BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển loại hình thư viện lưu động 

Cập nhật ngày: 27/03/2022 - 23:34

BTN - Để cụ thể hoá Quyết định 329/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025 và định hướng năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Đọc sách trong nhà trường.

Kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về ý nghĩa của việc phát triển văn hoá đọc, tạo động lực thúc đẩy sự hình thành con người mới có hiểu biết, trí tuệ, đủ khả năng thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại. Người dân, tuỳ thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp, điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích cho cuộc sống.

Trong kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về chủ trương xây dựng, phát triển văn hoá đọc, một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục của đất nước. Cấp uỷ, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học, các tổ chức khác liên quan, cùng gia đình, cộng đồng có trách nhiệm tham gia, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hoá đọc trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu chung của kế hoạch là xây dựng, phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng, thanh niên, thiếu niên, sinh viên, học sinh, chú trọng tới người dân nông thôn, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Phát triển văn hoá đọc còn để cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tiếp tục duy trì những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo tinh thần này, 80% học sinh, sinh viên được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của trường học; 80% trẻ mầm non được tiếp cận và thường xuyên nghe đọc sách, giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu với sách; 90% học sinh, sinh viên có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức trong các lĩnh vực văn hoá - xã hội, khoa học - kỹ thuật thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; 100% đơn vị, trường học có thư viện trang bị đầy đủ sách, báo, tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của học sinh; 100% cơ sở giáo dục mầm non có thư viện thân thiện; 50% cơ sở giáo dục bậc tiểu học và phổ thông có tủ sách lớp học.

Tập trung đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh trở thành thư viện trung tâm của tỉnh. Nâng cấp trang thông tin diện tử của Thư viện tỉnh để tăng cường cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hoá; tăng cường phát triển nguồn tài liệu điện tử, tài liệu số để phục vụ người dân khai thác thông qua môi trường mạng.

Từ nay đến năm 2030, 70% tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, khoa học được thu thập và bảo quản tại Thư viện tỉnh được số hoá và tổ chức khai thác sử dụng.

100% thư viện cấp huyện (thư viện thuộc trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh cấp huyện) tiếp nhận tài nguyên thông tin, tiện ích từ Thư viện tỉnh. 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 90% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phấn đấu 40% - 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời.

Định hướng đến năm 2030, tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường đọc, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác; xây dựng cho người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận thông tin. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi lúc, mọi nơi.

Kinh phí thực hiện đề án từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định về phân cấp, các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong,ngoài tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó, ngân sách của tỉnh ưu tiên đầu tư nguồn lực thông tin cho Thư viện tỉnh (bao gồm tài liệu dạng giấy, tài liệu số, tài liệu điện tử); số hoá tài liệu; nâng cấp, mở rộng tính năng trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh; trang bị xe ô tô thư viện lưu động cho Thư viện tỉnh.

Đ.V.T