Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phê chuẩn EVFTA: Việt Nam tiến vào châu Âu
Thứ năm: 08:59 ngày 13/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thị trường Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường rất khó tính. Tuy nhiên, chuẩn mực càng cao thì Việt Nam càng phải cố gắng, đó là động lực để kinh tế Việt Nam đi lên.

Chiều qua (12-2, theo giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

EVFTA và EVIPA được ký ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, sau một thập niên đàm phán. Như vậy, hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hoàn tất, đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới hội nhập sâu và rộng hơn với bạn bè quốc tế.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Ngọc Trường, cựu đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Phần Lan (2002-2006), Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao, Bộ Ngoại giao (2000-2002), nhận định thành quả lần này xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, trong đó vị trí địa chiến lược và thành tựu đổi mới của Việt Nam vẫn đóng vai trò trung tâm.

Thành quả hơn 30 năm

. Phóng viên: Thưa đại sứ, việc EU phê chuẩn EVFTA và EVIPA cho thấy vai trò của Việt Nam như thế nào trong mắt EU?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường.

+ Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường: Tôi cho rằng yếu tố đầu tiên phải nhắc đến là vị trí địa chiến lược rất quan trọng của Việt Nam. Chúng ta là thành viên chủ chốt và có ảnh hưởng lớn đến Tổ chức Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Song song đó, Việt Nam lại là quốc gia tiếp giáp các quốc gia Đông Á, trong đó đặc biệt phải nhắc đến Trung Quốc - nền kinh tế mà EU vô cùng quan tâm và trên thực tế cũng có ảnh hưởng lớn đến khối lục địa này.

Cạnh đó, Mỹ thời gian gần đây có phần “chèn ép” khối EU trên nhiều lĩnh vực, dù EU là đồng minh truyền thống của Mỹ. Điều này cũng phần nào mở đường cho EU hướng về lục địa phía Đông nhiều hơn và Việt Nam với ưu thế địa chiến lược càng được EU để mắt tới. Mặt khác, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, với nền kinh tế tăng trưởng rất năng động. EU rất quan tâm đến các nền kinh tế năng động như vậy. Thậm chí họ sẵn sàng tạo điều kiện để các nền kinh tế như Việt Nam thâm nhập thị trường EU, tạo ra nhịp cầu để EU đến gần hơn với khu vực châu Á.

. Phóng viên: Đó là những điều cơ bản  nhưng để EU có thể được thuyết phục và thông qua các hiệp định quan trọng trong giai đoạn này, phải chăng còn có những yếu tố nào khác?

+ Có chứ. Đó là thành quả mà Việt Nam tiến hành đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách trong suốt hơn 30 năm qua. Rõ ràng trong thời gian đổi mới, Việt Nam đã tiến gần hơn với các yêu cầu chung của thị trường thế giới nói chung và thị trường EU nói riêng. Phải thừa nhận rằng Việt Nam cần thêm thời gian và sự hỗ trợ từ bên ngoài để có thể đảm bảo được các yêu cầu tuyệt đối của EU về nguồn lực, chính sách, trình độ. Tuy nhiên, rất may mắn là chính EU cũng muốn tham gia vào quá trình giúp Việt Nam hoàn thiện những việc đó.

Nhiều người cho rằng vai trò của ngành công thương trong việc đạt được hiệp định lần này là rất lớn. Tuy nhiên, tôi nhìn thấy bức tranh tổng thể hơn, trong đó đóng góp của ngành ngoại giao Việt Nam, cũng như các thành tựu của các bộ, ban ngành kéo dài trong suốt hơn 30 năm cũng vô cùng quan trọng. Nói như vậy để thấy Việt Nam đang có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Và vì thế, các hiệp định lần này là thành quả của tập thể và trong thời gian dài.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được phê chuẩn sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường EU. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu trong KCN Trà Nóc. Ảnh: TC

Lời khuyên để Việt Nam thâm nhập EU

. Phóng viên: Có người lo ngại rằng hòa nhập vào thị trường EU, hàng Việt Nam sẽ khó “có cửa”, ông có nghĩ như vậy?

+ Tôi không nghĩ vậy. Tôi từng làm việc tại Thụy Điển và Phần Lan, cũng hiểu về nhu cầu khắt khe của thị trường EU nói chung. Tất nhiên, hàng hóa Việt Nam cần thêm thời gian để hoàn thiện nhưng tôi nghĩ Việt Nam trong suốt nhiều năm qua cũng không còn lạ gì yêu cầu và văn hóa của người châu Âu.

Mục tiêu đề ra trong EVFTA là xóa bỏ 99% thuế quan áp lên hàng hóa của hai bên trong lộ trình bảy năm. Từ đây đến năm 2035, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự kiến sẽ tăng thêm 16 tỉ USD mỗi năm, còn xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng thêm 9 tỉ USD mỗi năm.

Nghị sĩ châu Âu GEERT BOURGEOIS

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với doanh nghiệp EU do quy mô thị trường Việt Nam hiện chỉ ở mức vừa và nhỏ. Ngoài ra, để được các ưu đãi về thuế quan cũng như gia tăng xuất khẩu vào EU thì các doanh nghiệp của Việt Nam phải nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường này. Do đó, dù cơ hội lớn nhưng phía Việt Nam cũng cần nắm vững các thông tin thị trường và các quy định của EU để vạch ra chiến lược tiếp cận thị trường tốt nhất.

PGS SUIWAH LEUNG,
Trường Chính sách công Crawford (Úc) 

Tôi lấy ví dụ mới đây tôi mua một chiếc áo mang nhãn hiệu của Việt Nam nhưng là hàng chuẩn xuất khẩu sang Ý (kiểu dáng Ý, phong cách Ý). Tôi mua với giá khoảng 1,8 triệu đồng và mặc vào thì hoàn toàn hài lòng và có chút bất ngờ. Rõ ràng trình độ may mặc của Việt Nam đã có thể phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người châu Âu, bởi chiếc áo này không thua kém hàng mua ở EU.

. Phóng viên: Như vậy tới đây, khi các hiệp định đi vào hoạt động thì Việt Nam có nhiều lợi thế?

+ Đúng là như vậy. Thị trường EU rộng lớn, hàng hóa rất đa dạng và nhu cầu rất cao. Hiện nay, Việt Nam đến EU bằng ngành gỗ, thủy hải sản và dệt may. Tuy nhiên, ngoài việc đào sâu nhu cầu của các ngành này thì Việt Nam cũng còn nhiều thị trường hàng hóa khác có thể thâm nhập. Với việc giảm thuế, tôi cho đó là những cơ hội vô cùng to lớn mà Việt Nam cần phải nắm bắt. Dẫu vậy, để thâm nhập thành công thị trường EU, Việt Nam còn phải phấn đấu lâu dài.

. Phấn đấu đó tập trung vào các vấn đề cụ thể nào, thưa đại sứ?

+ Thứ nhất, chúng ta cần hiểu EU là một xã hội thượng tôn pháp luật. Mọi thứ đều phải nhìn vào pháp luật và không có ngoại lệ. Thứ hai, xã hội EU có tính minh bạch rất cao, vậy nên mọi khâu sản xuất đến xuất khẩu, làm ăn với người châu Âu phải minh bạch tuyệt đối. Thứ ba, EU dẫu có làm ăn kinh tế vẫn rất nhân văn, chú trọng đến quyền con người, ví dụ quyền của người lao động. Và cuối cùng, vấn đề môi trường luôn được EU chú trọng, ví dụ ưu tiên sản phẩm xanh và công nghệ xanh. Vì vậy, trong từng khâu làm ăn người Việt phải chú ý.

. Phóng viên:  Nếu có một lời khuyên hàm chứa nguyên tắc cốt lõi của EU mà Việt Nam cần quan tâm thì đó sẽ là gì, thưa đại sứ?

+ Tôi xin khẳng định đó là thượng tôn pháp luật, quyền con người và môi trường. Đó sẽ là những chìa khóa để Việt Nam tiến vào EU một cách lành mạnh, ổn định và bền vững.

. Xin cám ơn đại sứ.

Lợi ích kinh tế rõ rệt cho cả Việt Nam và EU

Chiều tối 12-2, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thông tin về việc Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA và EVIPA. Thông tin đến báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết EVFTA là hiệp định có lợi ích kinh tế rõ rệt cho cả Việt Nam và EU.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi hiệp định có hiệu lực, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Xét về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trung bình 11,12%-15,27% (năm 2024-2028) và 17,98%-21,95% (2029-2033).

Đối với hàng hóa xuất khẩu của EU, Việt Nam cũng cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5 số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Sau bảy năm, 91,8% số dòng thuế đương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan khoảng 98,3% số dòng thuế. Bên cạnh thương mại, EVFTA cũng có những cam kết sâu rộng về dịch vụ, mua sắm chính phủ, lao động và sở hữu trí tuệ. EVFTA sẽ giúp tăng thêm 146.000 việc làm/năm, tập trung vào các ngành dệt may, da giày.

A.HIỀN 

Nguồn PLO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục