Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển kinh tế tư nhân để tự chủ nền kinh tế 

Cập nhật ngày: 06/09/2021 - 08:48

"Khi chúng ta đang gồng mình để vượt qua đại dịch Covid-19, tôi càng trăn trở suy nghĩ, làm thế nào để nền kinh tế tự chủ và giàu có, làm thế nào để những nhà tư sản dân tộc đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu".

Tuần Việt Nam trò chuyện với TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) nhân dịp Quốc khánh 2/9.

Lịch sử đầy dấu ấn

Thưa ông, đất nước đang trải qua những ngày tháng thật đặc biệt, thật khó khăn và trăm bề lo toan trong đại dịch Covid-19. Trong lúc chúng ta ngồi trò chuyện với nhau về những trăn trở lâu nay rằng làm thế nào để Việt Nam tự chủ được nền kinh tế thì ngoài kia nhiều người lao động, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với thất nghiệp, phá sản, đói nghèo…

TS Vũ Tiến Lộc: Tôi xin được chia sẻ với những khó khăn của đất nước nói chung và những người lao động, doanh nghiệp nói riêng trong những ngày này.

Tôi kể lại câu chuyện lịch sử này, lúc sinh thời, Bác Hồ đã rất quan tâm tới đội ngũ doanh nhân. Từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội, chuẩn bị cho ngày Quốc khánh, Bác ở nhà của một gia đình tư sản dân tộc - ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đã đi vào lịch sử. Tại đây, Bác đã viết Tuyên ngôn độc lập, trong đó nhấn mạnh: “Thực dân Pháp không cho các nhà tư sản dân tộc của ta ngóc đầu lên”.

Ông Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp nào hoạt động với mô hình trách nhiệm xã hội tốt hơn thì khả năng chống chịu của họ trong đại dịch cao hơn

Hai tuần sau ngày Quốc khánh, ngày 18/9/1945, trong tuần lễ vàng, giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch là các nhà tư sản dân tộc - đại diện của giới Công thương gia Hà Nội.

Một tháng sau, ngày 13/10, nhân ngày giới doanh nhân thành lập Công thương Cứu quốc Đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã gửi thư động viên, cổ vũ. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò, sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân và trách nhiệm của Chính phủ nhân dân.

Bác viết: “Trong khi các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng... Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Nhà nước đóng vai trò giúp đỡ và kiến tạo, giới công thương là lực lượng chủ thể làm nên nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng của quốc gia. Kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là doanh nghiệp tư nhân thịnh vượng thì đất nước mới thịnh vượng.

Lúc ấy, chính quyền cách mạng còn non trẻ, Bác đã huy động giới thương gia, giai cấp tư sản, doanh nhân đóng góp cho Chính phủ. Ông Trịnh Văn Bô đã đóng góp hơn một nửa ngân sách của mình. Đội ngũ doanh nhân lúc đó đã bỏ tiền của mình ra, bán tài sản của mình đi để ủng hộ cho Chính phủ lâm thời. Ông Trịnh Văn Bô lúc đó có câu nói rất hay: “Làm được 10 phần, giữ lại 7 phần, còn 3 phần làm từ nhiện. Còn cứu độc lập là hiến tất cả”.

Tinh thần giai cấp tư sản lúc đó là vậy.

Và ngày hôm nay, tinh thần đó của doanh nghiệp vẫn còn được giữ vững. Như chúng ta thấy, mặc dù nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, lưu thông hàng hoá, nhân lực lao động, nợ ngân hàng… nhưng họ vẫn sẵn sàng đóng góp cho ngân sách Chính phủ.

Tinh thần yêu thương, chia sẻ đó dường như đã ngấm vào máu của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Để nền kinh tế tự chủ và thịnh vượng

Như ông thấy, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn từ những hệ lụy của đại dịch mang lại. Chuỗi giá trị toàn cầu đã thay đổi. Phải chăng đây là lúc chúng ta định vị lại vai trò của kinh tế tư nhân đứng trước những sức ép tái cấu trúc nền kinh tế mới?

Đại dịch Covid-19 khiến chúng ta nhận ra mọi thứ thật mong manh. Chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục quay trở lại. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tiếp diễn… Ba yếu tố này tạo nên sức ép để tái cấu trúc điều chỉnh lại chuỗi thế giới. Trật tự thế giới được sắp xếp lại theo 3 yếu tố đó.

Cơ cấu nền kinh tế mới sẽ dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ, ít sử dụng lao động giản đơn. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn gia công là chính, dựa trên lao động giản đơn nên giá trị gia tăng không nhiều. Trong khi đó, Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tác động trực tiếp đến lực lao động.

Thế giới có xu hướng chuyển các chuỗi dây chuyền dệt may, giày dép... về nơi gần với thị trường tiêu thụ hơn nhằm làm bớt rủi ro về đứt gãy trong dịch bệnh.

Việt Nam đang có lợi thế lao động giá rẻ nhưng đứng trước trào lưu dịch chuyển chuỗi cung ứng của thế giới như vậy khiến ta gặp không ít thách thức.

Cơ cấu nền kinh tế mới sẽ dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ, ít sử dụng lao động giản đơn

Có thể thấy, khu vực FDI đến thời điểm này vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, nhưng điều đó khiến nền kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào việc gia công lắp ráp và lao động giá rẻ. Nếu nền kinh tế tiếp tục đà hiện nay, chúng ta khó trở thành quốc gia thịnh vượng.

Vì vậy, tôi cho rằng hai yếu tố quan trọng cần thúc đẩy là thị trường trong nước và doanh nghiệp tư nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có mở cửa bao nhiêu, ký bao nhiêu FTAs thì khu vực FDI được hưởng nhiều hơn cả, còn doanh nghiệp Viêt Nam không thu được nhiều nguồn lợi. Chúng ta mong muốn khuyến khích đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao nhưng thực tế vẫn còn nhiều trở ngại như thể chế, cơ sở hạ tầng, nhân lực.

Cho nên, tôi nhấn mạnh, sắp tới chúng ta phải có chiến lược điều chỉnh lấy doanh nghiệp tư nhân làm vai trò dẫn dắt, làm rường cột và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với chuỗi giá trị nếu muốn có nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Cần có chính sách thúc đẩy phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng chuỗi giá trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là những định hướng của Chính phủ nên tập trung.

Doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19

Những gì chúng ta đã bàn luận trên đây là về mặt dài hạn cho nền kinh tế phát triển. Nhìn vào thực tế trước mắt còn rất nhiều khó khăn cần hỗ trợ cho doanh nghiệp khi chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch. Ông nhận xét thế nào về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ hiện nay và có những gợi ý gì?

Với tình hình hiện nay, tôi cho rằng các gói hỗ trợ tài chính tiền tệ là quan trọng.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, dư địa tài chính không nhiều nhưng Chính phủ đã cố gắng dành những gói hỗ trợ lớn để giải cứu doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn mong muốn làm sao quá trình thực thi gói hỗ trợ đó nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Chúng ta đã có những chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, thì các hộ kinh doanh cũng cần được miễn giảm thuế. Vừa rồi, mới chỉ miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp vận tải, du lịch… Chúng ta nên miễn giảm cho tất cả doanh nghiệp, có thể ở mức độ thấp hơn nhưng cấp độ trải rộng hơn vì thuế giá trị gia tăng là đánh vào người tiêu dùng, giảm thuế giá trị gia tăng đồng nghĩa với việc thúc đẩy kích cầu.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách tiền tệ hỗ trợ cho các dự án tiềm năng để tạo cơ hội bứt phá. Không chỉ giải cứu doanh nghiệp khó khăn mà còn thúc đẩy doanh nghiệp tiềm năng phát triển.

Đặc biệt, tận dụng những cơ hội để mở cửa thị trường sớm. Ưu tiên hàng đầu là dịch bệnh nhưng tránh lạm dụng các biện pháp siết chặt quá.

Tư duy bây giờ là ta phải sống chung với dịch Covid-19. Cho nên, cần có những phương án cân đối để giúp doanh nghiệp vẫn có thể sản xuất kinh doanh.

Phương án 3 tại chỗ phù hợp với các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Các chính sách đưa ra cần dựa trên tinh thần khuyến khích doanh nghiệp tự đưa ra mô hình cụ thể đáp ứng điều kiện an toàn với đại dịch. VCCI cùng các hiệp hội cũng đã gửi đến Thủ tướng bộ cẩm nang những quy định sinh hoạt sản xuất an toàn trên cơ sở đó các doanh nghiệp có thể vận dụng linh hoạt.

Kinh nghiệm các nước khác cho thấy nếu doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt sẽ hạn chế được khả năng lây nhiễm dịch. Tôi vẫn nói, trong chống dịch cần đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp không kém trách nhiệm của chính quyền địa phương. Muốn vậy hãy để họ có vai trò chủ động. Trừ một số địa phương dịch bệnh phức tạp, còn lại các địa phương khác để cho họ có thể duy trì sản xuất kinh doanh.

Người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VietNamNet

Chính phủ nên có những cách thức khen thưởng hay xử phạt cho những chính quyền địa phương thực hiện tốt mục tiêu kép trên cả hai mặt trận chống dịch và kinh tế. Nếu địa phương nào hoàn thành chống dịch mà để sản xuất kinh doanh bị trì trệ cũng xem như chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cuộc họp của ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cũng như các tổ công tác nên có đại diện của doanh nghiệp tham gia, có tiếng nói của các chuyên gia kinh tế. Thành lập các tổ công tác không chỉ cấp trung ương mà còn ở cấp tỉnh để các tổ công tác đó hướng dẫn, giải quyết trực tiếp cho doanh nghiệp. 

Kinh tế tư nhân là vũ khí để có nền kinh tế độc lập tự chủ

Nhìn lại lịch sử, chúng ta chiến thắng được là nhờ sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Vậy trong ngày hôm nay, khi cả nước đang phải gồng mình trên cả hai mặt trận chống dịch và kinh tế, theo ông đâu là vũ khí để giúp chúng ta chiến thắng trên mặt trận kinh tế?

Thành công của Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, chiến thắng mùa xuân năm 1975 minh chứng cho chiến tranh nhân dân là vũ khí vô địch của dân tộc để làm nên chiến thắng trong sự nghiệp cứu nước. Kinh tế tư nhân cũng sẽ là công thức cho ta chiến thắng trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Nếu chiến tranh nhân dân là vũ khí giành độc lập thì kinh tế tư nhân là vũ khí để có nền kinh tế độc lập tự chủ. Chiến tranh nhân dân và kinh tế tư nhân là bảo bối cho chúng ta.

Kinh tế tư nhân là kinh tế của nhân dân. Tôi muốn nhắc đến thuật ngữ trong đường lối của Đảng là kinh tế dân doanh. Cụm từ “Kinh tế dân doanh” mang tính nhân văn hơn.

Kinh tế nhân dân rất đáng để ủng hộ, nâng niu bởi vì tư nhân là nhân dân. Chừng nào chúng ta chưa phát động được sự nghiệp toàn dân làm kinh tế, chưa phát triển kinh tế dân doanh, chừng đó không thể có được nền kinh tế thịnh vượng như Bác Hồ nói. Bác cũng nói không phải Chính phủ bỏ tiền ra mà Chính phủ định hướng về thể chế chính sách, khuyến khích động viên, còn nhân dân bỏ tiền ra làm ăn, hăng hái tham gia vào kiến quốc xây dựng kinh tế, sự nghiệp này vẫn là sự nghiệp của dân.

Từ năm 1924 đến năm 1953, Bác đã nói nền kinh tế của ta là kinh tế nhiều thành phần, gồm 56 thành phần. Sau đó, do điều kiện chiến tranh cơ chế kế hoạch hoá tập trung nên không có điều kiện để thực hiện được mô hình kinh tế đó. Chỉ từ khi Đại hội 6 của Đảng đề ra xây dựng kinh tế nhiều thành phần có sự quản lí của nhà nước trong đó thừa nhận khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân.

Một trong những thành quả quan trọng của công cuộc Đổi mới từ Đại hội 6 là phát triển kinh tế tư nhân. Nếu nói về mô hình phát triển hai đường ray thể chế kinh tế thị trường thì đường ray phát triển là thị trường, động cơ đầu máy phát triển là kinh tế tư nhân, tay lái là nhà nước.

Vì thế, chúng ta cảm ơn những nhà tiên phong trong Đổi mới đã dùng từ đúng bản chất của kinh tế tư nhân là kinh tế dân doanh.

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới nhận ra những thiếu sót, bất cập với những mô hình quản trị quốc gia được xem là hoàn thiện nhất. Đã có rất nhiều mô hình thế giới mới được dự đoán sẽ hình thành khi chúng ta phải chung sống với đại dịch. Vậy những thay đổi đó tác động đến Việt Nam ra sao?

Thế giới vẫn đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19, rồi chiến tranh thương mại vẫn đang xảy ra, biến đổi khí hậu… những điều đó càng khiến chúng ta nhìn nhận mô hình chủ nghĩa tư bản hiện đại chứa đựng nhiều vấn đề. Chủ nghĩa tư nhân vị kỉ với lợi nhuận là tối thượng đã không còn phù hợp trong thế giới hiện đại.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra trên toàn cầu. Ảnh: Reuters

Bản thân các nước tư bản cũng đã thay đổi. Trước đây, nhà kinh tế hàng đầu chủ nghĩa tư bản, cha đẻ thuyết nền kinh tế thị trường tự do, đồng cố vấn cho các Tổng thống Mỹ, Anh, ông Milton Friedman khẳng định, lợi nhuận là tối thượng, các nhà tư bản nhắm tới lợi nhuận là cao nhất. Tuy nhiên, những biến động hôm nay như bất công xã hội, thiên tai dịch bệnh cho thấy mô hình đó không còn phù hợp.

Thế giới cũng như các nhà tư bản tư nhân đang vận hành theo hướng khác. Họ tạo lợi nhuận theo tư duy phụng sự xã hội, họ vận hành theo hướng cân bằng giữa các mục tiêu xã hội và môi trường, phát triển bền vững, quan tâm tới cộng đồng, người lao động… Họ không coi lợi nhuận là mục tiêu tối thượng nữa.

Chủ nghĩa tư bản đang thay đổi cũng có nghĩa là kinh tế tư nhân đang thay đổi. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta thấy rất nhiều các cuộc họp diễn ra giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đã ngồi với nhau để cùng xây dựng các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ một cách bền vững. Cụ thể là 17 mục tiêu phát triển bền vững, nó cũng gần với mô hình, giá trị chủ nghĩa xã hội theo đổi vì một xã hội công bằng tốt đẹp hơn.

Trở thành những doanh nghiệp nghĩ lớn, làm lớn cho đất nước

Vậy đội ngũ doanh nhân, nền kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng cần thay đổi thế nào để phù hợp với quy luật phát triển chung của thế giới trong bối cảnh thế giới chấp nhận sống chung với đại dịch?

Chúng ta cần xây dựng đội ngũ kinh doanh là những nhà tư sản dân tộc luôn đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu.

Tôi nhấn mạnh rất cần những nhà tư sản có trách nhiệm. Còn nhớ, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, luật Doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển mà ít có những ràng buộc. Sau này, một số doanh nghiệp đó phát triển tập trung nhiều vào bất động sản, khai thác tài nguyên mà họ chưa đề cao những chuẩn mực phát triển bền vững.

Cho nên, phải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những doanh nghiệp chân chính vẫn có một bộ phận doanh nghiệp trọc phú, có sự bất công trong phân phối tài sản.

Vai trò của doanh nhân đã giúp đất nước, hàng chục triệu đồng bào thoát khỏi đói nghèo từ sau Đổi mới. Đội ngũ doanh nghiệp tư nhân đã có những đóng góp quan trọng đưa đất nước trở thành nước thu nhập trung bình, trở thành quốc gia có tốc độ phát triển cao.

Việc gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm, nhà nước không làm được thì tư nhân tham gia cùng nhà nước

Tuy nhiên, do thể chế chưa tạo được sự bình đẳng, thiếu minh bạch nên còn hiện tượng chạy theo lợi nhuận, tập trung quá nhiều vào khai thác tài nguyên. Nhiều doanh nghiệp có trình độ quản trị chưa cao, năng suất lao động thấp, những chuẩn mực và trách nhiệm xã hội chưa cao.

Vì vậy, trong bối cảnh mới, đội ngũ doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, có trách nhiệm xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Đại dịch Covid-19 đã tạo dịch chuyển tái cấu trúc kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp cần bắt đầu ngay từ bây giờ để sau khi hết đại dịch có cơ hội bứt phá. Có nghĩa là, chúng ta phải chuẩn bị nền tảng để bứt phá ngay từ lúc này.

Kinh tế tư nhân có lợi thế đứng trước công cuộc cách mạng số, dù ta đi sau nhưng sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên. Tố chất của doanh nhân Việt Nam thông minh, linh hoạt, luôn tràn đầy tinh thần khởi nghiệp cao. Đó là nền tảng phát triển mạnh của nền kinh tế tư nhân.

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân lớn cũng như cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận thức được những thay đổi trong bối cảnh này. Trái tim của họ cũng trở nên nhân hậu hơn, gắn kết tình người hơn, thức tỉnh hơn qua những khó khăn của đại dịch Covid-19. Họ sẽ suy nghĩ và định hướng kinh doanh một cách có trách nhiệm xã hội hơn.

Nếu những ngày đầu tiên họ khởi nghiệp vì họ không có việc làm, họ bị ra khỏi biên chế nhà nước hay vì bắt buộc phải kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình… thì bây giờ là lúc họ cần nâng cao tầm vóc của mình, trở thành những doanh nghiệp suy nghĩ lớn, làm lớn cho đất nước, cho dân tộc.

Thực tế cho thấy, những năm qua doanh nghiệp nào hoạt động với mô hình trách nhiệm xã hội tốt hơn thì khả năng chống chịu của họ trong đại dịch cao hơn.

Đó là về phía doanh nghiệp, còn phía nhà nước cũng cần có những hỗ trợ gì để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thưa ông?

Có nhiều việc mà chúng ta thấy xưa nay chỉ mỗi mình nhà nước làm và không có hiệu quả. Bây giờ khu vực tư nhân đã lớn, có thể tham gia vào các dự án xã hội, trở thành đối tác công tư.

Nhà nước kêu gọi tư nhân tham gia. Đối tác công tư là giải pháp cho hệ thống kinh tế gắn chặt lợi ích công cộng giữa nhà nước và tư nhân. Đó cũng là dư địa để thúc đẩy cơ sở hạ tầng, thể chế. Việc này cần sự sát cánh của doanh nghiệp tư nhân và nhà nước.

Bây giờ cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm, nhà nước không làm được thì tư nhân tham gia cùng nhà nước.

Thể chế công khai minh bạch là bầu khí quyển cho đội ngũ doanh nhân phát triển lành mạnh, không bị còi cọc. Chúng ta vẫn nói nhiều đến chủ nghĩa tư bản thân hữu, tham nhũng tiêu cực, thể chế nào doanh nhân đó. Vì vậy, nhà nước cần tạo thể chế minh bạch để có được đội ngũ công chức thực sự tận tâm với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và giáo dục đào tạo cũng cần phát triển mạnh lên. Muốn có đội ngũ doanh nghiệp mạnh phải có lực lượng lao động trình độ cao.

Lâu nay những điều đó đã gây cản trở cho phát triển kinh tế tư nhân nên nhà nước cần phải thực hiện 3 khâu đột phá đó.

Nguồn Vietnamnet