Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Các nhà quy hoạch đô thị cũng chưa để mắt đến nơi này, có lẽ là do đất thấp. Vùng quy hoạch làm công viên xanh- lá phổi của đô thị là ở trên đầu phường 1. Nhưng trên tấm bản đồ điều chỉnh quy hoạch thành phố mới đây in trên Báo Tây Ninh 27.9.2014 thì đã thấy điều chỉnh lại khu vực này là bảo vệ cảnh quan và môi trường. Thật là chính xác! Vậy thì nơi này, thật xứng đáng gọi là một khu dự trữ sinh quyển- Ramsar của thành phố chúng ta.

|
“Cơn lốc” chim cò trên rạch Tây Ninh.
Xem mục từ khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) trên mạng Internet thì biết: nước ta đã có một số khu DTSQ được Công ước Ramsar công nhận. Mục đích của Công ước liên chính phủ này là “Khuyến khích bảo tồn và sử dụng khôn khéo hay bền vững các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế”. Hai nhóm tiêu chí chính để công nhận một khu Ramsar là: “(a) Sự độc đáo và hiếm có của vùng đất ngập nước; và (b) Tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, nhấn mạnh đến cá và chim nước…”. Hiện Việt Nam đã có 8 khu Ramsar, trong đó gần nhất là khu DTSQ Đồng Nai và khu rừng ngập mặn Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh). Xem những thông tin này, mới nhớ lại những lần đi chơi ven rạch Tây Ninh, phần đôi bờ rạch ở phía hạ lưu cầu Thái Hoà (trên đường Trưng Nữ Vương) có vẻ cũng hơi hơi giống một tiểu Ramsar.
Đây nhé! Độc đáo vì khu vực có một phần thuộc phường 2 và một phần thuộc khu phố 4, phường 3 ấy nằm ngay kế cận trung tâm Thành phố. Phía Bắc cầu Thái Hoà là khu phố cũ có từ thời Pháp thuộc mà trong quy hoạch thành phố tương lai đó sẽ là khu lõi nén của trung tâm đô thị. Còn về phía Đông là trục đại lộ 30.4 lúc nào cũng đông đúc người xe, chỉ cách rạch Tây Ninh từ 250 đến 1.000 mét.
Về “Sự hiếm có của vùng đất ngập nước” thì trong toàn thành phố Tây Ninh, chỉ có khu vực này là thấp nhất nên hầu như mùa nước lớn năm nào cũng ngập. Năm lũ to thì ngập đến tận các dãy nhà ở sát chân cầu. Về “bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là cá và chim nước” thì bài báo “Vương quốc chim cò…” trên Báo Tây Ninh thứ tư 24.9 đã mô tả phần nào, chủ yếu về chim nhưng còn vô số giống loài khác, gần như là một nguồn vô tận cho người dân kiếm sống, mặc dù đang thời công nghiệp phát triển, các nhà máy chế biến nằm la liệt ở thượng nguồn sông rạch.
Các cơ quan quản lý môi trường và báo chí cũng đã nhiều lần báo động về tình trạng ô nhiễm trên sông Vàm Cỏ Đông và rạch Tây Ninh. Thế nhưng vào hạ tuần tháng 9 vừa qua vẫn có vô số người đi câu hoặc đi lưới cá. Thuỷ sản đủ loại gồm: cá rô, cá trê, cá lóc, cá lăng, cá chốt, cá tra cùng cơ man là ốc.
Vài năm nay có thêm một giống ngoại lai là con cá lau kính xẩu xương, gai góc đầy mình. Chúng chưa đủ sức làm vơi đi những loài bản địa. Giống như loài cò trắng Bắc ngụ cư bay đầy trời ban chiều trên vườn chim nhà anh Vũ kia thôi! Chúng thật lớn con, quần tụ bầy đàn hàng trăm con, à đến “ngụ cư” từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau mà vẫn không thể làm những loài chim cò bản địa, như cò ma, cồng cộc, ốc cao, le le… nao núng mà giảm sút.
Xin kể thêm ngay về một loài bò sát cư ngụ lâu nay ở vườn chim nhà anh Vũ. Đấy là các loài rắn hổ: hổ mây, hổ hành, hổ ngựa. Lại có thêm các loài rắn nước, long thừa. Tại sao vương quốc của chim cò cũng là nơi cư ngụ của rắn thì có lẽ chưa ai biết rõ.
Thậm chí còn có những truyền tụng nghe khá hoang đường về sự “cộng sinh” của loài chim bìm bịp và rắn hổ. Đấy là chim bìm bịp mẹ trước lúc ấp nở con đã biết nuôi rắn hổ nhỏ để lớn lên trở thành “vệ sĩ” của con mình. Nên có người đi săn bắt bìm bịp đã phải chết vì rắn hổ.
Thực hư ra sao còn chưa rõ nhưng có chuyện này là thực trăm phần trăm- theo lời anh Vũ. Đấy là một lần anh thấy một con bìm bịp con lạc mẹ chạy trong vườn. Anh liền đón bắt để nuôi. Vừa chộp được chim thì thấy một con rắn dài thượt quãng hơn một mét lướt vụt qua. Thì ra là rắn cũng đang theo sát chú chim non ấy. Không biết là rắn đi theo “bảo vệ” hay thực ra cũng chỉ là một kẻ săn mồi?
Xin trở lại với khu Ramsar bé nhỏ của thành phố Tây Ninh. Tính từ cầu Thái Hoà, men rạch Tây Ninh xuôi đến cầu nổi Thanh Điền có bề dài (đo trên bản đồ) độ 1,7km. Bên bờ Đông có con đường ven rạch, chỉ đi xe máy được khoảng 1 km là cùng. Sau đó đành đứng ở bờ ruộng ven rạch mà ngó về quốc lộ 22B, đoạn tránh ngang qua xã Thanh Điền ngược xuôi xe cộ. Chỉ 1,7km ấy thôi mà trải trên địa giới của nhiều phường xã. Thoạt tiên từ cầu trở xuống là thuộc phường 2, sau đó là khu phố 4, phường 3 và tiếp tới là xã Hiệp Tân của huyện Hoà Thành.
Bên bờ Tây rạch, lần lượt là khu phố 5, phường 1, các ấp Thanh Thuận và Thanh Phước của xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Dân cư sống trong khu vực này còn thưa thớt, chỉ hơi tập trung ở phía gần cầu Thái Hoà, thuộc phường 2. Chính khu mặt phố ven rạch này là một khung cảnh thư thái tuyệt vời, khác xa các khu phố chính. Nhà toàn nhà trệt, có cả nhà sàn.
Những hàng cây ven rạch sum suê bóng mát là nơi anh dân chài mắc võng nằm ru con giữa buổi ban trưa. Nếu đến sớm hơn thì có thể đã gặp anh đang một mình một ghe chài, tung lưới giữa dòng nước hoe hoe màu hồng nhạt. Chỉ khoảng 300 mét nữa thôi là tới vùng mênh mang trời nước. Đoạn rạch qua đây không rộng lắm, chỉ độ 40 mét ngang mà vẫn thấy mênh mông, bởi lồng lộng bóng mây trời.
Đôi bờ, thỉnh thoảng mới có những rặng cây cao như tràm bông vàng và tràm nước trong vườn chim nhà anh Vũ làm nơi chim về cư trú. Phần lớn còn lại là miên man ruộng lúa và những ao đìa do người dân trong các hẻm đường 30.4 đào nuôi cá, thả bè rau. Cả hai bờ rạch đều hoàn toàn hoang vu, chỉ có thật nhiều bụi cây bình bát và họ hàng dứa dại.
Thỉnh thoảng lắm mới gặp một cây bã đậu đầy gai hoặc một bụi tre gai. Thật là một nơi dự trữ những giống loài thiên nhiên và có lẽ cả một tiềm năng du lịch. Thì đấy, các bạn trẻ từng đến đây, ngồi lại dưới bóng cây bã đậu. Dấu vết cuộc picnic của họ là bịch nylon và vỏ lon bia.
Các nhà quy hoạch đô thị cũng chưa để mắt đến nơi này, có lẽ là do đất thấp. Vùng quy hoạch làm công viên xanh- lá phổi của đô thị là ở trên đầu phường 1. Nhưng trên tấm bản đồ điều chỉnh quy hoạch thành phố mới đây in trên Báo Tây Ninh 27.9.2014 thì đã thấy điều chỉnh lại khu vực này là bảo vệ cảnh quan và môi trường. Thật là chính xác! Vậy thì nơi này, thật xứng đáng gọi là một khu dự trữ sinh quyển- Ramsar của thành phố chúng ta.
TRẦN VŨ