, dự án truyền tải, phân phối điện, các dự án trọng điểm về điện mặt trời đã có chủ trương đâu tư.
Tỉnh sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bến bãi đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu; đưa vào khai thác bãi đậu xe container và bãi tập kết phương tiện tại Cảng cạn Mộc Bài; triển khai thực hiện dự án xây dựng kho bãi xuất nhập khẩu, logistic tại Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát; hoàn thành công tác bồi thường và triển khai đầu tư dự án Trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Hưng Thuận.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua sự tự động hoá.
Xác định những lợi ích trên, các đơn vị sở, ngành thực hiện thống nhất, đồng bộ quan điểm, chủ trương của tỉnh về quy trình, thủ tục thu hút đầu tư, các biện pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng; công khai, minh bạch về thủ tục đầu tư; xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, hoàn thiện, vận hành hiệu quả trang thông tin hỗ trợ doanh nghiệp.
Các sở, ngành thực hiện đơn giản hóa, không để phát sinh thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư trái pháp luật; tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng cải cách hành chính, môi trường đầu tư và nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ Sở được thực hiện bằng phương thức điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ số hoá kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đạt trên 80%, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tỷ lệ thủ tục hành chính có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 là 100%.
Thời giai tới, tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của tỉnh trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng; có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tăng cả về số lượng thành lập mới và chất lượng hiệu quả hoạt động, thực sự là động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy các ứng dụng số, nền tảng số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Trung tâm IOC cấp tỉnh; hoàn thành cơ sở dữ liệu về quy hoạch, đất đai, đầu tư và kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Phấn đấu đển cuối năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến; tối thiểu 70% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến toàn trình; tỷ lệ hồ sơ nộp, giải quyết và trả kết quả trực tuyến tối thiểu đạt 80% trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Nhi Trần