Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Kinh tế trang trại được xem là mũi nhọn trong phát triển nền nông nghiệp hàng hoá, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân. Những năm gần đây, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo việc làm và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Ông Lê Minh Trị bao trái cho xoài đạt chất lượng.
Khẳng định hiệu quả
Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh chú trọng phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng tập trung chuyên canh, sản xuất hàng hoá, góp phần nâng cao thu nhập người dân.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kinh tế trang trại nằm ở các khu vực xa dân cư, vùng biên giới, có diện tích đất nông nghiệp lớn trên địa bàn các huyện Tân Châu, Tân Biên, Bến Cầu và Châu Thành đang phát triển nhanh. Sự phát triển của kinh tế trang trại giúp người dân phát huy được lợi thế mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao năng suất hàng hoá, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường trong và ngoài tỉnh.
Các trang trại chăn nuôi, trồng trọt đang từng bước ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như: hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới đối với các loại cây trồng như: dưa lưới, rau ăn lá, rau ăn quả với diện tích 35 ha; hoa lan 20 ha; sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt sử dụng phổ biến với diện tích trên 32.500 ha; ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử Kipus; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thức ăn xanh, phối trộn thức ăn theo phần mềm, cơ giới hoá, tự động hoá trong các khâu, sản xuất kín, an toàn sinh học, phù hợp với sản xuất an toàn; xử lý chất thải trong chăn nuôi với các mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, vịt, xử lý chất thải bằng biogas trong chăn nuôi heo.
Ông Ngô Ngọc Thành- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, trên địa bàn huyện có 25 dự án chăn nuôi được cho chủ trương xây dựng theo hướng công nghệ hiện đại; trang trại cây ăn trái phát triển ổn định, năm 2021, huyện có 1.458 ha cây ăn trái, trong đó có 18 trang trại cây ăn trái diện tích từ 3 ha trở lên.
Nhờ đầu tư nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình canh tác mà trang trại xoài cát Hoà Lộc của ông Lê Minh Trị ở ấp Tầm Long, xã Trí Bình, huyện Châu Thành sản xuất ra sản phẩm sạch đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Hiện nay, với kỹ thuật tiên tiến áp dụng rộng rãi trong quá trình thâm canh, trang trại chuyên canh xoài cát Hoà Lộc đã có thể xử lý cho cây ra trái theo ý muốn, năng suất, sản lượng cao đồng thời nâng chất lượng trái xoài đáp ứng nhu cầu nhiều thị trường khó tính. “Vườn xoài có diện tích canh tác khoảng 4 ha, mỗi năm thu hoạch trên dưới 40 tấn/vụ. Với nhiều năm kinh nghiệm trồng và chăm sóc xoài, tôi đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm, cho trái xoài luôn đạt chất lượng, có giá thành ổn định”- ông Trị chia sẻ.
Được biết, cây xoài trồng chủ yếu ở các huyện Tân Biên, Tân Châu và Châu Thành, lợi nhuận bình quân đạt 103 triệu đồng/ha và giá trị gia tăng bình quân đạt 153 triệu đồng/ha. Các giống xoài được trồng chủ yếu là các giống dùng ăn tươi như: xoài cát Hoà Lộc, tứ quý, Đài Loan, Úc, Thái nhưng chưa có nhiều diện tích trồng giống xoài cung cấp nguyên liệu cho chế biến của các doanh nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu chế biến xoài trên địa bàn tỉnh tăng cao, đặt ra vấn đề chuyển đổi cơ cấu giống cũng như triển vọng phát triển nếu quy hoạch được vùng nguyên liệu phù hợp và nâng cao chất lượng xoài.
Chăn nuôi gà theo quy mô trang trại.
Để kinh tế trang trại phát triển bền vững
Ông Võ Văn Hoa Vinh- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Châu cho biết, hướng tới phát triển kinh tế trang trại hiệu quả, bền vững, huyện Tân Châu tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng nông nghiệp nói riêng và toàn ngành nông nghiệp huyện Tân Châu nói chung.
Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn huyện Tân Châu có tổng số 226 trang trại, trong đó có 205 trang trại trồng trọt, 18 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại lâm nghiệp, 1 trang trại nuôi trồng thuỷ sản. Các trang trại thành lập theo nhu cầu của thị trường và phù hợp với cơ cấu phát triển ngành nông nghiệp của địa phương.
Thời gian qua, các trang trại chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm da nổi cục, dịch tả heo châu Phi; giá cả một số hàng nông sản, thịt gia súc, gia cầm không ổn định cũng là nhân tố gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các trang trại. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để nâng cao giá trị nông sản còn hạn chế; tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã được hình thành ở một số trang trại nhưng số lượng ít, chưa có nhiều nhà đầu tư tham gia liên kết chuỗi giá trị sản phẩm- nhất là lĩnh vực trồng trọt.
Nhằm thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp trên địa bàn huyện, UBND huyện Tân Châu kiến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp tham gia đầu tư vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Để khuyến khích mô hình kinh tế trang trại phát triển, Tân Châu tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn, khai thác hiệu quả dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với chế biến sản phẩm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân cho biết, để kinh tế trang trại tạo được sức mạnh trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn, vấn đề cần sớm giải quyết là rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế trang trại trên cơ sở xác định các vùng phát triển trang trại giao hoặc cho thuê đất; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi… bảo đảm đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển sản xuất kinh tế trang trại.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Khuyến nông để hỗ trợ, đào tạo các chủ trang trại có thêm hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật mới cũng như nâng cao trình độ quản lý; tiếp tục tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển kinh tế trang trại về vốn, miễn thuế thu nhập với các trang trại mà Nhà nước khuyến khích đầu tư và khai thác phù hợp trong tình hình mới.
Ngoài ra, tỉnh tạo điều kiện để các trang trại tích cực tham gia vào loại hình bảo hiểm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, sớm khôi phục sản xuất.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 580 trang trại hoạt động, sử dụng khoảng 10.000 ha đất nông nghiệp; trong đó, 471 trang trại trồng trọt, 104 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại lâm nghiệp và 3 trang trại nuôi trồng thuỷ sản. Quy trình sản xuất ở các trang trại được cải thiện theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; các chủ trang trại đang có xu hướng liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.
Hằng năm, kinh tế trang trại đóng góp khoảng 12% giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm thuỷ sản. Đây là loại hình tổ chức sản xuất phù hợp với xu thế liên kết sản xuất; nếu các chủ trang trại thực hiện hợp tác, làm cơ sở để liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.
Nhi Trần