Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển nông nghiệp “sạch” để bảo đảm an toàn thực phẩm 

Cập nhật ngày: 01/03/2019 - 12:46

BTN - Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đúng kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm mục tiêu, kế hoạch đề ra; có sự phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.

Trồng rau trong nhà kính.

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã làm tốt công tác kết hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm; khuyến cáo các cơ sở không sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn trong sản xuất, không kinh doanh những mặt hàng không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và làm hợp đồng mua bán nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm theo quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đúng kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm mục tiêu, kế hoạch đề ra; có sự phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.

Về công tác giám sát, các ngành chức năng có liên quan đã thực hiện Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trên thuỷ sản nuôi; thu mẫu giám sát thực phẩm nông lâm thuỷ sản tại 52 quầy, sạp kinh doanh của 12 chợ trên địa bàn các huyện Hoà Thành, Gò Dầu, Châu Thành và thành phố Tây Ninh; giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn 9 huyện, thành phố; lấy mẫu giám sát mối nguy về an toàn thực phẩm trên bàn ăn cho các hội nghị, cuộc họp quan trọng và các lễ hội tiễn quân năm 2018.

Trong năm, có 236 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được tổ chức, có khoảng 6.100 cơ sở được thanh tra, kiểm tra. Trong đó có 1.269 cơ sở vi phạm.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn tổ chức 4 cuộc kiểm tra định kỳ tại 73 cơ sở, lấy 56 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm; kiểm tra 150/151 cơ sở chăn nuôi, 56/56 cơ sở giết mổ tập trung; kiểm tra 2.926 cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ và cho các cơ sở này ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi...

Theo UBND tỉnh, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn như nhân lực quản lý còn hạn chế nên chưa đủ sức quản lý chặt chẽ chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, vì lợi ích cá nhân cố tình vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận chuyển động vật, giết mổ gia súc, gia cầm, kinh doanh sản phẩm động vật; một số quầy kinh doanh thịt không có dấu kiểm soát giết mổ, chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; đưa vào thực phẩm chất cấm (hàn the) và phụ gia vượt giới hạn cho phép; một số cơ sở thiếu hợp tác với ngành chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, biết rõ hành vi vi phạm nhưng vẫn hoạt động và không khắc phục các lỗi... 

Năm 2019, các ngành, địa phương có liên quan sẽ triển khai thực hiện tốt đề án sản xuất, sơ chế và kinh doanh rau an toàn; hỗ trợ, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình VietGAP, GlobalGAP; mở rộng quy mô, diện tích cánh đồng lớn và quản lý chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, các vùng trồng rau trọng điểm trong tỉnh.

GIANG HÀ


Liên kết hữu ích