Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

HUYỆN TÂN CHÂU:

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu 

Cập nhật ngày: 04/03/2022 - 00:41

BTN - Vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC huyện Tân Châu được xây dựng có chức năng tổng quát là vừa sản xuất, chế biến nông sản vừa hỗ trợ UDCNC trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh hiệu quả cao và bền vững trong giai đoạn mới 2021-2030 và sau năm 2030.

Trồng nha đam an toàn trên địa bàn huyện Tân Châu

Để đẩy nhanh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2030, huyện Tân Châu là địa bàn trọng điểm và có tiềm năng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) gắn với xây dựng nông thôn mới do còn quỹ đất từ các công ty nông, lâm trường; đồng thời mời gọi các doanh nghiệp có vốn, công nghệ và thị trường tiêu thụ vào đầu tư, sản xuất kinh doanh nông nghiệp UDCNC.

Chưa có vùng nông nghiệp UDCNC

Trong 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp, kết quả là một số loại sản phẩm chủ lực của tỉnh Tây Ninh hình thành được chuỗi giá trị, dù ở quy mô nhỏ và diện tích hẹp như nhóm sản phẩm trồng trọt có các chuỗi: rau an toàn, mãng cầu ta, cao su; sản phẩm chăn nuôi với chuỗi bò sữa Vinamilk, chuỗi nuôi gia công thịt, trứng, giống gia cầm cho các công ty như Công ty CP, Rapfa, Emivest ở Tân Biên, Bến Cầu, Gò Dầu; sản phẩm thuỷ sản có các chuỗi như cá huyện Dương Minh Châu... Tuy nhiên, khối lượng nông sản hình thành chuỗi chưa nhiều, sản phẩm tiêu thụ qua thương lái là chính, vẫn đang là “nút thắt” trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Việc xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực sẽ mang lại diện mạo mới cho sản xuất nông sản ở tỉnh Tây Ninh theo hướng bền vững. Nhưng trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hiện tại mới ở giai đoạn đầu, do vậy còn một số hạn chế, đó là trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chưa có chuỗi giá trị nào hoàn thiện. Các chuỗi chỉ dừng lại ở mức độ hợp tác xã hay nhà sản xuất với doanh nghiệp liên kết bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm, liên kết của các chủ thể trong chuỗi chưa có chiều sâu, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ trên nguyên tắc giữa các chủ thể trong chuỗi “lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ”.

Hiện Tây Ninh chưa công nhận được khu, vùng nông nghiệp UDCNC nào. Theo Chương trình hành động 13-CTr/TU ngày 22.12.2020 của Tỉnh uỷ, Tây Ninh có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp UDCNC. Đã có một số doanh nghiệp xin đầu tư sản xuất nông nghiệp UDCNC theo chuỗi giá trị, tập trung vào các loại cây ăn quả, rau, hoa có giá trị cao như: xoài, chuối, bưởi da xanh, sầu riêng, nhãn, một số loại rau củ quả và dự án chăn nuôi bò, heo, gia cầm. Trong đó có địa bàn huyện Tân Châu.

Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có doanh nghiệp UDCNC được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận. Song, thực tế trên địa bàn tỉnh cũng như huyện Tân Châu, đã có một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao và từng phần CNC, tương lai gần sẽ có doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp UDCNC.

Sản xuất UDCNC an toàn, hiệu quả

Định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh đã xác định các khu vực thuộc vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC huyện Tân Châu có nhiệm vụ chính là sản xuất, chế biến các sản phẩm hàng hoá chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao là nhóm cây ăn quả (xoài, chuối, mít, nhãn…) kết hợp sản xuất rau, hoa, nấm chất lượng cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời gắn với đầu tư xây dựng trung tâm chế biến, bảo quản tạo ra hàng hoá có chất lượng, sức cạnh tranh cao, ngoài ra còn là nơi chuyển giao UDCNC trong nông nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp UDCNC, hỗ trợ khởi nghiệp, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp tốt. Các mô hình sản xuất nông nghiệp UDCNC thành công sẽ lan toả rộng và tạo động lực lôi kéo đối với sản xuất nông nghiệp ở khu vực lân cận và phạm vi toàn tỉnh Tây Ninh.

Xây dựng vùng nông nghiệp UDCNC huyện Tân Châu được xem là mô hình điểm, được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trung tâm chế biến hoàn chỉnh đủ điều kiện UDCNC trong sản xuất, chế biến nông sản. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm hỗ trợ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong vùng Đề án đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp UDCNC theo chuỗi giá trị để lan toả phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC huyện Tân Châu được xây dựng có chức năng tổng quát là vừa sản xuất, chế biến nông sản vừa hỗ trợ UDCNC trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh hiệu quả cao và bền vững trong giai đoạn mới 2021-2030 và sau năm 2030.

Sản xuất UDCNC trên địa bàn huyện theo hướng an toàn, sản phẩm hữu cơ đối với các sản phẩm trồng trọt, tạo ra vùng nguyên liệu hạt nhân để lan toả phát triển đến các vùng trồng trọt khác trong tỉnh. Nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ 4.0, thiết lập mô hình hợp tác liên kết với các viện nghiên cứu của Nhà nước và viện nghiên cứu nước ngoài cung cấp các giải pháp về giống, vật tư nông nghiệp về phân bón, bảo vệ thực vật… và kỹ thuật canh tác phù hợp nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh.

Ngoài ra, huyện lựa chọn quy mô từng loại cây trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nghiệp quyết định, việc lựa chọn một số cây trồng phù hợp mang tính định hướng khi xem xét một số điều kiện liên quan như điều kiện thổ nhưỡng, nước tưới, thị trường, khả năng chế biến, chế biến sâu và các giải pháp để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh đến năm 2030.

Trong điều kiện nguồn nước khó khăn, phải ưu tiên loại cây trồng sử dụng ít nước là chính và ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kỹ thuật giữ ẩm. Song, đối với doanh nghiệp sản xuất còn phụ thuộc vào thị trường, khả năng mang lại lợi nhuận của các sản phẩm khác, do vậy, cần kết hợp sản xuất các sản phẩm cây hằng năm có lợi nhuận cao để sản xuất như: rau an toàn, nấm, cây dược liệu…

Đối tượng chăn nuôi, phải theo hướng chăn nuôi UDCNC khép kín với tất cả các đối tượng như heo, bò, gia cầm đều có thể kiểm soát ô nhiễm. Việc xảy ra sự cố gây ô nhiễm rất thấp, song vẫn có thể xảy ra như bể các hồ chất thải, các công trình biogas, nước thấm ra các công trình khác… xét các đối tượng thì nuôi heo khả năng rủi ro về môi trường là cao nhất, do lượng chất thải lớn, sử dụng nước nhiều, phải xử lý chất thải bằng công trình biogas lớn.

Đối với gia cầm nuôi môi trường cạn với đệm lót sinh học, phân xử lý là phân khô nên quản lý dễ và hầu như không có rủi ro. Đối với nuôi bò khả năng thu phân khô là chính, nước vệ sinh chuồng trại có thể xử lý bằng công trình biogas nhưng lượng nhỏ và dễ kiểm soát. Như vậy, để an toàn tuyệt đối thì đối tượng chăn nuôi chọn nuôi trong khu vực Đề án chỉ nên chọn gia cầm và bò, không chọn heo. Song, dù chọn đối tượng nuôi là gia cầm hay nuôi bò thì khi bố trí xây dựng chuồng trại cũng phải thoả mãn nguyên tắc cách sông suối, lòng hồ chứa ít nhất 500m.

Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh và định hướng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp huyện Tân Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã xác định một số nông sản hàng hoá chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và tập trung ưu tiên đầu tư phát triển theo hướng UDCNC gồm trồng trọt: rau thực phẩm, cây ăn quả, hoa cây cảnh, một số cây dược liệu đặc thù; chăn nuôi: nuôi heo, gà, bò sữa, bò thịt theo hướng công nghiệp UDCNC.

Trong sản xuất cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, trên địa bàn huyện cần xây dựng đồng ruộng cho trồng trọt như nhà màng, nhà lưới với nhóm cây hằng năm, xây dựng đồng ruộng trồng cây ăn quả lâu năm UDCNC, đồng thời với vùng sản xuất chăn nuôi chọn đối tượng sản xuất là gia cầm cả hướng thịt, hướng trứng thì cần xây dựng chuồng trại là chuồng kín, chuồng lạnh, có hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và khả năng cơ giới hoá, tự động hoá, ứng dụng công nghệ thông tin, sản xuất nông nghiệp thông minh theo hướng công nghiệp, ứng dụng cơ giới hoá, tự động hoá trong sản xuất.

Đến năm 2025, hình thành và hoạt động ổn định vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC huyện Tân Châu với các khu chức năng chính và quy mô diện tích sản xuất các đối tượng như sau: Khu chức năng sản xuất trồng trọt gồm: Nhóm sản xuất cây ăn quả lâu năm và cây công nghiệp với diện tích 700-750 ha. Trong đó ưu tiên lựa chọn một số cây trồng chính thích hợp với vùng đất xám trên phù sa cổ như: xoài, chuối, mít, nhãn, điều. Nhóm cây hằng năm chiếm 10%-15% tổng diện tích canh tác nông nghiệp, ưu tiên sản xuất rau, hoa, nấm UDCNC với diện tích 100-120 ha.

Khu chức năng sản xuất chăn nuôi diện tích 300-350 ha; khu chức năng chế biến nông sản gồm rau, quả UDCNC diện tích 30 ha; khu chức năng phát triển dự án du lịch sinh thái và nông nghiệp UDCNC diện tích 77,39 ha; khu chức năng phát triển mô hình khu dân cư nhà vườn diện tích 100 ha…

Đồng thời đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp UDCNC: như hệ thống giao thông nội vùng, hệ thống điện, hệ thống thuỷ lợi (cả công trình tạo nguồn, công trình đầu mối, công trình kênh mương, đường ống để sản xuất) và mạng viễn thông cho ứng dụng nông nghiệp thông minh.

Đến năm 2025, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp UDCNC lấp đầy diện tích vùng nông nghiệp UDCNC huyện Tân Châu.

Nhi Trần


Liên kết hữu ích