Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phố bằng lăng (Tiếp theo và hết)
Thứ năm: 10:35 ngày 05/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phố bằng lăng, gọi hiện đại thì e hơi quá! Nhà cao nhất chỉ có vài ngôi cao 3- 4 tầng, còn đa số vẫn là nhà trệt hoặc một lầu. Có một nơi đã từng rất đông vui, nay trở nên hoang phế. Đấy là trụ sở cũ của UBND huyện Hoà Thành, nay là thị xã Hoà Thành.

Phố đồ gỗ, nay là Lạc Long Quân.

Đầu phố Lạc Long Quân, nơi giao với con đường 30.4 cửa ngõ vào trung tâm thành phố Tây Ninh được gọi là ngã ba Mít Một. Hỏi nhiều người lớn tuổi ở quanh đây thì họ đều nghe chuyện kể từ ông bà, cha mẹ rằng: “Ở ngay ngã ba ấy từng có một cây mít lớn. Điều đặc biệt là cây chỉ cho một trái duy nhất rồi thôi”. Sau khi con đường được mở rộng thì cây mít đã mất đi, nhưng cái tên thì còn lại…

Thế nhưng bà chủ quán cà phê Phước Lai ở ngay góc ngã ba ấy (phía Hiệp Tân), tự nhận là cháu cố của người chủ đất xưa có cây mít ấy, lại kể chuyện của dòng họ mình truyền lại. Rằng cây mít trên đất của các cụ ấy có rất nhiều trái. Mỗi mùa mít chín phải thuê người đến thu hái đem đi. Nhiều trái đến độ người chung quanh đều cho rằng đó là cây mít “độc nhất vô nhị”- hay là số Một. Vậy là Mít Một thành tên.

Đến nay, chưa có tài liệu nào đã xuất bản giải thích về địa danh này. Nhưng có vẻ câu chuyện thứ hai có lý hơn, bởi nếu cây mít chỉ có một trái, hoặc không có trái cũng không phải là điều kỳ lạ. Sách xưa, chỉ có Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh là kể đến vị trí này. Đấy là ở truyện “Trường đua dấu cũ” (trang 81- 82, sách do NXB Thanh niên tái bản năm 2001). Theo đó nơi đây có thể là trường đua ngựa của quân đội “đàng cựu nam triều”, hoặc là trường đua “xe bò và xe xà-rẹt” của người Chân Lạp thời vua Nặc Ông Chân. Vùng đất này vào khi lập phủ Tây Ninh năm 1836 còn thuộc thôn Hiệp Ninh, huyện Tân Ninh.

Lưu ý rằng, thời ấy còn chưa có quốc lộ 22B. Con đường được kể đến đầu tiên là đường xe kéo từ Bến Kéo qua đây về thành phủ Tây Ninh sau khi quân Pháp đã chiếm được ba tỉnh miền Đông vào năm 1862. Huỳnh Minh viết: “Người địa phương thường nhắc đến xóm Trường Đua cũng như danh từ Mít Một, mặc dù cảnh cũ không còn…”. Điều này cho một dự đoán rằng địa danh Mít Một cũng xuất phát cùng thời với Trường Đua, nghĩa là một thời đã rất xa xưa, trước hoặc sau khi triều Nguyễn định danh miền đất này là đạo Quang Phong hay Quang Hoá (1779).

Nhìn con đường rộng rãi, có đủ các hạ tầng kỹ thuật đường đô thị hiện nay, với lòng đường bê tông nhựa 22 mét, vỉa hè lót gạch xi măng cũng rộng 5,5 mét, nghĩa là cũng tương đương với các trục đường quan trọng của thành phố Tây Ninh. Dù vậy nó cũng không phải là đã có từ xưa. Đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn chưa có đường này. Tìm trong sách “Nam Kỳ thời Pháp thuộc…” của Nguyễn Đình Tư có đoạn kể đến các con đường có trong tỉnh Tây Ninh.

Theo đó toàn tỉnh đã có tới 57 đường được quy định là đường làng, liên hương và nông thôn. Như đường số 1 là đường ngang từ Gò Dầu Hạ đến Suối Cao dài 9.900 mét. Đường số 3 là đường Vên Vên từ quốc lộ 22B ra bờ sông, nơi có nhà máy cao su, dài 1.000 mét. Hay đường vào núi, lúc ấy cũng đã gọi là đường số 4 dài 8.300 mét (chắc là tính từ công viên ngã ba giao với đường 785) v.v…Vậy nhưng hoàn toàn chưa có con đường nào rẽ từ quốc lộ 22B qua Mít Một vào đường liên tỉnh lộ 13 (nay là đường CMT8).

Tư liệu đầu tiên nhắc tới đường này nằm trong cuốn Đạo Sử do Nữ đầu sư Hương Hiếu biên soạn (sách nội bộ của đạo Cao Đài Tây Ninh). Đấy là vào: “tháng hai năm Đinh Mão (1927), đã quá hạn kỳ 1 tháng mà Hội thánh chưa trả chùa lại được (chùa Gò Kén- TV), vì chưa kiếm được đất để mua, còn ông huề thượng Giác Hải thì cứ đòi chùa lại hoài…”.

Do vậy, “Đức Lý giáo tông giáng, dạy quý ông Hiệp thiên đài, Cửu trùng đài đi tìm kiếm đất mua đặng dời chùa. Đức lý dạy: “Mai này chư hiền hữu lên đường trên gọi là đường Dây thép (là đường từ Mít Một chạy tới cửa Hoà Viện bây giờ…”. Quả nhiên, họ đã tìm được khu đất để xây khuôn viên Toà thánh Cao Đài hiện nay, nguyên là khu đất rừng rộng tới 140 ha của ông Kiểm lâm người Pháp tên là Aspar. Giá mua bán được thoả thuận là 25.000 đồng lúc ấy.

Mua xong, Hội thánh cho người khai phá rừng, được khoảng 10 ha thì cất nên ngôi Toà thánh tạm đầu tiên bằng gỗ và tranh tre nứa lá vào tháng 2 âm lịch năm 1927. Đến ngày 10.2 âm lịch, tức 23.3.1927, Hội thánh mới thỉnh (chuyển) pho tượng đức Phật tổ cưỡi ngựa từ Gò Kén về, bằng cách chở trên 2 chiếc xe bò kết lại. Có thể đường đi cũng trên con đường “dây thép” ấy- con đường Lạc Long Quân hiện đại ngày nay.

Trong lễ hội vía Đức Chí Tôn kéo dài từ ngày 9 đến rằm tháng Giêng hằng năm, bao giờ cũng có một gian triển lãm tái hiện cái ngày quan trọng ấy. Một khung cảnh hoang sơ kéo dài từ chùa Gò Kén đến khu Toà thánh, còn cả rừng, bàu. Chiếc xe bò chở bên trên pho tượng Phật cưỡi ngựa cũng chuyển động, đi như thật. Trẻ em tò mò nhìn, người lớn nhớ lại một thời gian nan của các bậc tiền bối… Theo “Đạo sử” thì tượng phải chuyển trong đêm. Từ khoảng 6 giờ chiều đến tận 2 giờ sáng mới đến được cửa Hoà Viện, mặc dù đường dài chỉ khoảng 5km.

Đường Lạc Long Quân, nay vẫn giữ được một vài dấu tích của những bậc tiền bối chức sắc đạo Cao Đài. Đi dọc đường ta sẽ thấy vài khu vườn im vắng, hút sâu vào phía trong và kết thúc bằng một ngôi tháp mộ. Tháp có mặt bằng bát giác với ba tầng tháp, trên cùng có mái hình bán cầu. Đấy là các ngôi “bửu tháp” của các vị Khai đạo Chơn quân Phạm Tấn Đãi (1901-1976) và Bảo thế Chơn quân Lê Thiện Phước (1895-1975).

Sau bảo tháp của ngài Bảo thế Chơn quân còn có nhà thờ tổ họ Lê, người Cao Đài gọi là Lê phủ từ. Ở đoạn giữa con phố- phố đồ gỗ cũ vẫn còn một ngôi nhà ngói ba gian nho nhỏ. Đấy chính là ngôi nhà xưa của ông Thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng (1915-1970), nay cũng đã trở thành một ngôi nhà thờ họ. Ông cũng là một trong những nhân vật Cao Đài tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Vào tháng 5.1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Tây Ninh được thành lập, giáo hữu Thượng Thâu Thanh cùng đạo hữu đã lập ra “Ban củng cố hoà bình chung sống” thuộc Mặt trận. Lúc này, ông Thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng được cử làm Phó Ban kiêm Chỉ huy đơn vị quân đội Cao Đài mang tên là “Quân đội thống nhất toàn lực quốc gia”. Đến năm 1969, ông được cử làm Uỷ viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời CH miền Nam Việt Nam (theo sách Chung một bóng cờ- UBMTTQ VN xuất bản). Ngôi nhà này, cũng có 2 gốc bằng lăng, mà lại đúng loại có vỏ cây sáng ngời như gốm sứ, loại thường có trên rừng căn cứ Bắc Tây Ninh.

Phố bằng lăng, gọi hiện đại thì e hơi quá! Nhà cao nhất chỉ có vài ngôi cao 3- 4 tầng, còn đa số vẫn là nhà trệt hoặc một lầu. Có một nơi đã từng rất đông vui, nay trở nên hoang phế. Đấy là trụ sở cũ của UBND huyện Hoà Thành, nay là thị xã Hoà Thành. Khu đất hơn 2,5 ha ấy quả thật là một “khu đất vàng”, vì nằm ngay một góc ngã tư có cả hai tuyến phố quan trọng đi qua. Khu đất này có lẽ vẫn còn đợi các nhà đầu tư chiến lược. Nhìn lại, phố bằng lăng trên đường Lạc Long Quân còn thiếu một điểm nhấn của kiến trúc cảnh quan đô thị. Hy vọng rằng nơi khu đất vàng sớm sẽ có một dự án mới, thật sự là điểm nhấn kiến trúc đặc sắc cho phố bằng lăng.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục