Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển ngành nghề nông thôn gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương 

Cập nhật ngày: 31/03/2024 - 23:31

BTN - Tổng số lao động tham gia trong lĩnh vực này ước gần 50.000 người, tổng giá trị sản lượng sản phẩm ngành nghề nông thôn khoảng 9.400 tỷ đồng.

Sản xuất bánh tráng bằng máy tại một cơ sở ở thị xã Trảng Bàng.

Đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 73 doanh nghiệp, 21 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác và trên 17.000 hộ tham gia hoạt động lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Tổng số lao động tham gia trong lĩnh vực này ước gần 50.000 người, tổng giá trị sản lượng sản phẩm ngành nghề nông thôn khoảng 9.400 tỷ đồng.

Trong đó, đối với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, có khoảng 400 hộ và 1 hợp tác xã đang hoạt động các ngành nghề với tổng giá trị sản phẩm hàng hoá ước đạt 50,4 tỷ đồng và 970 lao động thường xuyên.

Quy mô còn nhỏ lẻ

Đến nay, UBND tỉnh có quyết định công nhận 12 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống, trong đó: thị xã Hoà Thành có nghề truyền thống làm nhang, đúc gang, mộc gia dụng, mây tre đan và 1 làng nghề truyền thống mây tre đan tại ấp Long Bình; thị xã Trảng Bàng có nghề truyền thống tráng bánh tráng, mây tre đan, rèn; thành phố Tây Ninh có nghề chằm nón lá, gò nhôm và mộc gia dụng; huyện Gò Dầu có nghề tráng bánh tráng thủ công.

Trong năm 2023, các ngành chức năng tổ chức 16 hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và ngành nghề nông thôn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình giao lưu, học tập kinh nghiệm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kinh phí thực hiện hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, trong đó có lĩnh vực ngành nghề nông thôn khoảng 1,2 tỷ đồng.

Chương trình khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ gia đình phát triển ngành nghề nông thôn nhằm đổi mới máy móc, thiết bị phát triển sản xuất kinh doanh với tổng kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tỉnh triển khai 2 đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn gồm: Nghiên cứu quy trình chiết xuất, bảo quản và chế biến tinh dầu, sản phẩm phụ từ con cà cuống nuôi tại Tây Ninh; nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý chăn nuôi và dịch tễ thú y trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành chức năng có liên quan thực hiện chuyển giao 32 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 8 cơ sở, 3 hợp tác xã có các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn và 1 hợp tác xã gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Muối ớt Tây Ninh”.

Tỉnh còn triển khai phát triển du lịch gắn với ngành nghề nông thôn, các hoạt động lễ hội như Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh lần thứ I, năm 2023 và sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tôn vinh nghệ nhân các nghề truyền thống đang gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá cũng như ẩm thực chay Tây Ninh, đồng thời giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của nghề truyền thống và nghệ thuật chế biến ẩm thực chay Tây Ninh đến du khách trong nước và quốc tế.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đa phần có quy mô nhỏ, chủ yếu là lao động thủ công, thiết bị công nghệ sản xuất chậm đổi mới, thiếu vốn, thiếu tính liên kết và hợp tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm hàng hoá lĩnh vực ngành nghề nông thôn phần lớn chưa có thương hiệu, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, sức cạnh tranh các sản phẩm ngành nghề nông thôn với sản phẩm công nghiệp khác còn hạn chế; sản phẩm chưa gắn kết với các điểm, tuyến du lịch nên có phần hạn chế việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm.

Các cơ sở, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất ngành nghề nông thôn vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chủ yếu về mặt cơ chế tín dụng và thủ tục vay vốn. Nguồn ngân sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn còn hạn chế.

Hiện nay, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách cụ thể quy định về mức hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển ngành nghề nông thôn; bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, nên việc triển khai thực hiện hỗ trợ các dự án phát triển ngành nghề nông thôn thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện việc thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh từ các nguồn vốn Trung ương và địa phương.

Đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ

Theo kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2024, tỉnh định hướng phát triển ngành nghề nông thôn theo từng nhóm, dựa trên các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội.

Đối với nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản, tỉnh tập trung phát triển các ngành nghề chế biến, bảo quản gia tăng giá trị như bánh tráng, kẹo, mứt, bún, bánh canh, hủ tiếu, chao các loại; trứng, thịt, sữa và trái cây các loại. Song song đó, chú trọng đổi mới máy móc, thiết bị và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; kết hợp sản xuất truyền thống và hiện đại nhằm bảo tồn, phát huy nét văn hoá truyền thống của các sản phẩm đặc sản theo vùng, miền, địa phương. Mặt khác, tăng cường liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn; cải tiến quy trình sản xuất, bảo đảm dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Đối với nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, tỉnh định hướng phát triển nghề thủ công mỹ nghệ theo hướng đa dạng các mẫu mã sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao của các sản phẩm hàng hoá như: hồ lô (bầu, bí các loại), tranh (sơn dầu, sơn mài), đan lát thảm, túi xách, dụng cụ các loại từ nguyên liệu lục bình và các nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Qua đó khai thác mọi tiềm năng, lợi thế tăng sức cạnh tranh trên thị trường, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tăng cường liên kết giữa các địa phương có nghề truyền thống, làng nghề thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh để du nhập nghề thủ công mỹ nghệ mới như đan lát lục bình, tranh, khắc tượng gỗ, đá các loại; đồng thời bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống như: chằm nón lá, đúc gang, gò nhôm và rèn dao dựa các loại, nhằm tạo ra các sản phẩm độc đáo, có tính nghệ thuật và có giá trị thẩm mỹ cao phục vụ nhu cầu khách hàng.

Đối với nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn, tập trung nguồn lực đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, sơ chế, chế biến thuộc các lĩnh vực chăn nuôi (gia súc, gia cầm), trồng trọt (các loại rau, củ, quả), lâm nghiệp (xử lý, chế biến các loại gỗ từ rừng trồng), thuỷ sản (khô cá lóc, mắm chua các loại) nhằm tạo các sản phẩm đặc sản và làm nguyên liệu phục vụ phát triển các ngành nghề nông thôn mà địa phương có thế mạnh phát triển.

Phát triển vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn ở huyện Tân Châu và địa phương khác có tiềm năng và lợi thế gắn với các nhà máy sơ chế, chế biến, sản xuất các sản phẩm ngành nghề nông thôn, nhằm giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Đối với nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, tỉnh định hướng tập trung sản xuất các sản phẩm có tính thương mại cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; kết hợp các nguồn nguyên liệu, vật liệu khác nhau, tạo ra các sản phẩm mới đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, kích thước, phù hợp thị hiếu nhu cầu tiêu dùng.

Đối với nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh, tuyên truyền, vận động hình thành các đầu mối chuyên sản xuất kinh doanh theo ngành hàng, hiệp hội sinh vật cảnh; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi có điều kiện giao lưu, học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Đối với nhóm sản xuất muối các loại, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống muối ớt Tây Ninh, đa dạng các sản phẩm mới như: muối sả, muối cà cuống, muối tiêu, muối chay các loại nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá của nghề truyền thống; đồng thời bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao giá trị gia tăng từ hạt muối, góp phần làm đa dạng sản phẩm muối ớt Tây Ninh đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đối với nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn, đa dạng hoá các loại hình và mở rộng quy mô các dịch vụ; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống sản xuất các loại nhang theo hướng đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường gồm: nhang hương trầm, nhang quế, nhang thảo mộc, nhang hương; kết hợp sản xuất thủ công với máy móc hiện đại, nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.

Theo Sở NN&PTNT, đơn vị sẽ tham mưu cấp thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, có giải pháp tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình để các ngành nghề nông thôn địa phương có thế mạnh phát triển; phát triển các vùng nguyên liệu gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị.

Sở NN&PTNT cũng sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có xúc tiến thương mại điện tử đối với các sản phẩm nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản địa phương; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo định hướng đa dạng hoá các loại hình du lịch, chú trọng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh các loại cây trồng, cây ăn quả và các lễ hội truyền thống gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản với các điểm, tuyến du lịch để thu hút khách du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.

Trúc Ly