Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản theo chiều sâu
Chủ nhật: 06:24 ngày 03/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn do giá thức ăn tăng cao trong khi giá đầu ra không tăng.

Nông dân nuôi cá chạch lấu trên địa bàn xã Tân Bình, TP. Tây Ninh.

Sản lượng khai thác thuỷ sản nội địa ước thực hiện đạt 914 tấn, giảm 0,06% so cùng kỳ. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước trên sông, kênh, rạch phần nào ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của các loại thuỷ sản tự nhiên.

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản nội địa ước đạt 6.577 tấn, giảm 21,12 so cùng kỳ, chủ yếu do diện tích nuôi trồng giảm, nhất là sản phẩm cá tra, sản lượng ước thực hiện đạt 4.225 tấn, so với cùng kỳ giảm 31,92%, do diện tích nuôi giảm nhiều. Sản lượng giống thuỷ sản ước thực hiện được 23,33 triệu con, giảm 2,14% so cùng kỳ.

Hiện nay, hoạt động khai thác thuỷ sản tập trung chủ yếu tại hồ Dầu Tiếng ước (chiếm 80% sản lượng), ven sông Vàm Cỏ Đông và vùng nội đồng. Tổng sản lượng thuỷ sản khai thác đạt hơn 2,1 ngàn tấn/năm, giảm 39,4%.

Đối với hoạt động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng nhằm tái tạo, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường nước, góp phần ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho người dân khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên, sự du nhập nhiều giống cá, tôm ngoại lai trên địa bàn tỉnh cũng kéo theo nguồn bệnh ảnh hưởng đến sức chống chịu của các loài thuỷ sản bản địa.

Ngoài ra, các loài cá ngoại lai khi thoát ra môi trường tự nhiên sẽ cạnh tranh nguồn thức ăn với các loài bản địa. Cá lau kiếng là một trường hợp điển hình, hiện nay xuất hiện khá nhiều ở tỉnh Tây Ninh, loài cá này còn ăn cả trứng của các loài cá khác, làm suy giảm số lượng, thậm chí làm biến mất một số loài cá bản địa. Nguy hiểm hơn, chúng lấn át sinh vật bản địa, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái.

Thu hoạch cá trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh theo quy mô hộ nhỏ lẻ là chủ yếu, đối tượng nuôi là các loài cá nước ngọt bản địa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Thời gian qua, quá trình cơ cấu lại nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số mô hình nuôi trồng thuỷ sản hiệu quả cao như: nuôi ba ba ở huyện Tân Châu và Dương Minh Châu, nuôi cá lóc đen, lóc bông ở huyện Dương Minh Châu và hình thành được một số khu vực nuôi tập trung thâm canh, đặc biệt là vùng nuôi thâm canh cá tra gắn với đầu tư nhà máy chế biến xuất khẩu  với diện tích nuôi 31 ha, công suất chế biến xuất khẩu khoảng 4.000 tấn/năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển vọng phát triển thuỷ sản của tỉnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nuôi trồng nhưng chưa nhiều do sản lượng thuỷ sản chủ yếu đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, doanh nghiệp không quan tâm đầu tư, khả năng khép chuỗi giá trị cá tra chưa rõ ràng.

Mặc dù ngành nông nghiệp có kế hoạch tăng diện tích nuôi trồng thuỷ sản thông qua đầu tư một số vùng nuôi thuỷ sản tập trung dọc theo tuyến kênh Đông, kênh Tây, kênh Tân Hưng, kênh chính khu tưới phía Tây sông Vàm Cỏ Đông và nhân rộng một số mô hình nuôi trồng thuỷ sản hiệu quả cao ở khu vực nội đồng; nhưng việc triển khai cần có đánh giá tác động môi trường và xử lý chất thải để bảo đảm không tác động xấu đến chất lượng nước và hệ thống thuỷ lợi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản theo chiều sâu. Đến năm 2025, tổng diện tích nuôi thuỷ sản dự kiến trên địa bàn tỉnh đạt 1.000 ha và tăng lên 1.700 ha đến năm 2030, tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 22 ngàn tấn.

Quy mô và địa bàn nuôi thuỷ sản phân bố chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu và Trảng Bàng, sử dụng cả 2 nguồn nước hồ Dầu Tiếng và sông Sài Gòn. Loại thuỷ sản nuôi gồm các loại cá như: cá basa, cá rô đồng, cá diêu hồng, rô phi đơn tính, lóc, trê, mè hoa, mè trắng, trôi, trắm, chép và các loại thuỷ đặc sản như: cá lăng nha, cá chình, cá bống tượng, ba ba, lươn, ếch và đặc biệt là phát triển và xây dựng thương hiệu tôm càng xanh khu vực ven sông Vàm Cỏ...

Đồng thời, ngành Nông nghiệp tổ chức lại hoạt động khai thác nội địa hợp lý, từng bước chuyển đổi, cơ cấu lại các nghề khai thác thuỷ sản ở các khu vực hợp lý, hiệu quả, gắn phát triển sinh kế cộng đồng ngư dân với nuôi trồng thuỷ sản và du lịch sinh thái. Thực hiện nghiêm quyết định của UBND tỉnh về việc nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản vào mùa sinh sản từ 1.7 – 30.9 hằng năm tại hồ Dầu Tiếng; đặc biệt tại các bãi như: khu rừng cấm, ao 10 mẫu, Hóc Cò, Vàm Suối Đông...

Nông dân cho cá ăn.

Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các ngư cụ cấm như ghe cào, ghe nhủi, dớn xanh mắt nhỏ... để khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt.

Dự kiến đến năm 2030, sản lượng khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt 1,5 ngàn tấn, giảm 0,6 ngàn tấn so với năm 2020.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục