Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập 

Cập nhật ngày: 21/08/2022 - 14:36

BTNO - Sáng 20.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện một số, sở ngành có liên quan và đại diện các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đồng thời xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới.

Hiện cả nước có trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 429 trường cao đẳng, trung cấp được tuyển chọn để đào tạo các ngành nghề trọng điểm tại 144 ngành nghề trọng điểm ở các cấp độ. Giai đoạn 2011 – 2020 có trên 9 triệu lao động nông thôn được học nghề, góp phần chuyển dịch lao động khu vực nông thôn.

Cả nước có trên 684.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 14,7 triệu lao động; có trên 600 ngàn người lao động Việt Nam làm việc có thời hạn tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với thu nhập ổn định. Số lượng lao động làm việc tại nước ngoài tăng trung bình 10%/năm. Từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành trên 82 ngàn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng thị trường lao động Việt Nam trong mối tương quan thị trường lao động thế giới; vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; cơ chế, chính sách về thị trường lao động; kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập…

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Việt Nam  - Mộc Bài (ảnh minh hoạ)

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các cơ quan liên quan đã có những ý kiến đánh giá, phân tích, đóng góp xác đáng, thiết thực trong phát triển thị trường lao động. Qua đó góp phần từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, ổn định, bền vững.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để có thể bảo đảm cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Lao động - việc làm là vấn đề quan trọng, là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ những mặt còn hạn chế của thị trường lao động Việt Nam và khẳng định cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách nhằm tập trung phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề cao; thúc đẩy, tăng cường hợp tác quốc tế lao động để nâng cao sức cạnh tranh; coi trọng và đẩy mạnh phát triển hơn nữa hệ thống đào tạo nhằm nâng cao năng suất lao động bền vững; đề nghị các cơ quan, tổ chức quốc tế tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành để nâng cao năng lực quản trị, phát triển thị trường lao động Việt Nam.

Vũ Nguyệt