BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 24/06/2009 - 09:48

Nhiều nơi người dân vẫn còn vứt rác bừa bãi ở lề đường, kênh mương. (Ảnh minh hoạ)

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15.11.2004 của Bộ Chính trị (khoá IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” công tác này ở Tây Ninh bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng xã hội đã quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, nhận thức được tầm quan trọng của môi trường tác động đến sức khoẻ và đời sống nhân dân. Ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng tăng lên. Cơ quan quản lý về môi trường được thành lập từ tỉnh đến cơ sở. Những vấn đề bức xúc về môi trường được các cơ quan chức năng tập trung giải quyết.

Tuy nhiên vẫn còn một số ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, chưa quán triệt sâu Nghị quyết của Đảng, nên chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Công tác quản lý Nhà nước về môi trường cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tình hình ô nhiễm môi trường của tỉnh có chiều hướng gia tăng, có nơi, có lúc xảy ra nghiêm trọng. Công tác quản lý và xử lý chất thải y tế chưa được ngành chức năng quan tâm đầy đủ, chưa thường xuyên kiểm tra xử lý triệt để chất thải y tế phát sinh từ các cơ sở. Việc thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý rác thải chưa được quản lý chặt chẽ. Hoạt động xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường còn chậm thực hiện, hiệu quả thấp.

Thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư (khoá X) về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị (khoá IX), nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường ở địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đề ra một số nhiệm vụ: Triển khai, quán triệt và thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW và các chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường đến các ngành các cấp và toàn thể nhân dân; đẩy mạnh xã hội hoá trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết đình chỉ những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mà không khắc phục hiệu quả. Các cơ sở mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và xây dựng các công trình xử lý chất thải hoàn chỉnh mới được hoạt động. Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xác định phấn đấu đến 2010, 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm phải khắc phục đạt tiêu chuẩn môi trường. Triển khai xây dựng các công trình thu gom và xử lý nước thải tập trung ở thị xã Tây Ninh, các thị trấn đông dân cư, các khu công nghiệp, khu kinh tế và các cụm công nghiệp đã hoạt động. 40% đô thị và 100% khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Khắc phục tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng, nhất là các khuôn viên chợ, bệnh viện, trường học, nơi đông người qua lại. Bảo đảm đủ cơ sở để thực hiện vệ sinh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường. Phát triển các hình thức cung cấp nước sạch để đưa tỷ lệ dân cư sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 75% lên 85% dân cư ở vùng nông thôn và 100% dân cư ở vùng đô thị được dùng nước sạch hợp vệ sinh. Tăng cường các biện pháp bảo vệ chất lượng các nguồn nước mặt, nước ngầm. Tiếp tục thực hiện các dự án trồng rừng mới, khoanh nuôi và bảo vệ diện tích rừng hiện có, tăng cây xanh ở các đô thị, khu dân cư, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ tự nhiên trên 40%. Trong quy hoạch, xây dựng các đô thị, các khu cụm công nghiệp, khu kinh tế phải bố trí diện tích đất hợp lý cho các nhu cầu về cảnh quan môi trường cây xanh và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cho công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường trồng cây xanh, bảo vệ cây xanh dọc các tuyến đường, tuyến phố, các công viên, khuôn viên trong cả nội thị và vành đai xung quanh. Quy hoạch cây xanh đạt mục tiêu 3m2/ người vào năm 2010. Quy hoạch nghĩa trang, xây dựng lò hoả táng và vận động nhân dân không được chôn người chết tại đất nhà gần khu dân cư sinh sống. Hạn chế sử dụng các loại phân và thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng hoá chất cao trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Thu gom, xử lý hợp vệ sinh các loại bao bì chứa đựng hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.

Đầu tư xây dựng một số khu xử lý chất thải rắn (rác). Trước mắt hoàn thiện khu xử lý rác ở xã Tân Hưng (Tân Châu) và xây dựng mới khu xử lý rác ở huyện Trảng Bàng, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý và xử lý chất thải rắn tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, tăng cường quản lý thu gom, xử lý rác sinh hoạt và rác công nghiệp đạt 90%, chất thải nguy hại từ công nghiệp và y tế phải được thu gom và xử lý 100%. Ưu tiên cho việc tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm hạn chế tối đa chất thải phải xử lý. Chấm dứt nạn xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường…

D.H