Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá, triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh; khẩn trương xây dựng, ban hành các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành theo quy định, bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, UBND tỉnh sẽ tập trung rà soát, đánh giá xác định cụ thể các yếu tố động lực có thể đạt được trong quý IV; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ giải ngân vốn đầu tư tư trên địa bàn và thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực. Song song đó, quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là thực hiện đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo chung của Chính phủ.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH 3 tháng cuối năm 2024.
Kinh tế phát triển toàn diện, có nhiều điểm sáng nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá: “Kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 9 tháng năm 2024 là tích cực, toàn diện, có nhiều điểm nổi bật”. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) tăng 7,2% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, chuyển dịch theo hướng xây dựng vùng trồng, chăn nuôi tập trung. Tính đến tháng 8.2024, toàn tỉnh có 160 dự án đầu tư chăn nuôi xin chủ trương đầu tư và đã có 122 dự án được chấp thuận chủ trương. Có 66/122 dự án đã đi vào hoạt động, chiếm 54% số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Công nghiệp- động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh đến nay đã dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 13,4%; hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng sản lượng, trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao như đường các loại, điện thương phẩm, quần áo, clanke poolan…
Theo tính toán, thống kê của ngành chức năng, giá trị ngành công nghiệp trong GRDP tăng thêm khoảng 2.500 tỷ đồng so với năm 2023. Trong 9 tháng, có 8 dự án nằm trong khu công nghiệp đi vào hoạt động với vốn đầu tư 200 tỷ đồng và 17 triệu USD. Dự kiến đến cuối năm, trên địa bàn tỉnh có 390 dự án đầu tư nước ngoài và 726 dự án trong nước, tương ứng tạo nên giá trị tăng thêm cho ngành công nghiệp khoảng trên 23.500 tỷ đồng (tăng 2.190 tỷ đồng so với năm 2023).
Một trong những điểm sáng của kinh tế 9 tháng năm 2024 của tỉnh là kết quả thu ngân sách. Ước tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 9.300 tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ; 9/9 huyện, thị xã, thành phố thu ngân sách đạt từ 75% trở lên. Đặc biệt, lần đầu tiên khi tới tháng 9, có 5/16 nguồn thu vượt dự toán, có 2 đơn vị (Cục Hải quan, huyện Gò Dầu) vượt chỉ tiêu thu ngân sách trước 3 tháng.
Toàn cảnh thành phố Tây Ninh (Ảnh: Tâm Giang)
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt gần 89.000 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá ước thực hiện trên 70.000 tỷ đồng. Khách tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách, đạt 81,5% so kế hoạch, tăng 7,1% so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt gần 2.400 tỷ đồng, đạt 103,7% so kế hoạch, tăng 41,7% so cùng kỳ.
9 tháng qua, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh đã họp 8 kỳ, xem xét cho ý kiến, đôn đốc thực hiện 37 nội dung thường xuyên; tháo gỡ khó khăn cho 20 vấn đề vướng mắc pháp lý về đất đai, tiếp tục duy trì các thủ tục để khởi động thực hiện 37 dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quý IV phải đạt mức tăng trưởng GRDP từ 6,5% đến 7% mới bảo đảm đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã đề ra (từ 7% trở lên). UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá, triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh; khẩn trương xây dựng, ban hành các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành theo quy định, bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
UBND tỉnh rà soát, đánh giá xác định cụ thể các yếu tố động lực có thể đạt được trong quý IV; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ giải ngân vốn đầu tư tư trên địa bàn. Quan tâm nắm tiến độ, kịp thời phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã cấp chủ trương đầu tư sớm đi vào hoạt động; kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kiên quyết xử lý các dự án thực hiện không đúng quy định pháp luật và chủ trương đầu tư dự án được duyệt; nuôi dưỡng nguồn thu và đẩy mạnh thu ngân sách đạt, vượt dự án; hỗ trợ giải quyết những tồn đọng các lĩnh vực còn hạn chế, yếu kém.
Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá tỉnh phát huy vai trò, giải quyết khó khăn, đôn đốc thực hiện các dự án trọng điểm, động lực của tỉnh; trong đó lưu ý các dự án, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Nghiên cứu, thống nhất lộ trình thực hiện việc xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; tập trung thúc đẩy hình thành các cơ sở pháp lý, lộ trình thực hiện hành lang kinh tế kết nối Tây Ninh - Bình Dương.
Ban Chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh chủ động, tích cực, triển khai các bước chuẩn bị, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án, nhất là đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Thực hiện đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát
Song song phát triển kinh tế, tỉnh quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách và dành nguồn lực chăm lo cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với chủ trương chung mỗi bước phát triển kinh tế gắn với bước tiến bộ, bảo đảm an sinh xã hội. Trong 10 năm liền, Tây Ninh duy trì trong nhóm 10 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.
Vừa qua, Chính phủ phát động phong trào thi đua “Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” hướng tới chào mừng Đại hội lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với tinh thần chung là huy động tất cả các nguồn lực (Nhà nước và xã hội hoá) để triển khai hiệu quả, không hình thức.
Cụ thể hoá chủ trương của Đảng và phong trào thi đua của Chính phủ phát động, Tây Ninh cũng đã xây dựng Đề án hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2025 và kế hoạch huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Huy động nguồn lực xã hội hoá để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh (ảnh minh hoạ)
Theo bà Trương Thị Phương Thảo- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sau khi thực hiện rà soát và thống nhất với 9 huyện, thị, thành phố, Sở hoàn chỉnh dự thảo Đề án, với tổng số hộ người có công, thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ nhà ở năm 2025 là 155 hộ; trong đó, xây dựng mới 35 căn (mức hỗ trợ 160 triệu đồng/căn), sửa chữa 120 căn (mức hỗ trợ sửa chữa không vượt quá 75 triệu đồng/căn).
Tổng số vốn thực hiện Đề án dự kiến khoảng 14 tỷ đồng (xây mới khoảng 5,6 tỷ đồng, sửa chữa khoảng 8,4 tỷ đồng) huy động từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp. Tiến độ huy động vốn từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp sẽ triển khai từ khi đề án bắt đầu cho đến ngày 31.12.2024. Thời gian thi công dự kiến trong tháng 1.2025, hoàn thành các công trình xây mới, sửa chữa trước ngày 30.4.2025 đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đối với xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, qua tổng hợp toàn tỉnh, riêng năm 2025, toàn tỉnh dự kiến tổ chức xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 501 hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Định mức xây dựng mới là 90 triệu đồng/căn, sửa chữa 40 triệu đồng/căn, tổng vốn huy động từ mọi nguồn lực là khoảng 39 tỷ đồng (tỉnh huy động 32,4 tỷ đồng; cấp huyện, xã là 6,6 tỷ đồng). Trong quý I và II năm 2025, các địa phương sẽ triển khai xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho những hộ đã có đất (xây mới 84 căn, sửa chữa 118 căn với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng).
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm, hai đề án này nếu tổ chức vận động tốt, Tây Ninh sẽ thực hiện chủ trương xoá nhà tạm, nhà dột nát theo chủ trương chung của Trung ương.
Phương Thuý