Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Philippines đau đầu với đống ngổn ngang hậu SEA Games 30
Thứ năm: 17:30 ngày 12/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau loạt chỉ trích trước thềm SEA Games 30, Philippines phải giải quyết bức xúc về ngân sách và việc di dời người bản địa để tổ chức đại hội.

Philippines kết thúc Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 30 với vị trí nhất toàn đoàn, đoạt tổng cộng 387 huy chương, trong đó có 149 huy chương vàng. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui chiến thắng, giới chức nước chủ nhà đang đối mặt một loạt vấn đề, bao gồm các cáo buộc tham nhũng và tương lai của những người bản địa phải nhường đất cho đại hội.

Thanh tra Samuel Martires hôm 9/12 cho biết văn phòng chống tham nhũng đã thành lập nhóm điều tra với nhiệm vụ xem xét các cáo buộc tham nhũng trong công tác tổ chức SEA Games 30, nói thêm rằng ban tổ chức đại hội (PHISGOC) và Chủ tịch Hạ viện Philipines Alan Peter Cayetano, người đứng đầu ủy ban này, cũng nằm trong cuộc điều tra.

Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, trước đó cũng cam kết chính quyền sẽ điều tra kỹ lưỡng và công bằng, nhấn mạnh không ai được thiên vị.

Cuộc điều tra bắt nguồn từ hàng loạt chỉ trích trước cả khi đại hội khai mạc, với hashtag #SEAGamesfail (SEA Games thất bại) trở thành xu hướng trên mạng xã hội. Những bức ảnh được lan truyền cho thấy công tác hậu cần cho các vận động viên không chu đáo, nhiều công trình phục vụ sự kiện còn dang dở, làm dấy lên hoài nghi về cách sử dụng khoản ngân sách lên tới 7,5 tỷ peso (147 triệu USD).

Một trong những khoản chi gây tranh cãi nhất là đài lửa trị giá 50 triệu peso (một triệu USD) sử dụng trong lễ thắp đuốc SEA Games 30. Nhiều người đánh giá đây là hành động "vung tay quá trán", bởi 17% trong số hơn 100 triệu dân Philippines có thu nhập không đủ để trang trải các nhu cầu cơ bản.

Đài lửa tại khu phức hợp thể thao New Clark City, tỉnh Tarlac, Philippines, một trong những công trình gây tranh cãi. Ảnh: AFP.

"Khi tôi thấy nước mình chi tới hơn 50 triệu peso cho một chiếc đài lửa chỉ sử dụng một lần, tôi cảm thấy hoang phí. Số tiền đó có thể dùng để phát triển khả năng của các vận động viên, điều bắt buộc phải thực hiện nếu muốn cạnh tranh và chiến thắng ở những cấp độ thi đấu cao hơn", cựu vô địch karate Gretchen Malalad nêu ý kiến.

Đài lửa được dựng trong khu phức hợp thể thao New Clark City ở thị trấn Capas, tỉnh Tarlac, cách thủ đô Manila khoảng 110 km. Địa điểm này đóng vai trò là trung tâm của SEA Games 30, mới được Philippines xây dựng với chi phí khoảng 190 triệu USD, bao gồm nhà thi đấu dưới nước, nhà thi đấu điền kinh và làng vận động viên.

"Khi đọc tin tức, tôi cũng nghĩ rằng đài lửa quá đắt đỏ, nhưng lễ khai mạc sau đó đã diễn ra thật hoành tráng và các vận động viên Philippines cũng giành nhiều chiến thắng. Tôi không phải kỹ sư và không biết các cấu trúc kiểu này đáng giá đến mức nào", một khán giả tên Angelo Salonga, người tới New Clark City để xem SEA Games 30, cho hay.

Vicente Caringal, huấn luyện viên 61 tuổi của đội tuyển bóng mềm nữ Philippines, hy vọng vị trí nhất toàn đoàn sẽ thúc đẩy chính phủ dành tiền để đầu tư nhiều hơn vào bản thân các vận động viên. Ông đã đồng hành cùng các nữ tuyển thủ bóng mềm từ khi họ học lớp 5 và đội tuyển này chưa bao giờ đủ kinh phí để mua thiết bị thể thao thích hợp, hoặc tham gia các giải đấu để rèn luyện.

Vài năm trước, Caringal quyết định vay 1.000 USD để trả phí cho các cô gái thi đấu tại một giải nhỏ trong khu vực. "Vợ tôi đã vô cùng phẫn nộ", ông ngao ngán lắc đầu.

Việc xây dựng New Clark City, nơi dựng đài lửa, để lại những vấn đề khiến chính quyền Philippines thậm chí đau đầu hơn. Khu đô thị hiện đại này dự kiến trải rộng trên diện tích 9.450 ha. Khu phức hợp thể thao nằm trong giai đoạn đầu tiên của dự án, với mục đích trọng tâm là phục vụ SEA Games 30.

Các nhà hoạt động và những người bảo vệ cộng đồng bản địa cho biết dự án này nằm trên mảnh đất người Aeta thừa kế từ tổ tiên. Hôm 3/12, chính quyền đưa ra thời hạn 7 ngày để những người Aeta tại một ngôi làng rời khỏi nơi cư trú, nhằm phục vụ việc xây dựng con đường nối giữa New Clark City với sân bay gần đó.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối quyết định này, bởi nó đồng nghĩa với việc khoảng 500 hộ gia đình phải rời bỏ vùng đất của tổ tiên và bị tước đi nguồn sinh kế. Tuy nhiên, Cơ quan Phát triển và Chuyển đổi Cơ sở (BCDA), nơi chịu trách nhiệm giám sát dự án, cho biết thời hạn 7 ngày là một thông báo "theo tiêu chuẩn" được gửi tới những người từ chối hỗ trợ tài chính từ chính phủ.

Thông báo của BCDA nêu thêm rằng gói hỗ trợ tài chính trị giá 300.000 peso (6.000 USD) "được cung cấp cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi dự án, bao gồm dân bản địa và nông dân, từ khi kế hoạch được triển khai". Các địa điểm tái định cư cũng nằm trong New Clark City. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với phương án giải quyết này.

"Các trang trại, nguồn thực phẩm hàng ngày và sinh kế trong suốt những thế kỷ qua của người Aeta, đã bị phá hủy. Làm sao chúng có thể được đền bù bởi khoản tiền sẽ mất dần theo thời gian?", Pia Montalban, người đứng đầu nhóm Kamandang, bao gồm các nhà hoạt động bảo vệ cộng đồng Aeta, cho hay.

Tony La Vina, luật sư đại diện cho cộng đồng bản địa bị ảnh hưởng bởi dự án New Clark City, cho biết họ đã yêu cầu một cuộc họp với BCDA để thảo luận về các phương án giải quyết. Trong khoảng thời gian đó, người Aeta sẽ không di chuyển đi nơi khác.

"Người Aeta muốn chắc chắn rằng họ sẽ có chỗ trú thân. Quy mô kinh phí của dự án này đủ để đảm bảo điều đúng đắn sẽ được thực hiện", La Vina nêu ý kiến.

Trong khi đó, BCDA khẳng định dự án mới được xây dựng trên vùng đất thuộc sở hữu của chính phủ, không bao gồm đất của tổ tiên người bản địa. "Vì vậy, cộng đồng Aeta không bị chiếm chỗ", cơ quan tuyên bố.

Petronila Capiz Munoz, một người bản địa Aeta, đưa ra giấy tờ bằng chứng về lịch sử cư trú của tổ tiên. Ảnh: Al Jazeera.

Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros đã đệ trình một nghị quyết yêu cầu thượng viện mở cuộc điều tra dự án của BCDA, sau khi xuất hiện thông tin 15.000 nông dân địa phương và 20.000 người Aeta bị chiếm đất. "Chúng ta cần hiểu rằng họ không chỉ mất nhà và sinh kế, mà bản sắc văn hóa cũng gắn liền với miền đất của họ", Hontiveros cho hay.

Đáp lại, trợ lý phó chủ tịch BCDA Leilani Macasaet cho biết 500 người Aeta đã được tuyển dụng tại New Clark City, với các công việc trong ngành xây dựng, dọn dẹp, bảo trì và bảo vệ kể từ khi dự án triển khai 18 tháng trước. Ernesto de Guzman, 49 tuổi, là một trong số đó.

Hôm 6/12, Guzman cùng gia đình dậy từ 4h để tới xem nội dung thi đấu bơi và lặn tại nhà thi đấu dưới nước, công trình mà ông góp công xây dựng. Guzman kiếm được 450 peso (9 USD) mỗi ngày nhờ công việc này, trong khi con gái 33 tuổi của ông kiếm 400 peso (8 USD) một ngày từ việc dọn phòng. Chính quyền địa phương cung cấp dịch vụ giao thông để gia đình Guzman cũng như cộng đồng người Aeta có thể tới xem SEA Games tại địa điểm cách nơi họ từng sinh sống vài km.

Trong khi đó, Petronila Capiz Munoz, một người Aeta khác, phẫn nộ về tất cả điều này. Tại ngôi nhà ngay gần khu phức hợp thể thao New Clark City, bà đưa ra một chiếc túi chứa đầy tài liệu pháp lý, các bài viết học thuật về lịch sử của người Aeta, thậm chí một tấm bản đồ tự vẽ nhằm chứng minh tổ tiên cộng đồng này đã sinh sống trên mảnh đất trước cả khi Philippines trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha.

"BCDA đề nghị cấp quyền sở hữu đất, nhưng chúng tôi không mua mảnh đất này, mà được thừa hưởng từ tổ tiên", Munoz nói. Bà nhấn mạnh cộng đồng Aeta không cưỡng lại sự phát triển, mà giận dữ bởi chính phủ thiếu quan tâm tới phúc lợi của họ. Munoz mỉa mai đề nghị bồi thường của chính quyền không khác gì lời mời tuyển dụng.

"Điều gì sẽ xảy ra với những người Aeta như tôi? Tôi 56 tuổi rồi và không được học hành. Họ có thể giao cho tôi công việc gì chứ? Cuối cùng tôi sẽ phải quét nhà trên mảnh đất thuộc về bản thân và tổ tiên mình", bà nói.

Nguồn VNE (Theo Al Jazeera)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục