Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2010, qua rà soát của ngành NN&PTNT, trong tổng diện tích hơn 41.500 ha đất quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía giai đoạn 2005-2010 đã có hơn 8.800 ha chuyển sang cây trồng khác.

Bài liên quan:
>> Phát triển vùng nguyên liệu mía ở Tây Ninh: Từ quy hoạch đến thực tế (kỳ 1)
Điều chỉnh quy hoạch- diện tích mía giảm còn 36.343 ha
Năm 2010, qua rà soát của ngành NN&PTNT, trong tổng diện tích hơn 41.500 ha đất quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía giai đoạn 2005-2010 đã có hơn 8.800 ha chuyển sang cây trồng khác. Trong đó có một số xã trước đây nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu mía, nay không còn đất để trồng mía. Sau khi thống nhất với các địa phương và các nhà máy chế biến mía đường, Sở NN&PTNT đề xuất điều chỉnh diện tích vùng nguyên liệu mía đưa vào quy hoạch giai đoạn 2010-2015 là 36.343 ha- giảm hơn diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu mía trước đây khoảng gần 5.200 ha, tập trung ở 49 xã thuộc 5 huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Bến Cầu. Trong đó, huyện Châu Thành có diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu mía lớn nhất- khoảng hơn 11.000 ha trên địa bàn 13 xã. Riêng các huyện ngoài vùng quy hoạch thì các nhà máy tự vận động đầu tư mở rộng diện tích mía.
Đáng chú ý trong quy hoạch điều chỉnh vùng nguyên liệu mía là việc phân chia vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến mía đường trong tỉnh. Đây là một trong những vấn đề băn khoăn của các nhà máy trong thời gian qua, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng phát triển vùng nguyên liệu mía. Quy hoạch trước đây cũng có phân chia vùng nguyên liệu mía cho các nhà máy, thế nhưng do không có biện pháp quản lý hiệu quả nên sau một thời gian thực hiện, thực tế không còn phân biệt được do các nhà máy đầu tư đan xen trong vùng nguyên liệu của nhau. Thực tế này dẫn đến hậu quả là không có nhà máy nào mạnh dạn đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu. Hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho năng suất mía thấp, chi phí đầu tư cao, thu nhận từ cây mía thấp, nông dân không mặn mà với cây mía. Sau khi rà soát và tham khảo với các địa phương cùng các nhà máy, Sở NN&PTNT đề xuất phương án phân chia vùng nguyên liệu mía như sau: vùng nguyên liệu mía của SBT được quy hoạch hơn 21.800 ha trên 38 xã thuộc cả 5 huyện trong vùng nguyên liệu mía; Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh có diện tích quy hoạch khoảng hơn 11.300 ha trên 10 xã thuộc hai huyện Châu Thành và Dương Minh Châu; Công ty CP Mía đường Nước Trong có diện tích quy hoạch khoảng hơn 3.200 ha thuộc 3 xã của huyện Tân Châu. Trên địa bàn mỗi xã chỉ quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho một nhà máy.
![]() |
Khảo sát vùng nguyên liệu mía |
Song song với điều chỉnh quy hoạch về diện tích vùng nguyên liệu mía thì năng suất và sản lượng mía cũng được điều chỉnh theo. Theo dự kiến trong quy hoạch, năng suất mía bình quân đến năm 2015 vẫn ở mức 70 tấn/ha với sản lượng khoảng hơn 2,4 triệu tấn mía nguyên liệu mỗi vụ. Cụ thể trong đó Công ty SBT sẽ có sản lượng mía đưa vào chế biến khoảng hơn 1,4 triệu tấn mỗi năm, Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh có sản lượng mía chế biến mỗi năm khoảng hơn 800.000 tấn và Công ty CP Mía đường Nước Trong có khoảng hơn 220.000 tấn mía nguyên liệu mỗi năm. Theo sản lượng dự kiến này thì giai đoạn 2010-2015 các nhà máy có đủ mía nguyên liệu chạy trong 5 tháng mỗi năm.
Để thực hiện thành công quy hoạch điều chỉnh, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu cũng được đặt ra cụ thể cho từng xã. Để tránh chồng chéo đầu tư đan xen của nhiều nhà máy trên cùng một vùng nguyên liệu như trước đây, các nhà máy cần phải có sơ đồ quy hoạch được vẽ và cắm tại các khu vực quy hoạch vùng nguyên liệu của đơn vị mình một cách công khai, minh bạch cho nông dân trong vùng biết, đồng thời cũng phải có sự thoả thuận không đầu tư xâm canh lẫn nhau. Về quản lý, tỉnh sẽ thành lập Ban kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mía để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đôn đốc các địa phương, các nhà máy thực hiện đúng lộ trình, đúng quy hoạch.
Một số thực trạng đáng quan tâm
Tuy nhiên, có một số thực trạng từ trước đến nay đã từng xảy ra và trong tương lai sẽ tiếp tục xảy ra. Đó là tình trạng người dân có đất trong vùng quy hoạch mía nhưng không muốn trồng mía mà trồng các loại cây khác thì sao? Người dân có đất trong khu vực quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho nhà máy này nhưng lại muốn nhận hợp đồng đầu tư của nhà máy khác thì giải quyết như thế nào? Người dân có đất trong khu vực quy hoạch vùng nguyên liệu của nhà máy nào đó nhưng không nhận hợp đồng đầu tư mà tự bỏ vốn đầu tư thì có được tự ý bán mía cho nhà máy khác hay không? Trong các khu vực quy hoạch vùng nguyên liệu mía của các nhà máy trong tỉnh, nhưng các nhà máy ngoài tỉnh đến hợp đồng trồng mía thì giải quyết ra sao?... Ngoài ra, vấn nạn cháy mía, mót mía trong những năm qua xảy ra ngày càng nhiều, ngày càng gây bức xúc nhưng lại ngoài khả năng tự bảo vệ của người trồng mía và trong tương lai còn sẽ tiếp tục xảy ra... Tất cả những thực trạng này đang là nỗi băn khoăn của cả nông dân, nhà máy và ngành chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết. Để việc thực hiện quy hoạch điều chỉnh phát triển vùng nguyên liệu mía sắp tới được thông suốt, các ngành chức năng phải nghiên cứu và đề xuất các giải pháp giải quyết thực trạng nêu trên sao cho hợp lý, hợp tình và đúng quy định của pháp luật.
Sơn Trần