Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sau bài báo: “Bình Thuận chuẩn bị phá 600 ha rừng để xây hồ thủy lợi” của 1 tờ báo đăng ngày 4/9, chúng tôi về Mỹ Thạnh, Hàm Cần để tìm hiểu thật hư câu chuyện trong bài viết này, bởi thấy rất lạ, rất ngược với những gì mà người dân ở đây mong ước về nước lâu nay.
Có khi nào do kéo dài 20 năm, với buổi đầu muốn xây dựng hồ có tên Sông Móng – Ka Pét, giờ chỉ còn tên hồ Ka Pét mà nỗi lòng người dân vùng khát đã thay đổi, khiến các chủ rừng vốn dĩ gần gũi người dân mới có phát ngôn như thế?
1. Mỹ Thạnh vào chiều ngày 5/9/2023 mưa bay ẩm ướt. Rừng núi xanh um, quạnh hiu nhưng không buồn bằng nét mặt của anh Nguyễn Văn Quang, Trưởng Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam – Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét, người có tên trong bài báo trên với những câu nói được trích dẫn nặng tâm tư mà người đọc cảm nhận như là anh không muốn có hồ Ka Pét, vì không muốn mất rừng.
“Mấy ngày nay, tôi mệt tim còn hơn mình đã từng leo lên dãy núi Ray Vơ cao 600m trong khu vực rừng quản lý và lên đỉnh núi Ông cao 1.200 m ở Tánh Linh. Vì thực sự, tác giả này có đất ở Mỹ Thạnh nên thỉnh thoảng hai bên có gặp nhau trên đường nhưng gần đây không thực hiện phỏng vấn cũng không dẫn đi rừng cùng. Cách đây khoảng 2 năm thì tôi có dẫn đi nên trong bài có đăng 2 ảnh đã chụp từ lúc đó tại vùng rừng rộng hơn 7.142 ha do trạm quản lý” – anh Quang nói.
Anh Quang tâm tư rằng, khoảng 3 năm qua, tất cả các đoàn từ lãnh đạo tỉnh đến các đại biểu Quốc hội, các đoàn làm nhiệm vụ điều tra rừng, khảo sát địa chất, đo đạc, thủy lợi… đều do anh dẫn đi vào rừng thuộc khu vực lòng hồ Ka Pét.
Vì thế, anh hiểu rất rõ chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Nhà nước trước hết lo cho cuộc sống người dân 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh tốt hơn, sau nữa là cho vùng hạn Bình Thuận, vì nghe nói đây là hồ trung chuyển nước. Vì bám trụ 5 năm ở đây, anh chứng kiến mùa khô kéo dài đến 9 tháng, cây cỏ quắt queo, cuộc sống người dân khổ thực sự trong từng bữa ăn.
Do đó, không bao giờ anh nói như những gì người ta viết như trong bài báo ấy. Thực sự anh còn không dám nghĩ điều ngược ngạo ấy, dù trong phút chốc thì lấy đâu như bài báo viết là tôi buồn. “Bài báo đó viết có nhiều cái không đúng.
Như nói tôi công tác ở đây 12 năm, thực ra tôi mới chuyển về trạm bảo vệ rừng Đèo Nam mới 5 năm nay. Rồi ghi là tiểu khu 252, thực sự khu vực trạm tôi quản lý không có tiểu khu này, mà khu vực lòng hồ Ka Pét thuộc 2 tiểu khu 263, 264 với khoảng 300 ha”.
300 ha đó có là rừng giàu với những gốc cây 1 người ôm, 2 – 3 người ôm vẫn không xuể như trong bài phản ánh không? Anh Quang miêu tả vùng như thung lũng ấy có sông Bà Bích chảy qua nên hai bên bờ với bán kính từ 500m đến 1 km, có cây to.
Nhưng đường kính cây to ấy không nói lên vấn đề thời gian dài hay ngắn, lâu năm hay không, mà chỉ là nhờ đất ven sông bồi lắng phù sa, ẩm ướt mà cây phát triển tốt. Tuy nhiên, cũng chỉ khoảng 150 ha, nửa còn lại là những trảng cỏ, đất cứng, sỏi, có nơi đất trống rộng đến 4-5 sào, có nơi toàn cây lồ ô.
Bên cạnh những vùng có cây rừng, rừng ở Khu vực lòng hồ Ka Pet thuộc tiểu khu 264 & 263 chỉ là những trảng cỏ.
2. Cũng trong bài báo trên, anh Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng trạm bảo vệ rừng Mỹ Thạnh, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông bị trích dẫn lời mà khi cơ quan anh đọc xong đều ngã ngửa. Hôm nay, anh Chiến có nhiệm vụ dẫn ngành chức năng đi rừng nên không liên lạc được.
Anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cho biết, sau khi nghe thông tin, cơ quan có làm việc với anh Nguyễn Ngọc Chiến, người dẫn nhà báo đi rừng hôm 27/8 để hỏi xem có nói câu như trích dẫn: “Cây này ước chừng hơn 200 tuổi” không thôi.
Vì lý do dẫn nhà báo đi hôm ấy, anh em đều biết, do nhà báo này đề nghị làm tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng trong mùa mưa, muốn quay, chụp ảnh cảnh cực khổ của anh em giữ rừng. Vì thế, 4 anh em trong trạm nhiệt tình mặc đồ đồng phục để lên hình cho đẹp, nhiệt tình thực hiện theo hướng dẫn của nhà báo này, chứ có ngờ đâu.
Qua cuộc làm việc ở cơ quan, anh Chiến cam đoan, đó là câu nhà báo tự viết, chứ anh không nói. Vì làm nghề này, ai cũng hiểu để đoán tuổi cây là không dễ, do liên quan nhiều yếu tố khác như khí hậu, đất đai… nên không ai non nớt nói như thế, nhất là với báo chí.
“Đây là cây bằng lăng đã bị rỗng ruột, có dăm cây như thế trong vùng rừng rộng 9.600 ha thuộc địa bàn Hàm Thuận Nam mà ban quản lý, trong đó vùng nằm trong lòng hồ Ka Pét là 140 ha với tính chất rừng xếp loại trung bình trở xuống. Một tỷ lệ rất nhỏ so với diện tích chung của Ban bảo tồn thiên nhiên Núi Ông là 24.000 ha” – ông Dũng nói.
Ông Lê Hà Lưu 67 tuổi, Bí thư thôn 1, xã Mỹ Thạnh, Hàm Thuận Nam (áo trắng).
3. Đó là nội dung mà người trong cuộc đọc xong phải la: Trời ơi! Còn với những tấm hình về rừng đăng trong bài viết mà những người liên quan khi xem đều nghi ngờ tính xác thực của chúng. Sau khi Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo làm rõ, 2 anh trưởng trạm có mặt trong bài đã đi kiểm tra vị trí tại thực địa, sử dụng máy định vị GPS và cung cấp về sở áp vào bản vẽ hồ Ka Pét thì cho ra kết quả khiến ai cũng hiểu, người viết bài này cố tình đi tìm cây to để chụp. Cụ thể, cây căm xe 3 thân nằm ngoài ranh lòng hồ cách ranh 250 m; cây lim xanh nằm ngoài ranh lòng hồ cách ranh 1.200 m; cây bằng lăng nằm gần ranh lòng hồ, ở cao trình cao nhất của lòng hồ.
Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở khu vực từ làng người Rắc Lay (Mỹ Thạnh) vào đến khu vực Đá Bàn, bao trùm cả lòng hồ Ka Pét, vào năm 1985, Tỉnh Đội được mở cửa rừng vào khai thác cây lớn, chứ không có thiết kế khai thác như bây giờ.
Vào năm 1988 – 1989, Lâm trường Mỹ Thạnh được thành lập và tiếp tục khai thác rừng ở đây hàng năm với sản lượng bình quân 10.000 khối rồi chấm dứt năm 2000. Từ đó đến nay, rừng ở đây phát triển và xuất hiện nhiều cây to, một phần vì trong quá trình khai thác rừng trên, có những cây nhỏ lúc ấy sót lại, một phần vì nhờ đứng trên vùng đất có nước từ suối Bà Bích.
Ông Lê Hà Lưu, người Rắc Lay đã 67 tuổi, trước là giáo viên rồi phó chủ tịch HĐND xã Mỹ Thạnh rồi Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh, Huyện ủy viên của Hàm Thuận Nam, còn giờ về hưu hiện là Bí thư thôn 1, xã Mỹ Thạnh nên nắm lịch sử phát triển của xã Mỹ Thạnh như trong lòng bàn tay.
Ông khẳng định vùng rừng lòng hồ Ka Pét sao lại gọi là không gian sống của người dân Rắc Lay Mỹ Thạnh được. Đó chỉ là vào mùa mưa, bà con đi sắn măng, hái nấm… Bây giờ, cuộc sống đã phát triển, vì gần 50 năm sau giải phóng, Mỹ Thạnh được nhà nước lo cho có nhà; có đất; có đường, trường, trạm; có bò; có rừng giao khoán…chỉ đang thiếu nước cho sản xuất thì phải giải quyết sớm để nâng cao đời sống bà con tiến bộ, ấm no.
Cớ sao lại muốn quay về thời săn bắn, hái lượm quanh cánh rừng mà nó đã có sứ mệnh cho tích nước, cho phát triển. Hơn nữa, người dân Mỹ Thạnh còn nhiều vùng rừng khác để đi hái măng, hái rau... Nhưng hồ Ka Pét thì chỉ có một, chỉ phù hợp ở vị trí ấy nên người dân chỉ mong sớm có nước.
Nguồn baobinhthuan