Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO:
Phát triển phù hợp với thị trường, tăng tính cạnh tranh
Chủ nhật: 15:32 ngày 04/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong xu thế hội nhập, nhất là khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do CPTTP, FTA, ATIGA... nông nghiệp của Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng sẽ có cơ hội lớn về thị trường, giúp giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản.

Song song với cơ hội, thách thức luôn đi kèm như các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh sẽ chịu sự cạnh tranh lớn từ thị trường trong và ngoài nước, các yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm, đòi hỏi người sản xuất phải làm theo quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP, Global GAP). Bên cạnh đó, giá cả nông sản phải bảo đảm tính cạnh tranh khi gia nhập vào thị trường chung của thế giới.

Cam xoàn được thị trường ưa chuộng.

Sản xuất sạch là xu thế tất yếu

Những năm qua, tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị chuỗi sản xuất nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh- Giám đốc Công ty TNHH Sáu Như Một (xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên) cho biết, doanh nghiệp hiện có 50 ha bưởi da xanh được sản xuất theo hướng công nghệ cao, toàn bộ diện tích đã được đăng ký VietGAP với sản lượng khá lớn, hơn 15 tấn bưởi da xanh/ha. Công ty cũng đã áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất và hệ thống tưới tự động. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ hướng đến sản xuất theo hướng GobalGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng, vươn ra thị trường ngoài nước. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chuẩn bị đầu tư thêm 20 ha trồng thanh nhãn, bơ và quýt đường để có sản phẩm đa dạng đạt chất lượng cung cấp cho thị trường, góp phần phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.

Ông Lê Minh Quốc Hưng- chủ nông trại Vườn trái cây, ấp Tân Thạnh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên cho biết, nông trại đang đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao hơn 50 ha với các loại cây ăn trái như: cam xoàn, quýt đường, nhãn Ido, sầu riêng... Sản lượng khá cao như cam xoàn 15 tấn/ha, quýt đường 10 tấn/ha, nhãn Ido 10 tấn/ha,với giá bán 20.000 đồng - 50.000 đồng/kg. Toàn bộ diện tích được áp dụng cơ giới hoá, sản phẩm làm ra đều có thị trường ổn định.

Theo ông Trần Văn Lộc- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, thực trạng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, huyện đã quy định, định hướng các vùng phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao như: Vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao gồm cây sầu riêng, mãng cầu, cây có múi, chuối... ở xã Tân Bình 700 ha, tập trung ở trảng Tà Xia; xã Tân Phong, Mỏ Công, Trà Vong 1.500 ha; xã Thạnh Bắc 300 ha. Hầu hết sản phẩm làm ra đều bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngoài ra, còn có một số mô hình đã và đang phát triển như: trồng dưa lưới trong nhà màng ở xã Trà Vong và Tân Phong với diện tích sản xuất 1.200m2;  xã Thạnh Tây 5,3 ha... Bên cạnh đó, UBND huyện tập trung đầu tư hai dự án nạo vét kênh tiêu T3-1A và kênh tiêu Tl-3 dài 6.286m, tổng mức đầu tư hơn 3,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện để chuyển đổi khoảng 1.500 ha, thực hiện vùng sản xuất công nghệ cao Trà Vong, Mỏ Công và Tân Phong. Ngoài ra, hệ thống thuỷ lợi Phước Hoà được tỉnh đầu tư tưới tiêu cho khoảng 3.000 ha ở các xã Hoà Hiệp, Thạnh Tây, Tân Bình (trong đó có 750 ha ở xã Tân Bình quy hoạch vùng cây ăn quả công nghệ cao).

Hằng năm, UBND huyện đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông, nhất là các tuyến đường trục xã, trục ấp và đường trục chính nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vận chuyển nông sản.

Tuy nhiên, theo ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện tại, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít, quy mô nhỏ, lĩnh vực còn hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển thiếu tính bền vững, các chính sách hỗ trợ còn hạn chế, chưa tạo được đòn bẩy để thúc đẩy phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; việc ứng dụng công nghệ cao, nông dân và doanh nghiệp chưa quan tâm do đầu tư hiệu quả không cao, rủi ro lớn.

Người sản xuất chưa thấy hết trách nhiệm đối với người tiêu dùng, vẫn còn tâm lý tư duy sản xuất cũ không quan tâm minh bạch sản xuất và tiêu chuẩn thị trường yêu cầu; vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng chưa chú ý chất lượng an toàn thực phẩm, dễ dãi trong tiêu dùng nên những sản phẩm không chứng minh nguồn gốc, hay an toàn thực phẩm vẫn có cơ hội tiêu thụ được nên đâu đó làm cho người sản xuất chủ quan.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là điều mà các doanh nghiệp sản xuất và cả người tiêu dùng đặc biệt quan tâm... Nắm bắt xu thế đó, Công ty Sáu Như Một đã tự triển khai dịch vụ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình từ năm 2018. Tuy nhiên, theo ông Tĩnh, muốn làm cho sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn, đặc biệt là phát triển sản xuất theo hướng tập trung và tạo ra sản phẩm hàng hoá là điều không dễ dàng, đòi hỏi người sản phải phải có một nguồn vốn khá lớn.

Dù UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xây dựng Đề án sản xuất, cung cấp hoá đơn chứng từ nhỏ lẻ... nên chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ.

Tập trung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển, tỉnh đã bố trí nguồn lực thực hiện chính sách của Trung ương và triển khai một số chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất; phát triển chăn nuôi hộ; hỗ trợ sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt tỉnh có hai chính sách đặc thù là hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cấp nước sạch cho hộ gia đình nông thôn.

Đồng thời, tỉnh có giải pháp để thúc đẩy việc sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ cấu lại nông nghiệp; triển khai thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt như: định hướng phát triển vùng sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch phát triển thuỷ lợi; xác định vùng chuyên canh thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp theo định hướng tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cây trồng có giá trị gia tăng cao.

Qua đó, chú trọng tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn, theo chuỗi giá trị; tập trung phát triển vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh (mãng cầu, chuối, xoài, bưởi, thơm...), hướng đến xuất khẩu hoặc làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Riêng đối với các cây trồng truyền thống (lúa, mía, mì...) tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng theo hướng đẩy mạnh thâm canh, cơ giới hoá đồng bộ, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, phát triển một phần theo hướng hữu cơ để gia tăng giá trị sản phẩm.

Rà soát quỹ đất các công ty nông nghiệp chuyển đổi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ làm đầu tàu thu hút phát triển sản xuất nông hộ, giúp nông dân tiếp cận và hiểu biết về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để họ chuyển đổi từ hình thức làm nông nghiệp truyền thống sang làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất như khuyến nông, GAP, xây dựng bản đồ đất xác định các vùng thích nghi cây trồng; kịp thời ban hành chính sách khuyến khích phát triển theo ngành, lĩnh vực tỉnh định hướng.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất như: nâng cấp, duy tu, đầu tư mới các công trình thuỷ lợi, mở rộng vùng tưới; phát triển, nâng cấp hệ thống lưới điện bảo đảm cho hoạt động canh tác sản xuất; nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông nội vùng các vùng nguyên liệu, tạo điều kiện lưu thông hàng hoá dễ dàng, đặc biệt trong khu vực nội đồng; đầu tư các trung tâm nghiên cứu ứng dụng chuyên sâu phục vụ phân tích đất, chẩn đoán dịch hại, kiểm soát an toàn thực phẩm, phát triển nhà máy chế biến giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thịt; chợ đầu mối kết hợp trung tâm thu gom nông sản; trung tâm dịch vụ kỹ thuật, thiết bị phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp; tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ.

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh