Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thông tư số 85/2019/TT-BTC đã quy định cụ thể danh mục các khoản phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, gồm 22 loại phí; danh mục các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, gồm 7 lệ phí.
Đảm bảo phù hợp, thống nhất
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 85/2019/TT-BTC về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đối với các khoản lệ phí, tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền thu được vào ngân sách nhà nước.
Thông tư đã quy định cụ thể danh mục các khoản phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, gồm 22 loại phí; danh mục các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, gồm 7 lệ phí.
Lệ phí tham quan người Việt Nam cũng thu bằng người nước ngoài.
Việc quyết định mức thu đối với từng khoản phí, lệ phí do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định phải đảm bảo căn cứ mức thu phí, lệ phí hiện hành (nếu có) để làm cơ sở đề xuất mức thu; phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương nơi phát sinh hoạt động thu phí, lệ phí.
Đối với các khoản phí, lệ phí vừa thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Tài chính vừa thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh như: phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng; phí thư viện; phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí đăng ký giao dịch bảo đảm; lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đi làm việc tại Việt Nam,... thì mức thu phí, lệ phí cần đảm bảo tương quan với mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động do cơ quan trung ương thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng cần tham khảo mức thu của các địa phương có hoàn cảnh kinh tế - xã hội tương đồng để bảo đảm sự hài hòa, thống nhất giữa các địa phương.
Đối với mức phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng, mức thu được áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài đến thăm quan. Những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, bảo tàng được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới có thể áp dụng mức thu cao hơn những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, bảo tàng khác.
Chưa thu các khoản phí, lệ phí chưa đủ điều kiện thu
Về quản lý, sử dụng tiền phí, lệ phí, Thông tư nêu rõ: Đối với phí, HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm trích để lại cho tổ chức thu phí để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí, phần còn lại (nếu có) nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với lệ phí, tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Thông tư cũng quy định rõ, các khoản phí, lệ phí có tên trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh cần nghiên cứu kỹ thực tế để ban hành văn bản thu phí, lệ phí cho phù hợp; không ban hành văn bản đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong danh mục phí và lệ phí nhưng chưa thấy cần thiết và chưa đủ điều kiện thu.
Ngoài ra, không ban hành văn bản thu phí sử dụng đường bộ (đối với đường thuộc địa phương quản lý); phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển. Việc quy định mức thu, phương pháp thu 4 khoản phí này thực hiện theo quy định của các luật chuyên ngành có liên quan.
Việc quyết định thu phí, lệ phí cần có sự tham khảo các địa phương khác để đảm bảo sự tương đồng giữa các địa phương và đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm, cơ chế chính sách đặc thù về phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh, thành phố thì HĐND cấp tỉnh căn cứ quy định pháp luật phí và lệ phí, nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm, cơ chế chính sách đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để quyết định theo thẩm quyền.
Quy định nêu trên chính thức có hiệu lực kể từ ngày 13/1/2020.
Nguồn petrotimes