Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển thủy sản theo hướng thị trường
Thứ ba: 23:39 ngày 10/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành Kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thu hoạch cá lóc bông ở xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu).

Theo UBND tỉnh, Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, không có nhiều lợi thế so sánh để phát triển thủy sản với các tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long. Vì vậy, quan điểm phát triển của tỉnh trong thời gian tới là phát triển thuỷ sản ở mức độ hợp lý; ổn định diện tích nuôi thuỷ sản hiện có, tập trung nâng cao năng suất, chuyển đổi cơ cấu từ chăn nuôi quảng canh sang thâm canh, phát triển nuôi các đối tượng thuỷ-đặc sản; đồng thời khai thác thế mạnh về sản xuất giống và các vùng nuôi chuyên canh từ nguồn nước thuỷ lợi Dầu Tiếng; phát triển thủy sản theo hướng thị trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Từ nay đến năm 2030, tỉnh định hướng xây dựng, phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững; duy trì phát triển thủy sản khu vực nội đồng, ven sông; khai thác thế mạnh nguồn nước hồ Dầu Tiếng trong việc nuôi giống và các loại thủy đặc sản.

“Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên của tỉnh đi đôi với bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản; thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên, hồ chứa. Khai thác thủy sản theo hướng bền vững, không ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản; tiến đến không sử dụng các loại ngư cụ cấm, ngư cụ có tính hủy diệt, tận thu để khai thác nguồn lợi thủy sản”, UBND tỉnh nêu quan điểm.

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản là 12,1 %/năm. Đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 24.175 tấn (khai thác 2.500 tấn, nuôi trồng 21.675 tấn).

Một vùng nuôi cá lóc ở huyện Dương Minh Châu (ảnh minh hoạ).

Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 870 ha (94 ha nuôi các loại thủy đặc sản). Tiếp tục duy trì và phát triển những vùng nuôi có hiệu quả kinh tế, triển khai 2 vùng nuôi tập trung, chuyên canh với 290 ha ở huyện Dương Minh Châu và Tân Biên. Đến năm 2025, xây dựng được ít nhất 1 chuỗi liên kết giá trị ngành hàng thủy sản trở lên.

Tại hồ Dầu Tiếng, dự kiến duy trì số lượng phương tiện khai thác khoảng 600 phương tiện; sản lượng khai thác trong mức 1.600 tấn/năm. Để bảo đảm duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản, các tổ chức, cá nhân không được phép khai thác trong mùa cá sinh sản và trong thời gian thả cá tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản. Về phạm vi khai thác, các tổ chức, cá nhân không được khai thác tại những bãi đẻ tự nhiên như các khu vực: Hốc Cò, Cây Da Tàng Dù, Hốc Thủy Sản, Đảo Sặc, Bến Tám Tơ…

Tại sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, dự kiến duy trì số lượng phương tiện khai thác khoảng 200 phương tiện, sản lượng khai thác trong mức 700 tấn/năm. Tại khu vực nội đồng, không khai thác trong thời gian cá sinh sản (tháng 7 - 8 hàng năm), không khai thác bằng các ngư cụ cấm, ngư cụ hủy diệt, ngư cụ tận thu; không ngăn chặn đường di cư sinh sản của các loài thủy sản; hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.

Giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 9,6%. Đến năm 2030 tổng sản lượng thủy sản đạt 38.425 tấn (khai thác 3.000 tấn, nuôi trồng đạt 35.425 tấn). Diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2030 đạt 1.420 ha (531 ha nuôi các loại thủy đặc sản). Tỉnh triển khai 3 vùng nuôi tập trung, chuyên canh với 550 ha ở các huyện Dương Minh Châu, Tân Biên và thị xã Trảng Bàng.

Tỉnh cũng định hướng triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, thực hiện có hiệu quả mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tại Hồ Dầu Tiếng, dự kiến duy trì số lượng phương tiện khai thác khoảng 600 ghe, thuyền. Trên hệ thống sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn, duy trì số lượng phương tiện khai thác khoảng 200 ghe, thuyền.

Tỉnh sẽ triển khai Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, huy động các nguồn lực tài chính cho bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản theo hướng bền vững, bảo đảm phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Phương tiện đánh bắt thuỷ sản ở hồ Dầu Tiếng (ảnh minh hoạ).

Trong lĩnh vực chế biến và thương mại thủy sản, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu hút đầu tư được ít nhất 1 nhà máy thu gom, sơ chế thủy sản và đến năm 2030 ít nhất là 2 nhà máy.

Về cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, tỉnh sẽ dần hoàn thiện, phát triển các dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi trồng, khai thác thủy sản như: con giống, thức ăn, thuốc thú y, quan trắc môi trường, xử lý môi trường, thu gom, sơ chế, bảo quản sản phẩm sau nuôi trồng, khai thác…

Tỉnh cũng tập trung xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành hàng có lợi thế so sánh của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu xây dựng được 1 chuỗi liên kết giá trị ngành hàng thủy sản trở lên. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu xây dựng tối thiểu 2 chuỗi liên kết.

Một số thủy sản đặc sản của tỉnh như ba ba, tôm càng xanh, cá lóc bông, cá lóc đen, cá rô đồng, ốc, điêu hồng, ếch.

Trong đó, đặc thù của ngành hàng ba ba và tôm càng xanh là tiêu thụ sản phẩm còn sống nên tỉnh chủ trương thu hút doanh nghiệp thu mua xây dựng một số điểm tập kết để thu gom sản phẩm.

Cá lóc (lóc bông, lóc đen) cũng như nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế khác có thể tiêu thụ sản phẩm còn sống hoặc sản phẩm đã sơ chế, chế biến. Do đó, tỉnh vừa thu hút doanh nghiệp thu mua xây dựng một số điểm tập kết để thu gom sản phẩm vừa thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến trên địa bàn tỉnh…

An Khang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục