Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ năm 1995, Tây Ninh đã có quy hoạch phát triển du lịch định hướng đến năm 2010. Từ đó đến nay, lĩnh vực du lịch ở Tây Ninh đã có sự chuyển biến tích cực, lượng khách đến tham quan ngày càng nhiều và doanh thu từ du lịch ngày càng tăng. Thế nhưng trong quá trình phát triển, hoạt động ngành “công nghiệp không khói” ở Tây Ninh cũng đã bộc lộ một số hạn chế, cần phải được điều chỉnh cho phù hợp.
Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam thường vắng khách |
Từ năm 1995, Tây Ninh đã có quy hoạch phát triển du lịch định hướng đến năm 2010. Từ đó đến nay, lĩnh vực du lịch ở Tây Ninh đã có sự chuyển biến tích cực, lượng khách đến tham quan ngày càng nhiều và doanh thu từ du lịch ngày càng tăng. Thế nhưng trong quá trình phát triển, hoạt động ngành “công nghiệp không khói” ở Tây Ninh cũng đã bộc lộ một số hạn chế, cần phải được điều chỉnh cho phù hợp.
Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, trong thời gian qua du lịch Tây Ninh đã có bước tăng trưởng đáng kể. Giai đoạn 2000 - 2007: tổng lượng khách đến Tây Ninh tăng bình quân 8,7%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân hơn 49%/năm. Hiện Tây Ninh có 89 cơ sở lưu trú với gần 1.500 phòng. So với chỉ tiêu quy hoạch phát triển du lịch (năm 1995) thì tổng số khách du lịch tăng gần 4 lần, doanh thu tăng hơn 2 lần. Một số điểm du lịch thu hút khách khá mạnh mẽ như khu vực núi Bà Đen, khu Toà Thánh Cao đài Tây Ninh. Hoạt động du lịch thương mại, mua sắm hàng hoá tại các cửa khẩu quốc tế tăng trưởng ngày càng mạnh, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng nhiều… Tuy nhiên, so với quy hoạch năm 1995 thì vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Cụ thể như: một số dự án quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch chưa được đầu tư thực hiện; lượng khách du lịch quốc tế còn ít; hệ thống lưu trú có phát triển nhưng chưa hiện đại; hệ thống bổ trợ còn yếu kém… Đồng thời, so với yêu cầu hiện tại thì quy hoạch phát triển du lịch từ năm 1995 có nhiều điểm không còn phù hợp, thiếu tính khả thi, chưa định hướng đầy đủ thị trường khách du lịch, các loại hình sản phẩm du lịch còn nghèo nàn... Từ đó tuy tiềm năng du lịch ở Tây Ninh rất lớn, nhưng đến nay vẫn chưa khai thác được nhiều. Vì vậy cần phải có sự điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch Tây Ninh cho phù hợp hơn.
Gần đây, Sở VH-TT&DL đã có nghiên cứu, khảo sát để lập quy hoạch điều chỉnh phát triển du lịch đến năm 2020. Qua nghiên cứu, tham khảo với các địa phương, Sở VH-TT&DL đề xuất các khu du lịch trọng điểm cần tăng cường đầu tư phát triển bao gồm: khu vực núi Bà Đen- hồ Dầu Tiếng; khu vực Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát và vùng phụ cận; khu vực sông Vàm Cỏ Đông; khu vực sông Sài Gòn. Trong đó khu vực hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn được đề xuất phát triển du lịch sinh thái kiểu sông nước, miệt vườn. Các tuyến du lịch được đề xuất mở rộng, gồm: tuyến du lịch quốc tế qua các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát; các tuyến du lịch trong nước được mở rộng liên tỉnh- từ Tây Ninh đến thành phố HCM và các tỉnh khu vực miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam bộ và các tuyến nội tỉnh. Song song đó là đầu tư tăng cường quảng bá các điểm du lịch ở Tây Ninh để thu hút khách du lịch. Nếu thực hiện đầu tư phát triển theo định hướng này thì dự kiến đến năm 2010 lượng khách du lịch đến Tây Ninh sẽ tăng lên hơn 2 triệu người, năm 2015 tăng lên hơn 2,5 triệu người và năm 2020 tăng hơn 3 triệu người.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng muốn thực sự thu hút được nhiều khách du lịch thì không thể đầu tư tràn lan- nhất là đối với những loại hình du lịch mà nhiều nơi khác đã có như: du lịch sông nước, du lịch sinh thái… Bởi vì hiện nay có rất nhiều tỉnh có lợi thế hơn hẳn Tây Ninh về các loại hình du lịch này, và họ đã đầu tư phát triển mạnh mẽ từ lâu. Do đó, dù Tây Ninh có tập trung đầu tư cũng không thể cạnh tranh thu hút được nhiều khách du lịch. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư có hạn, muốn cạnh tranh được với các tỉnh khác, Tây Ninh phải ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch đặc thù của Tây Ninh mà những nơi khác không có, hoặc đã có nhưng chưa phát triển mạnh bằng Tây Ninh. Cụ thể như khu vực di tích Căn cứ Trung ương Cục, và các di tích căn cứ cách mạng miền Nam chỉ có ở Tây Ninh,
Đường lên khu vực Ma Thiên Lãnh |
tỉnh khác không có. Đây là lợi thế lớn nhất của Tây Ninh để phát triển loại hình du lịch về nguồn. Nếu như được đầu tư đúng mức- từ cơ sở hạ tầng đến các dịch vụ phục vụ bổ trợ, đồng thời tạo sự thông thoáng, thuận lợi trong việc đi lại thì chắc chắn khi muốn du lịch về nguồn người ta sẽ nghĩ ngay đến Tây Ninh. Hay về loại hình du lịch tâm linh, cho dù ở một số tỉnh khác cũng có, nhưng thực tế không thể thu hút mạnh mẽ khách du lịch bằng núi Bà Đen ở Tây Ninh. Hằng năm khu vực núi Bà Đen có đến hàng triệu khách du lịch đến tham quan. Nếu tập trung đầu tư phát triển đúng mức và hợp lý- nhất là phát triển thêm khu nghỉ dưỡng như ở Ma Thiên Lãnh thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách tham quan hơn. Bên cạnh đó, Tây Ninh còn có thêm lợi thế phát triển du lịch gắn với giao thương qua cửa khẩu quốc tế. Hiện tại Tây Ninh có đến 2 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát. Đây là cửa ngỏ quan trọng thu hút khách du lịch quốc tế đến với Tây Ninh, nếu được đầu tư phát triển đúng mức thì cũng sẽ góp phần gia tăng đáng kể lượng khách du lịch quốc tế.
Tóm lại, nhiều ý kiến cho rằng trong điều kiện khó khăn về vốn đầu tư, lĩnh vực du lịch của Tây Ninh chỉ nên ưu tiên tập trung phát triển 3 loại hình có tính đặc thù Tây Ninh là: du lịch về nguồn, du lịch tâm linh và du lịch gắn với giao thương cửa khẩu quốc tế. Đồng thời khi tập trung đầu tư phát triển thì phải thực hiện đồng bộ giữa hạ tầng với các dịch vụ bổ trợ hiện đại.
SƠN TRẦN