Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phố bằng lăng
Thứ tư: 13:55 ngày 26/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bằng lăng liên kết các ngôi nhà, làm gần lại các phong cách dù xa lạ với nhau đến mấy. Ngay cả cây bằng lăng ở đây cũng lạ hơn cây ở phố đồ gỗ. Như bản thân chúng cũng nhớ những miền quê xưa là những cánh rừng. Nhiều cây có địa y, tầm gửi mọc đầy trên thân cành.

Buổi sáng phố bằng lăng.

Thành phố Tây Ninh có nhiều đường trồng cây bằng lăng, như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Trần Quốc Toản… Mùa xuân này, nhiều người đi qua cầu mới trên đường Trần Quốc Toản lại chẳng chầm chậm xe lại mà… ngắm bằng lăng. Hình như do ở đấy gần rạch, khí trời luôn tươi mát nên hoa ở đấy cũng mát tươi lắm, cho người đi đường một cảm giác dịu dàng dù giữa trời trưa nắng.

Nhưng, những đoạn phố bằng lăng kể trên thường hơi ngắn, chỉ dưới một cây số; còn lại là sao, dầu và các loài cây khác. Phố trồng cây bằng lăng dài nhất lại ở con đường phân chia ranh giới TP. Tây Ninh với thị xã Hoà Thành. Đường có tên là Lạc Long Quân, chạy dài tới gần 3km, suốt từ ngã ba Mít Một cho tới đường CMT8 đoạn gần cửa số 12 Toà thánh (cũ là cửa số 2).

Nói thêm để nhiều người rõ hơn, đấy là đường Ngô Tùng Châu ngày trước- chính là đường phố đồ gỗ nổi tiếng mấy chục năm qua chạy từ ngã tư Ao Hồ tới cửa số 7, nơi có ngã ba rẽ vào đường Âu Cơ tới cửa số 3 (cổng 4 cũ) Toà thánh. Nói cho vui, hoặc lạc quan hơn chút nữa là từ một con đường “vành đai” thành phố, nay đường Lạc Long Quân bỗng trở nên con đường trung tâm của cả hai đô thị kề nhau. Bên “thành” là phường IV, bên “thị” là phường Hiệp Tân thuộc đô thị Hoà Thành, từ đầu năm 2020 đã được nâng lên thị xã. Điểm chung giữa hai bên rõ ràng nhất chính là hàng cây hoa bằng lăng, rất nhiều tháng trong năm cứ rung rinh màu tím mát.

Từ phía Mít Một đi lại, mùa này qua chợ Hiệp Hoà hơi có vẻ đìu hiu do dịch bệnh Covid-19, đã thấy một chòm cây bằng lăng tươi tắn đứng bên đường phía phường IV. Cây đầu tiên đẹp nhất với những chùm bông phủ đầy trên tán lá. Thêm đoạn nữa, lại thấy một gốc bằng lăng cởi mở, sum suê xoè rộng tán hoa ngay trước cái sân rộng thoáng của một cơ quan Quân sự Hoà Thành.

Ở đoạn phố này, từ Mít Một tới Ao Hồ thấy rõ bằng lăng bên Thành phố đẹp hơn. Có lẽ là do phía Hiệp Tân còn cảnh nhà cửa chen chúc, vỉa hè như chật chội hơn nên cây cũng đành chịu phận nghèo nàn, còi cọc. Nhưng qua ngã tư Ao Hồ lại khác. Phố hai bên cùng rực rỡ những bằng lăng. Thì đây chính là phố đồ gỗ ngày trước đây mà! Cả hai mặt phố đều bán buôn cùng một mặt hàng, xưa chỉ là những đồ gỗ gia dụng thông thường, nào tủ thờ, bàn ghế, tủ giường, nay còn thêm các vật liệu trang trí nội thất cùng đủ loại sa-lông, bàn, ghế bằng các loại vật liệu cao cấp khác.

Dĩ nhiên, cũng còn những tiệm quán, cửa hàng dịch vụ hay bán buôn thứ khác, nhưng hàng hoá tràn ra bên hè phố, nổi bật vẫn là đồ dùng nội thất. Và bên trên những món đồ đẹp đẽ tinh xảo đủ màu ấy, chính là màu bông tím. Nghe vài chủ nhà ở phố ấy kể rằng, sáng nào họ cũng phải quét đi cả mớ cánh hoa rụng trong đêm phủ đầy lên hè phố. Nhà cửa hai bên phố đều giống nhau, chỉ từ 1 đến 3 tầng. Chỉ khác đi một chút ở phía phường IV có Trường THPT Lê Quý Đôn. Ban trưa một ngày thường, đoạn ấy rất nên thơ và lãng mạn, bởi phấp phới nhiều tà áo dài trắng nữ sinh bên dưới bóng bằng lăng.

Đoạn phố thứ ba, kể từ ngã rẽ đường Âu Cơ cho đến cuối con đường, nơi giao lộ với đường CMT8. Đến bây giờ có thể nói đây là đoạn đẹp nhất của đường Lạc Long Quân. Dù cách đây vài chục năm, nó chỉ như mặt đoạn cuối nối dài của con đường, lụp xụp hai bên và vắng người qua lại. Vậy mà nay, bên phía phường IV có nhiều ngôi biệt thự, sân vườn thênh thang, và có chủ nhân còn làm đẹp thêm cổng ngõ bằng việc trồng hoa kiểng bên hè phố.

Đoạn phố này, bên phía Hiệp Tân chủ yếu là các gian hàng dịch vụ, ăn sáng, cà phê, tiệm điện, tiệm may… Cuối phố ấy là một quán cà phê Eden rất sang trọng. Từ ngoài đường nhìn vào khuôn viên quán, nhiều người đã bị hút hồn bởi những giàn bông giấy đỏ, vàng rực rỡ. Đường vào lát đá viên, viền cỏ. Kề quán, trên những giàn đèn lồng đỏ lại đẹp mê hồn những tàn cây trứng cá…

Vậy mà xem ra quán vẫn không đông bằng cái quán cóc ở hè đường dưới một gốc bằng lăng. Mà cây bằng lăng ở đây cũng đẹp lạ lùng. Vòm lá căng đầy như một tán dù xanh rậm rạp lá tươi non. Vòm lá ấy lại trổ lên trời dày đặc những chùm bông hai màu trắng, tím. Hèn chi mà xì xụp kẻ uống, người ăn - dù chật chội vỉa hè với ghế bàn thấp nhỏ.

Phố bằng lăng nơi đây còn ẩn chứa một tinh thần hoài cổ. Như đã kể, dù đây là đoạn phố có nhiều ngôi biệt thự kiến trúc tân kỳ, có đủ kiểu từ nghiêm túc chỉn chu như kiểu Thái, đến nghiêng lệch, bất đối xứng thời thượng và hiện đại, nhưng vẫn còn đây một dãy nhà trệt 5 gian ngói vẩy cá. Cũng là cột cây tán đá, thềm ong óng đỏ gạch tàu, nhìn mà cứ ngỡ trăm năm.

Vậy mà cái cũ, cái mới vẫn đứng hài hoà, kế cận bên nhau trên cùng một con đường đô thị, phong quang hiện đại. Nhờ bằng lăng cả đấy. Bằng lăng liên kết các ngôi nhà, làm gần lại các phong cách dù xa lạ với nhau đến mấy. Ngay cả cây bằng lăng ở đây cũng lạ hơn cây ở phố đồ gỗ. Như bản thân chúng cũng nhớ những miền quê xưa là những cánh rừng. Nhiều cây có địa y, tầm gửi mọc đầy trên thân cành. Càng làm cho cây đẹp hơn, nhờ sự tương phản giữa mơn mởn tươi non với những rêu phong màu cổ tích.

Có khi do chính cái tinh thần hoài cổ ở phố đã ăn lan cả vào trong hẻm. Vậy nên trong một hẻm nhỏ, cách đường vài chục mét lại có quán cà phê tên gọi Tầm Quên. Cổng gỗ luôn đóng, ai vào tự mở, mà rất nhiều bạn trẻ tìm vào. À, thì ra ngoài chuyện cà phê trò chuyện, người trẻ bây giờ cũng quan tâm tìm hiểu về lịch sử. Đến đây ngồi, ta sẽ gặp những món đồ- công cụ sản xuất hoặc đồ dùng trong quá khứ cả trăm năm. Vậy cũng xin học ở ông chủ quán mà tìm hiểu tiếp về con đường Lạc Long Quân trong quá khứ…

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục