Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Suốt 20 năm trời miệt mài nghiên cứu khoa học, với PGS.TS Vũ Thị Thu Hà, trong khung trời ấy luôn có hình bóng của tổ ấm gia đình.

Gặp PGS-TS Vũ Thị Thu Hà, người đầu tiên của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam nghiên cứu công nghệ xúc tác dị thể ứng dụng trong các sản phẩm thực tế sau khi chị vừa được tặng Giải thưởng Kovaleskaia năm 2011, nghe chị chia sẻ cởi mở về công việc nghiên cứu khoa học và cuộc sống gia đình, chúng tôi cảm nhận được sau những thành công trong công việc chị đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua khó khăn.
|
Chị Vũ Thị Thu Hà và cộng sự trong phòng thí nghiệm |
Trong câu chuyện về quãng thời gian 20 năm nghiên cứu của nhà khoa học nữ đam mê Hóa học này luôn có bóng dáng của tổ ấm gia đình, nơi có người chồng luôn quan tâm, sẻ chia, đồng cảm, giúp chị hoàn thành tốt công việc.
Tuy thế, cũng có những lúc yếu đuối, chị Hà muốn từ bỏ niềm đam mê của mình để rẽ sang hướng khác.
“Tôi nhận được học bổng của Pháp và sang đó học tập, nghiên cứu. Thời gian đầu lạc lõng nơi xứ người tôi thấy rất nhớ nhà. Lúc đó tôi chỉ biết khóc và đã muốn từ bỏ tất cả, chỉ muốn về với gia đình. Nhưng được sự động viên của chồng, con và đồng nghiệp, sau 3 năm tôi về nước với bằng Tiến sỹ loại giỏi” - chị Hà nhớ lại.
Công việc của những người nghiên cứu khoa học đòi hỏi tính chính xác cao, gắn liền với ứng dụng thực tiễn và như một dòng chảy không có lúc nào ngừng nghỉ. Bởi thế, sau khi sinh con 5 ngày chị Hà đã bắt đầu làm việc trở lại và khi bé tròn 6 tháng tuổi, bà mẹ khoa học Vũ Thị Thu Hà đã phải cho con vào trong chiếc giỏ, mang đi cùng những nơi mà chị đến để thuyết trình đề tài khoa học.
Chị Hà chia sẻ, với những nhà khoa học nữ, thời gian dành cho gia đình rất ít nhưng không vì thế mà họ quên đi trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Điều làm cho chị xúc động nhất là suy nghĩ tự nguyện làm “hòn vọng thê” của chồng – câu nói anh vẫn thường dí dỏm ví von mỗi khi chờ chị về nhà sau những giờ miệt mài trong phòng thí nghiệm.
Biết công việc của chị vất vả, bận rộn anh luôn cùng các con chờ chị về bên mâm cơm nóng hổi. Nhưng bù lại, chị cũng có một nguyên tắc là dù bận đến mấy cũng dành ngày chủ nhật để ở nhà bên chồng con và luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để chăm sóc gia đình.
Nhờ những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân cùng với một “hậu phương” vững chắc, PGS.TS Vũ Thị Thu Hà đã có được nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học. Khi nói về thành công của mình, PGS.TS Vũ Thị Thu Hà cho rằng, làm khoa học mà thành công thì là thành quả của cả một tập thể, không một cá nhân nào có thể một mình nghiên cứu mà không có cộng sự.
Chị là người đầu tiên và duy nhất của Viện Hóa học công nghiệp đi sâu vào nghiên cứu các công nghệ xúc tác dị thể ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Chị đã nghiên cứu thành công nhiều quy trình công nghệ như sản xuất nhiên liệu sinh học, dung môi sinh học, sorbitol, vật liệu xúc tác dị thể cấu trúc nano, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, phục vụ phát triển bền vững. Trong số này, quy trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học và sản xuất sorbitol đã chứng minh tính hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao và được ứng dụng nhiều trong đời sống.
Quy trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học và sản xuất sorbitol do chị nghiên cứu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Quy trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học biodiesel được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn trưng bày và giới thiệu như thành tựu Khoa học công nghệ Việt Nam tại Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội 2010, nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã đạt được, hiện tại, dự án nhà máy sản xuất biodiesel công suất 30.000 tấn/năm và Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất sorbitol từ tinh bột sắn công suất 20.000 tấn/năm đang được triển khai những bước đầu.
Bên cạnh đó, quy trình công nghệ sản xuất dung môi sinh học thay thế dần các dung môi dầu mỏ độc hại, ô nhiễm môi trường, mang tính mới, sáng tạo cao và rất độc đáo.
Giá trị khoa học và thực tiễn của đề tài đã được nước Pháp cấp bằng độc quyền sáng chế. Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp đã đồng ý bỏ kinh phí để đăng ký độc quyền sáng chế này vì nó thu hút được sự quan tâm của nhiều hãng công nghiệp. Các hãng công nghiệp của Pháp đã chọn đề tài này là 1 trong 5 sáng chế của ngành Hóa học quốc tế để tiếp tục đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ trước khi đưa vào ứng dụng rộng rãi trong thực tế.
Theo Chinhphu.vn