Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ký sự pháp đình:
Phiên toà của nước mắt
Thứ hai: 20:45 ngày 05/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mẹ chết, cha ngồi tù, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi, sống nương tựa vào ông bà ngoại tuổi đã xế chiều mà không biết tương lai sẽ về đâu? Chỉ vì một phút giây nông nổi, thiếu suy nghĩ của người cha.

GIẾT VỢ VÌ QUÁ YÊU

Trong phiên toà hôm ấy, dù rất hận, nhưng đại diện gia đình nạn nhân vẫn hy vọng Hội đồng xét xử Toà án Nhân dân tỉnh giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Tấn Tài (sinh năm 1988, ngụ xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) – kẻ đã đang tâm sát hại người từng “đầu ấp tay gối”, chỉ để Tài sớm về đời, chăm lo cho hai đứa con mình.

Sống với nhau hơn 10 năm, bỗng nhiên vợ Tài – chị L.B.Y, sinh năm 1992 bỏ nhà đi và bày tỏ ý định muốn ly hôn, lại đối xử lạnh nhạt với 2 đứa con. Khoảng 9 giờ ngày 31.5.2020, do bực tức, Tài dùng dao Thái Lan đâm nhiều nhát vào người chị Y tại một phòng trọ ở xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu, khiến chị này tử vong. Quẫn bách, Tài uống thuốc trừ sâu và dùng dao cắt tay tự tử, nhưng được cứu sống.

Trong phiên xét xử, khi toà hỏi, mâu thuẫn nào khiến bị cáo nảy sinh ý định tước đi mạng sống của vợ mình, Tài run giọng, trả lời trong nước mắt, bị cáo không hiểu vì lý do gì chị Y bỏ đi, sau đó gửi đơn ly hôn đến TAND huyện Tân Châu.

Tài khẳng định mình rất thương vợ. Trước ngày ra toà ly hôn, Tài chở 2 con xuống thị trấn Tân Châu tìm nhà trọ để có chỗ nghỉ, rồi đi tìm chị Y với hy vọng “gương vỡ lại lành”, hạnh phúc gia đình lại như xưa. Càng tìm, càng vô vọng. Từ đó, Tài mới nảy sinh ý định giết chị Y rồi tự tử. Thậm chí, Tài bị kích động tinh thần đến mức, khi toà hỏi, bị cáo thấy tội lỗi của mình xứng đáng với mức án nào, Tài không do dự trả lời, tội của mình đáng tử hình.

Tuy nhiên, sau khi nghe các thành viên Hội đồng xét xử phân tích, vấn đề không phải là mức hình phạt, mà bị cáo phải nhận ra được lỗi lầm, thấy mình còn trách nhiệm với 2 đứa con. Lúc đó, Tài mới bình tĩnh, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, cũng như mong muốn được Hội đồng xét xử xem xét mức án khoan hồng, để bị cáo Tài có cơ hội về chăm sóc 2 con.

PHIÊN TÒA ĐẦY NƯỚC MẮT

Trong suốt phiên xét xử, Tài luôn đảo mắt nhìn xung quanh tìm kiếm hai con, nhưng chúng không thể có mặt vì ở cùng ông bà ngoại ở tận Bạc Liêu. Có lẽ gia đình bị hại cũng không muốn hai đứa trẻ một lần nữa phải chứng kiến hình ảnh đau thương, khó mà xoá mờ trong tâm hồn, mà lý ra thật trong trẻo.

Bản án sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Tấn Tài mức án 20 năm tù giam là tương xứng với hành vi bị cáo gây ra. Điều đọng lại đối với những người dự khán là một phiên toà đầy nước mắt. Nước mắt của thân nhân bị hại, của Tài, đặc biệt là người thân của Tài khi chiếc xe tù rời khỏi sân toà án.

Chị của nạn nhân, đại diện cho gia đình nấc nghẹn, không nói thành lời khi xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho Tài, chỉ với một lý do thật tình người - ít nhất thì, “sẩy mẹ cũng còn cha”.

Bên cạnh đó, dù gia đình chị cũng không khá khẩm gì, bà ngoại hai đứa trẻ bán tạp hoá, ông ngoại làm thuê, làm mướn và cũng đã lớn tuổi, nhưng gia đình cũng không yêu cầu Tài phải có trách nhiệm cấp dưỡng. Đơn giản: “Nó đã ở tù làm gì có tiền mà cấp dưỡng cho con!”.

Bào chữa cho bị cáo, vị luật sư được chỉ định cho rằng, dù toà có tuyên phạt bị cáo mức án nào đi chăng nữa, thì trước đó toà án “lương tâm” đã xử phạt bị cáo hình phạt rất nặng nề. Đó là sự ám ảnh, dày vò và hối hận khi chính tay bị cáo hạ sát người mà bị cáo khẳng định là yêu thương nhất. Đáng nói hơn, bị cáo đã tự đánh mất cơ hội chăm sóc hai đứa trẻ, chỉ vì một phút nóng giận mà đã để lại những hậu quả vô cùng lớn.

Phiên tòa kết thúc, gia đình bị cáo và cả đại diện gia đình bị hại đều muốn hỏi thủ tục kháng cáo xin giảm hình phạt cho Tài, chỉ vì thương hai đứa nhỏ, đã mất mẹ, lại thiếu vòng tay của cha.

Chắc chắn trong giây phút bước lên chiếc xe tù, điều Tài ước ao nhất là thời gian có thể quay trở lại.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục