Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phạt tù cho hưởng án treo: Chính sách khoan hồng, coi trọng phòng ngừa, giảm phạt tù
Thứ ba: 09:02 ngày 09/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Toà án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Một phiên toà xét xử hình sự được tổ chức tại TAND tỉnh.

Người bị xử phạt tù khi có thể được xem xét cho hưởng án treo có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó, có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 2 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, phải có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đơn cử, ngày 16.7.2022, N.N.T (sinh năm 1997, ngụ thị xã Hoà Thành) điều khiển xe ô tô tải lưu thông trên đường 781 theo hướng từ thị xã Hoà Thành đến xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu. Khi đến khu vực xã Bàu Năng, do không chú ý quan sát nên xe ô tô tải do T điều khiển xảy ra va chạm với xe đạp do em L.P.B (sinh năm 2010) đang lưu thông cùng chiều phía trước, hậu quả làm em B tử vong. Qua xét xử, TAND huyện Dương Minh Châu khi quyết định hình phạt đã cân nhắc, xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, hành vi phạm tội của bị cáo T, nhân thân bị cáo tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tuyên phạt bị cáo T 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Ông Võ Văn Ngầu- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, Toà án hai cấp xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo được cân nhắc đủ điều kiện áp dụng theo nghị quyết; bảo đảm đúng pháp luật, phát huy ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện cho người bị kết án được tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Hằng năm, TAND tỉnh tổ chức các đợt kiểm tra toàn diện các mặt công tác đối với Toà án cấp huyện, trong đó có kiểm tra việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Qua công tác kiểm tra, TAND tỉnh kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ ra những sai sót, hạn chế cần khắc phục trong việc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử, ban hành bản án, quyết định và tổ chức rút kinh nghiệm tại các cuộc họp giao ban trực tuyến của Toà án hai cấp.

Qua công tác xét xử các vụ án hình sự, đa số các bị cáo được hưởng án treo chủ yếu phạm các tội danh có tính chất, mức độ ít nghiêm trọng như vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, đánh bạc; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức… Trong một số trường hợp, khi xét xử sơ thẩm, bị cáo bị xử án tù giam, nhưng sau khi kháng cáo lên cấp phúc thẩm thì được chuyển sang án treo.

Ngược lại, có một số vụ án ở cấp sơ thẩm, bị cáo được cho hưởng án treo nhưng lên cấp phúc thẩm lại bị chuyển sang án giam. Tuy nhiên, số lượng án treo bị Toà án cấp phúc thẩm chuyển sang án giam hoặc số vụ án mà Toà án cấp phúc thẩm quyết định chuyển từ tù giam sang án treo chiếm tỷ lệ thấp. Đa số vụ án mà Toà án cấp phúc thẩm quyết định chuyển từ tù giam sang án treo đều có tình tiết mới và đáp ứng các điều kiện về việc cho hưởng án treo theo quy định.

Điển hình, khoảng 3 giờ, ngày 17.12.2022, do mâu thuẫn trong việc xin thuốc lá, bị anh N.T.Đ (sinh năm 1999, ngụ huyện Gò Dầu) gây thương tích, bị cáo N.T.M (sinh năm 2004, ngụ huyện Gò Dầu) đã dùng kéo kim loại là hung khí nguy hiểm huơ trúng vùng vai, lưng và đỉnh đầu của anh Đ gây thương tích 12%. Do đó, TAND huyện Gò Dầu xét xử và tuyên phạt bị cáo N.T.M 1 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.

Tháng 12.2023, TAND tỉnh tổ chức xét xử phúc phẩm do có đơn kháng cáo của bị cáo N.T.M và bị hại N.T.Đ. Qua xét xử, TAND tỉnh xét thấy bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã bồi thường thiệt hại; bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do đó, TAND tỉnh quyết định xử phạt bị cáo N.T.M 1 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo.

“Việc xem xét, quyết định cho bị cáo phạt tù nhưng hưởng án treo thể hiện tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật, giúp người phạm tội có điều kiện tái hoà nhập cộng đồng, tự cải tạo, tự sửa chữa. Khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo, Toà án hai cấp phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật. Thời gian tới, TAND tỉnh tăng cường tổ chức các buổi bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký của Toà án hai cấp để nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn trong công tác xét xử”- một lãnh đạo TAND tỉnh chia sẻ.

Năm 2023, TAND hai cấp thụ lý 1.410 vụ án hình sự/3.300 bị cáo; giải quyết 1.388 vụ/3.204 bị cáo; TAND tỉnh tổ chức 1 đợt kiểm tra toàn diện các mặt công tác đối với Toà án cấp huyện.

Thiên Di

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục