Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Làm việc ngày chủ nhật, chuẩn bị cho số báo ra ngày thứ Hai, đúng vào ngày đầu tháng 6, đồng nghiệp phụ trách trang hỏi Bàn Dân:
-Số báo đầu tuần có chuyên mục do Bàn Dân phụ trách, trong khi tuần rồi có quá nhiều chuyện “nóng hổi” trên khắp thế giới. Nào là chuyện đại dịch Covid-19, nào là chuyện cảnh sát Mỹ chèn cổ người da đen tới chết làm nổ ra biểu tình ì xèo ở đất nước chuyên lên án nước khác vi phạm nhân quyền… Kỳ này, bác Bàn Dân có rất nhiều đề tài, tha hồ bàn tán nhé!
-Mấy chuyện ông gợi ý cũng nóng thật đấy, nhưng mà nó hơi xa và tràn ngập trên các báo, đài, các mạng xã hội, người xem, người nghe thiếu điều “bội thực”, Bàn Dân không muốn làm phiền bạn đọc thêm nữa. Vì vậy, Bàn Dân sẽ nói đến chuyện gần gũi hơn, nhứt là chuyện có liên quan đến đời sống, phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình…
-Chuyện địa phương thì trên báo tỉnh mình trang nào chẳng có. Thế bác định viết chuyện gì nào?
-Chuyện không riêng của tỉnh nhà, mà của cả miền Đông gian lao anh dũng của chúng ta, và còn có thêm hai tỉnh ở miền Tây Nam bộ nữa đó.
-Thế à, chuyện của cả vùng, còn thêm hai tỉnh lân cận nữa là chuyện gì thế bác, có mới mẻ không?
-Làm “nhựt trình” mà “ăn cơm mới nói chuyện cũ” ai nghe cho, ông. Chuyện nóng hổi đó là sự kiện Thủ tướng Chính phủ làm việc với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 6 tỉnh, thành miền Đông và hai tỉnh Long An, Tiền Giang của miền Tây Nam bộ hôm thứ bảy 30.5 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đó ông.
-Vậy hả! Trong cuộc làm việc ấy, chắc là có nhiều vấn đề để Bàn Dân thông tin đến bạn đọc bổn báo lắm há?!
-Thông tin thì không thiếu trên các phương tiện truyền thông, trong đó quan trọng nhất là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đi trước, phải hùng cường trước cả nước 10 năm đó ông.
-Là sao, tôi chưa rõ lắm?
-Là toàn vùng phải tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn cả nước chớ sao. Ông nên nhớ là Đảng, Nhà nước ta đặt ra mục tiêu đến năm 2045, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Việt Nam độc lập, nước ta phải trở thành một nước hùng cường. Và tại hội nghị với 8 tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng đã đề nghị riêng vùng này phải “đến đích” trước cả nước 10 năm.
-Nghĩa là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải trở thành khu vực hùng cường vào năm 2035; nghĩa là chỉ còn 15 năm, hay là 3 lần kế hoạch 5 năm nữa toàn vùng phải “đến đích”? Ông thấy mục tiêu phấn đấu ấy có… khả thi không, khi mà từ đầu năm đến giờ, cả thế giới phải lao đao lận đận với đại dịch Covid-19, còn nước ta tuy là kiềm chế được dịch bệnh, không có ca mắc mới trong cộng đồng từ gần một tháng rưỡi qua, nhưng dù sao trong thời đại kinh tế mở, kinh tế toàn cầu hoá hiện nay, tất yếu là không khỏi bị ảnh hưởng?
-Rõ ràng là như vậy, nhưng với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội cả nước đồng lòng, không phải là chúng ta không có khả năng thực hiện được mục tiêu “khu vực hùng cường” đó.
Còn về vấn đề ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khiến thế giới chao đảo, tại hội nghị, Thủ tướng đã đánh giá: “Chúng ta vượt muôn vàn khó khăn, thách thức, đã kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh, không để người dân nào, gia đình nào có vành khăn tang trên đầu vì dịch bệnh. Đây là thắng lợi bước đầu quan trọng, là thời cơ, làm nền tảng cho sự phát triển nhanh hơn”.
-Tôi đồng ý với nhận định lạc quan của bác. Với tư cách là một vùng kinh tế đầu tàu của cả nước, trung bình hằng năm đạt tỷ lệ 42% GDP và 42% thu ngân sách của cả nước, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có khả năng đạt yêu cầu phát triển Chính phủ đề ra. À, mà trong hội nghị quan trọng nhất vùng ấy, lãnh đạo tỉnh mình có đề xuất gì với Chính phủ không vậy ông?
-Về chuyện đó thì, Bàn Dân đọc thấy trang thông tin chinhphu.vn có nêu: “Tỉnh Tây Ninh đề nghị Chính phủ thành lập Hội đồng vùng, do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch để tổ chức hoạt động được tốt hơn bên cạnh những cơ chế cụ thể, đồng bộ để triển khai liên kết vùng”.
-Chí lý! Chuyện phát triển kinh tế xã hội ở một khu vực lớn tới 8 tỉnh, thành có điều kiện, hoàn cảnh, thực trạng khác nhau, điểm xuất phát không đều nhau, nếu mà thiếu một cơ chế đóng vai trò “nhạc trưởng” để điều phối, làm sao mà hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp, đồng bộ với nhau được. Tôi suy nghĩ vậy, ông thấy đúng không?
-Đúng quá đi chớ. Ý là ông nói nhẹ nhàng thôi, chứ còn nếu để các nơi đua nhau tự phát thì không phải là không thể xảy ra cạnh tranh không bình đẳng, chạy theo lợi ích cục bộ địa phương nữa đó. Cần thiết phải có Hội đồng vùng để thống nhất chỉ huy, như vậy mới bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tại khu vực năng động nhất nước này chứ.
BÀN DÂN