Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển vùng nguyên liệu mía ở Tây Ninh: Từ quy hoạch đến thực tế
Chủ nhật: 10:14 ngày 25/07/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thực tế việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía không được như dự kiến- thậm chí có năm còn rất thấp so với các chỉ tiêu trong quy hoạch.

Tây Ninh không chỉ có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp với sự phát triển cây mía mà còn có hệ thống chế biến mía đường khá hiện đại với tổng công suất lên đến 12.500 tấn mía cây/ngày, với khả năng tiêu thụ đến hơn 2 triệu tấn mía cây mỗi năm. Công suất chế biến mía đường ở Tây Ninh vẫn còn có khả năng phát triển khi Công ty SBT có định hướng tăng công suất gấp đôi hiện tại- lên 16.000 tấn mía cây/ngày. Dựa vào tiềm năng này, năm 2004 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía đến năm 2010 kèm theo các chính sách đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ.

Cây mì lấn vào vùng nguyên liệu mía

Theo Quyết định số 1521/QĐ-UBND ngày 14.10.2004 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc Quy hoạch vùng nguyên liệu mía đến năm 2010 thì diện tích vùng nguyên liệu mía được quy hoạch là 41.546 ha với năng suất bình quân dự kiến là 70 tấn/ha. Song hành với quy hoạch này đó là các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển giống mới, đầu tư vốn và hỗ trợ lãi suất cho nông dân trồng mía… Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Nhà nước đã tăng cường vốn đầu tư phát triển hạ tầng vùng nguyên liệu mía. Ngoài 164 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi Tân Hưng phục vụ vùng nguyên liệu mía các huyện Tân Châu, Tân Biên, Nhà nước còn đầu tư thêm 80 tỷ đồng xây dựng hệ thống kênh Tân Châu, đầu tư xây dựng nhiều công trình kênh, rạch, trạm bơm khác và xây dựng nhiều tuyến đường giao thông để tạo điều kiện thuận tiện trong việc vận chuyển mía. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay Nhà nước đã đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để tạo điều kiện thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía. Ngoài ra, các nhà máy chế biến mía đường hằng năm cũng đầu tư xây dựng hạ tầng trong vùng nguyên liệu mía, đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân trồng và chăm sóc mía. Tất cả sản lượng mía đều được các nhà máy thu mua chế biến.

Thế nhưng, thực tế việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía không được như dự kiến- thậm chí có năm còn rất thấp so với các chỉ tiêu trong quy hoạch. Trước tiên là về diện tích. Theo thống kê thì năm 2004, tổng diện tích mía toàn tỉnh có gần 28.500 ha- đạt khoảng 69% diện tích quy hoạch. Năm 2005 diện tích vùng nguyên liệu mía được nâng lên hơn 31.500 ha- đạt 76% diện tích quy hoạch. Năm 2006 diện tích mía tiếp tục tăng lên gần 38.000 ha- đạt đến 91% diện tích quy hoạch. Thế nhưng đó là năm diện tích mía ở Tây Ninh đạt cao nhất, bởi vì những năm sau đó diện tích mía liên tục giảm sút. Năm 2007 diện tích mía từ gần 38.000 ha giảm xuống còn khoảng 33.000 ha. Đặc biệt năm 2008 diện tích mía “tuột dốc” rất nhanh- chỉ còn có hơn 18.800 ha, đạt chưa đến 45% diện tích quy hoạch. Qua nhiều nỗ lực tăng cường đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và các nhà máy chế biến, năm 2009 diện tích mía có nhích lên, nhưng cũng chỉ được khoảng 24.600 ha- đạt 59% diện tích quy hoạch. Năm 2010, tuy đến nay chưa có con số thống kê chính thức nhưng theo thông tin từ các nhà máy chế biến thì diện tích mía có tăng hơn năm 2009, nhưng cũng không nhiều. Như vậy, sau hơn 5 năm thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía ở Tây Ninh, chưa có năm nào diện tích mía đạt như quy hoạch và năm vừa qua diện tích mía đạt chưa đến 60% diện tích quy hoạch.

Không chỉ có diện tích mà năng suất mía cũng không đạt. Theo quy hoạch năm 2004, dự kiến năng suất mía bình quân ở Tây Ninh sẽ đạt 70 tấn/ha. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì năng suất mía bình quân năm 2005 chỉ đạt 57 tấn/ha, năm 2006 nâng lên 62 tấn/ha, năm 2007 tụt xuống còn 60 tấn/ha, năm 2008 lại giảm còn hơn 61 tấn/ha và năm 2009 tiếp tục giảm còn hơn 60 tấn/ha. Đó là số liệu thống kê, còn theo báo cáo của các nhà máy chế biến thì năng suất mía còn thấp hơn nữa. Cụ thể theo số liệu của Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh thì niên vụ 2005-2006 năng suất mía bình quân trên diện tích do nhà máy đầu tư chỉ đạt có gần 49 tấn/ha, niên vụ 2006-2007 tăng lên khoảng 52,5 tấn/ha, niên vụ 2007-2008 lại “rớt” xuống còn có 44,6 tấn/ha và hai niên vụ gần đây thì năng suất mía bình quân đạt chưa đến 50 tấn/ha. Ở Công ty CP Mía đường Bourbon Tây Ninh (SBT) cũng vậy, theo báo cáo thì trong hơn 10 năm đầu tư phát triển cây mía thì chỉ có niên vụ chế biến 2006-2007 năng suất mía do Công ty đầu tư đạt cao nhất- khoảng 55 tấn/ha, còn những niên vụ khác thì cũng chỉ đạt trên dưới 50 tấn/ha. Riêng niên vụ chế biến mía đường 2009-2010 vừa qua, năng suất mía bình quân do SBT đầu tư có được nâng lên, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 54,5 tấn/ha. Như vậy, sau 5 năm thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía, chưa có năm nào năng suất mía bình quân đạt được đến 70 tấn/ha như dự kiến.

Tình trạng mía cháy chưa được khống chế

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì lĩnh vực phát triển vùng nguyên liệu mía đến nay không đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập từ cây mía không bằng nhiều loại cây trồng khác. Trong những năm qua, tuy giá cả thu mua cây mía có tăng dần, nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn người sản xuất vì giá cả các loại vật tư nông nghiệp cũng gia tăng theo. Đặc biệt là những năm gần đây giá cả các loại sản phẩm nông nghiệp khác như mì, cao su tăng rất cao, người sản xuất các loại cây trồng này có thu nhập cao nên phát triển diện tích ngày càng nhiều khiến cho diện tích mía bị thu hẹp. Ngoài ra, sản xuất mía gặp nhiều rủi ro hơn các loại cây trồng khác, tình trạng mía cháy chưa ngăn chặn được, sâu bệnh có lúc diễn biến phức tạp. Hệ thống hạ tầng vùng nguyên liệu tuy có đầu tư ngày càng nhiều, nhưng chưa đủ và không đồng bộ khiến cho nhiều khu vực còn bị ngập úng cục bộ ảnh hưởng đến cả năng suất, sản lượng cũng như việc vận chuyển mía rất nhiêu khê làm tăng chi phí, giảm thu nhập của người trồng mía.

Sơn TrẦn

(Còn tiếp)

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục