Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cây ca cao phù hợp với điều kiện khí hậu của Tây Ninh, về lâu dài, loại cây này có thể tạo ra giá trị kinh tế, thu nhập ổn định cho người trồng.

Đông Nam Bộ là vùng có diện tích trồng cây ca cao lớn thứ 2 cả nước và luôn đứng đầu về sản lượng ca cao nhờ có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu. Đây cũng là một trong những vùng được ngành Nông nghiệp định hướng chú trọng phát triển trồng cây ca cao trong thời gian tới.
Mở rộng vùng nguyên liệu
Tại Tây Ninh, cây ca cao tuy không phải là loại cây trồng xa lạ, nhưng mới chỉ được trồng rải rác ở một vài nơi với diện tích nhỏ, nông dân chưa khai thác được hết tiềm năng, lợi thế của loại cây này.
Vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Nông lâm Ca cao Tây Ninh được thành lập tại ấp Thạnh Phước, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, do ông Hoàng Hồng Hải làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), Giám đốc Hợp tác xã, đã mở ra cơ hội phát triển cây ca cao tại địa phương.
Theo ông Hoàng Hồng Hải, HTX gồm 6 thành viên, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo hình thức kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp, cụ thể: nhân giống, bán giống cây ca cao; trồng và chăm sóc cây ca cao; thu mua trái ca cao; sơ chế hạt ca cao; chế biến các sản phẩm từ cây ca cao; nhận trồng và chăm sóc cây rừng; nhân giống, mua bán ong dú và các sản phẩm từ ong dú; sản xuất phân bón hữu cơ; FarmStay nông nghiệp, du lịch sinh thái, bán thức ăn, nước uống, sản phẩm từ ca cao và ong dú.
“Qua trồng thực nghiệm với diện tích 6ha, cây ca cao phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu của Tây Ninh. Về lâu dài, loại cây này có thể tạo ra giá trị kinh tế, thu nhập ổn định cho người trồng; đây cũng là sản phẩm có thể phục vụ du lịch và du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó, HTX chọn cây ca cao làm hướng đi chủ lực cho đơn vị.
Được trồng từ tháng 10.2023, qua thời gian 18 tháng, đến nay, cây ca cao bắt đầu cho trái. HTX đã ký kết hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (tỉnh Đồng Nai), hợp tác trong việc sản xuất cây giống, bao tiêu hạt khô cho HTX. Có thể khẳng định, cây ca cao có tiềm năng phát triển tốt vì lá có thể sử dụng làm trà, hạt làm nguyên liệu sản xuất socola”- ông Hoàng Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết thêm.
Trong thời gian tới, HTX sẽ mở rộng vùng nguyên liệu tại Tây Ninh, cung cấp cây giống lên đến 100 ha/năm. HTX sẽ ký kết bao tiêu trái tươi với các hộ nông dân hoặc thành viên liên kết của HTX, sau đó xử lý làm hạt khô để cung cấp cho nhà máy chế biến.
Ông La Hữu Nghị- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 188 HTX, trong đó, có 18 Quỹ tín dụng nhân dân và 14 HTX vận tải, còn lại đa số là lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
HTX Nông lâm Ca cao là HTX trồng ca cao đầu tiên của tỉnh. Qua phương án sản xuất kinh doanh cũng như đề án thành lập HTX cho thấy hiệu quả mà cây ca cao mang lại là rất lớn. Hiện nay, nước ta đáp ứng hơn 30% thị trường ca cao thế giới, định hướng phát triển cây ca cao trên địa bàn tỉnh là hoàn toàn phù hợp, giúp người tham gia gắn bó với chuỗi liên kết sản xuất một cách bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên HTX.
Nông dân - “nhà cung ứng”
Đó là câu nói của ông Đặng Tường Khanh- Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (Đồng Nai) khi được hỏi về kinh nghiệm phát triển cây ca cao tại địa phương. Ông Khanh cho rằng, nông dân trong thời đại mới trước khi trồng cây gì, nuôi con gì đã tìm hiểu rất kĩ về quy trình trồng trọt, chăn nuôi, họ có vốn kiến thức nhất định để cho ra đời những sản phẩm tốt, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy, hãy gọi họ là “nhà cung ứng”.
Năm 2015, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (tại xã Phú Hoà, huyện Định Quán) là doanh nghiệp tiên phong của Đồng Nai triển khai dự án cánh đồng lớn cây ca cao gắn sản xuất với tiêu thụ. Đến nay, dự án đã phát triển được hơn 700 ha trồng ca cao trên địa bàn Đồng Nai và một số tỉnh, thành lân cận.
Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã đầu tư hàng triệu USD vào nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu. Ngoài xuất khẩu hạt ca cao thô, hiện công ty có gần 30 sản phẩm chế biến sâu như: socola, rượu ca cao, bột ca cao... tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa và đã có nhiều sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp này đạt OCOP 4 sao, không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà xuất khẩu được vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc... Doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư một dự án cánh đồng lớn cây ca cao tại Đồng Nai; đồng thời đầu tư vùng nguyên liệu ở nhiều tỉnh, thành khác với tổng diện tích vùng nguyên liệu lên cả ngàn hecta.
Nhận thấy Tây Ninh phù hợp để phát triển vùng trồng ca cao, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã ký kết hợp đồng liên doanh với HTX Nông lâm Ca cao Tây Ninh, bước đầu hình thành vùng sản xuất theo chuỗi khép kín từ trồng, chế biến, xuất khẩu ca cao theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ về dự định phát triển vùng trồng ca cao trong tương lai, ông Đặng Tường Khanh- Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (Đồng Nai) nhận định, công ty mong muốn phát triển cây ca cao để cây này nằm trong nhóm cây lâm nghiệp, bởi vì chỉ có cây lâm nghiệp mới có được diện tích lớn, cho sản lượng lớn và kêu gọi được những nhà đầu tư lớn. Vì ngành sản xuất chế biến còn non trẻ, không thể đi nhanh như Châu Âu, muốn đốt cháy giai đoạn phải đồng lực cùng nhau tạo ra khối lượng hàng hoá lớn.
Ông Hoàng Hồng Hải- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông lâm Ca cao Tây Ninh cho hay, ca cao có thể cho thu hoạch quanh năm, nhưng thường nông dân chỉ thu hoạch 9 tháng, còn lại 3 tháng cao điểm mùa mưa là thời gian chăm sóc, dưỡng cây. Chính vì vậy, cây trồng này cho năng suất cao, người trồng không lo rơi vào cảnh mất mùa, thất thu như những cây trồng chỉ thu một vụ/năm.
Cây ca cao ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên rủi ro mất mùa cũng không lớn. Điều đặc biệt, cây ca cao dễ trồng, sinh trưởng mạnh nên giai đoạn khó khăn, nhà vườn ít đầu tư hoặc khi xảy ra khô hạn, cây có hiện tượng vàng lá, héo lá, năng suất sụt giảm nhưng khi được chăm sóc lại, cây vẫn hồi phục tốt.
Ngoài ra, nông dân trồng ca cao cần quan tâm, làm ra sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ khi triển khai dự án cánh đồng lớn ca cao, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã hỗ trợ nông dân sản xuất ca cao đạt chứng nhận UTZ - một chương trình canh tác bền vững trên toàn thế giới. Đến nay, cả nước có gần 370 ha ca cao đạt chứng nhận UTZ. Trong đó, Đồng Nai là địa phương đi đầu và có diện tích ca cao được chứng nhận UTZ lớn nhất nước với hơn 200 ha.
“HTX Nông lâm Ca cao Tây Ninh được ra đời nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên theo chuỗi giá trị, hướng đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp dựa trên quy hoạch nguồn nguyên liệu theo nhu cầu của thị trường.
Phía công ty sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho người dân để họ làm tốt hơn, dễ hơn hiện tại thì người ta mới làm; phải nói về hiệu quả kinh tế, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, giúp các thành viên của HTX hiểu rõ lợi ích khi tham gia vào mô hình liên kết sản xuất. Có như vậy, HTX ca cao tại Tây Ninh mới phát triển theo hướng bền vững”- Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức chia sẻ.
Hoàng Yến - Nhi Trần