Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát triển thương mại điện tử: Còn nhiều khó khăn
Thứ sáu: 07:46 ngày 02/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc phát triển kinh doanh trực tuyến không phải chuyện dễ đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa xây dựng được website bán hàng, chưa tham gia vào các sàn TMÐT; một số đơn vị đã xây dựng website thì chưa phát huy hết tác dụng, phần lớn chỉ để quảng bá sản phẩm.

Một số sản phẩm được bán tại sàn TMÐT sannongsan. Ảnh chụp màn hình

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, thương mại điện tử (TMÐT) phát triển là xu thế tất yếu mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử.

Trong đó, các sàn giao dịch TMÐT quảng bá nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương có sức thu hút mạnh mẽ, trở thành hướng đi giúp người dân, doanh nghiệp nâng tầm giá trị và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển TMÐT trong tỉnh, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của ngành chức năng.

Hai sàn TMÐT bị… lãng quên

Trên địa bàn tỉnh, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ sàn giao dịch TMÐT nói riêng những năm qua có sự phát triển đáng kể. Các hình thức thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng TMÐT để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giảm chi phí tiếp thị và giao dịch.

Ðể kết nối các cơ sở sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành đã phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hai sàn giao dịch TMÐT của tỉnh là tayninhtrade.com và sannongsan.tayninh.gov.vn để quảng bá, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ.

Tuy nhiên, 2 sàn TMÐT này gần như bị lãng quên, ít được người dân và doanh nghiệp biết đến, những sản phẩm trên 2 sàn này cũng khá “nghèo nàn”, nhiều hình ảnh sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp nổi trên trang nhất gần như không thay đổi.

Ðơn cử như sàn nông sản chính thức khai trương vào đầu tháng 5.2020 (triển khai thí điểm trong sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, tháng 9.2019) nhằm giới thiệu, quảng bá các nông sản có chất lượng của tỉnh trên môi trường điện tử.

Sau gần 1 năm hoạt động, hiện nay trên sàn nông sản này chỉ có 18 sản phẩm các loại như rau củ quả, thịt cá, gia vị… Trong số này, có 7 loại sản phẩm công khai giá, nhưng theo đánh giá của một số người dân, giá bán lại quá cao so với giá thị trường. Ví dụ như xoài tứ quý loại 1 được công khai giá là 65.000 đồng/kg, dưa lưới vỏ vàng 180.000 đồng/kg, ổi loại 1 là 50.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thu Tâm, ngụ phường 1, thành phố Tây Ninh cho biết, những sản phẩm bán tại sàn nông sản có thể là sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn nhưng giá bán cao gấp 2-4 lần so với giá thị trường; hơn nữa, sản phẩm không phong phú, nhiều loại không báo giá, người mua phải đăng nhập để liên hệ hỏi giá, rất phiền phức.

Sàn thương mại điện tử tayninhtrade.com hoạt động vào năm 2018, nhưng đến nay, chỉ có hơn 100 sản phẩm của 38 doanh nghiệp. Ðáng nói, một số sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá thì chỉ từ 1-2 sao/5 sao.

Có thể nói, sự phát triển của TMÐT trên địa bàn tỉnh còn chậm. Cụ thể, theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2019, Tây Ninh xếp 23/54 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát; đến năm 2020, Tây Ninh xếp 30/55 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử

Xác định TMÐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, tháng 5.2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể về phát triển TMÐT quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số TMÐT doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), tính cho cả hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến, tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Bên cạnh đó, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.

TMÐT đang trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số. Muốn phát triển, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi phương thức trong kinh doanh, tiếp cận thị trường. 

Cuối năm 2020, để giúp nông dân quảng bá và tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu thành lập fanpage facebook “Mua bán nông sản DMC”. Chỉ trong dịp tết nguyên đán vừa qua, qua fanpage, Hội Nông dân Thị trấn đã giúp nông dân tiêu thụ trên 500 trái bưởi da xanh, hơn 200 chậu hoa giấy, hàng trăm ký mãng cầu, đinh lăng…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình- Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Dương Minh Châu, fanpage facebook “Mua bán nông sản DMC” được thành lập với mục đích quảng bá, bán nông sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của địa phương, giới thiệu những nhà nông giỏi và cung cấp kỹ thuật trong nuôi trồng.

“Việc phát triển kinh doanh trực tuyến là một lĩnh vực mới có thể giúp doanh nghiệp, địa phương thâm nhập và mở rộng thị trường. Ðây chính là nguyên nhân khiến tôi lập fanpage và đưa sản phẩm của nông dân lên mạng”- bà Bình cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Bình, để trang fanpage này hoạt động hiệu quả, rất cần sự chung tay của các ngành, đoàn thể địa phương trong công tác quản trị, quảng bá và giới thiệu nông sản, gương điển hình trong lao động sản xuất…

Cơ sở sản xuất bánh tráng muối tôm Ngọc Ðăng (Trảng Bàng) chủ yếu bán hàng cho các đại lý và người tiêu dùng qua kênh tiêu thụ truyền thống. Thời gian gần đây, cơ sở bắt đầu phát triển kênh bán hàng qua website và trên các sàn TMÐT như Shopee, Tiki, Lazada…

Anh Chiêm Ngọc Tuyển- chủ cơ sở sản xuất bánh tráng muối tôm Ngọc Ðăng cho biết: “Thời gian qua, cơ sở phát triển sang kinh doanh online trên trang web, các sàn TMÐT. Tôi nhận thấy kinh doanh trực tuyến là một lĩnh vực bán hàng mới, tốt hơn, giúp cơ sở thâm nhập và mở rộng thị trường, để nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm của cơ sở”.

Anh Chiêm Ngọc Tuyển- chủ cơ sở sản xuất bánh tráng muối tôm Ngọc Ðăng kiểm tra hàng hoá được bán trên các trang TMÐT.

Kinh doanh trực tuyến không những không ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống, thông qua đó doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn có thể mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm thuận lợi hơn, góp phần đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh doanh trực tuyến không phải chuyện dễ đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa xây dựng được website bán hàng, chưa tham gia vào các sàn TMÐT; một số đơn vị đã xây dựng website thì chưa phát huy hết tác dụng, phần lớn chỉ để quảng bá sản phẩm.

Xác định TMÐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% website TMÐT của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40%-50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên các sàn TMÐT, bao gồm các mạng xã hội có chức năng bán hàng; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMÐT trên các ứng dụng di động; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở mua sắm lớn, hiện đại phải bảo đảm được việc thanh toán (POS) và người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt…

Ðể thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về TMÐT; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMÐT; phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMÐT; củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMÐT; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMÐT.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục