Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phổ biến pháp luật cho hội viên, nông dân: Đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền
Thứ tư: 11:22 ngày 01/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã và đang được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức, mô hình hay, cách làm hiệu quả, giúp nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên, nông dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hội Nông dân xã Tân Lập phối hợp Công an xã tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Đưa pháp luật đến gần với hội viên

Theo Hội Nông dân tỉnh, qua thời gian hoạt động, 82 mô hình câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” thành lập tại các xã, phường, thị trấn đã phát huy hiệu quả, giúp hội viên, nông dân tiếp cận thông tin, chính sách, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật. Các câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” đều xây dựng quy chế hoạt động và duy trì sinh hoạt theo tháng hoặc theo quý. Nội dung sinh hoạt tập trung vào việc tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến kiến thức pháp luật về các vấn đề liên quan trực tiếp đến người nông dân như Luật Đất đai, an toàn giao thông, phòng, chống các loại tội phạm, phòng, chống bạo lực gia đình; tham gia giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân; tạo điều kiện học hỏi, trao đổi kiến thức pháp luật cần thiết giữa thành viên câu lạc bộ với hội viên, nông dân.

Câu lạc bộ “Nông dân và pháp luật” xã An Bình (huyện Châu Thành) thành lập năm 2018 với 10 thành viên, hoạt động dưới sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Hội Nông dân xã. Từ năm 2018 đến nay, câu lạc bộ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật 72 cuộc với 1.850 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Nội dung tập trung tuyên truyền về các quy định Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Bảo vệ môi trường, phòng, chống các tệ nạn xã hội, ma tuý, an toàn giao thông, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…

Ông Dương Hoàng Châu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình cho biết, hằng năm, Hội phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn, giải đáp kịp thời các vấn đề vướng mắc hay những điều luật chưa rõ, giúp nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên, nông dân (từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức 6 đợt tư vấn pháp luật cho 240 hội viên, nông dân). 

Hội Nông dân xã phân công thành viên trong câu lạc bộ hướng dẫn, tư vấn, giải thích những vướng mắc pháp luật cho nông dân tại cơ sở, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần thực hiện dân chủ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

"Câu lạc bộ “Nông dân và pháp luật” từng bước trở thành cầu nối đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo hội viên, nông dân, giúp họ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật. Nhờ đó, việc triển khai thực hiện hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân tại xã đạt hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở địa phương”- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình nói.

Bên cạnh đó, Hội phối hợp Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã trang bị cho câu lạc bộ tủ sách pháp luật với các đầu sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và hoạt động của chính quyền địa phương để cán bộ, hội viên nông dân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật được thuận tiện, dễ dàng tra cứu. 

“Qua các buổi tuyên truyền, sinh hoạt giúp chúng tôi có cơ hội giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật. Từ đó, chúng tôi biết nên và không nên làm gì để không vi phạm pháp luật. Khi muốn tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực pháp luật mà mình quan tâm, chúng tôi có thể mượn sách pháp luật từ tủ sách của câu lạc bộ” - ông Gia Bình (ngụ ấp Thanh An) chia sẻ.

Hội Nông dân xã An Bình phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức truyền thông trợ giúp pháp lý cho người dân.

Tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân

Tân Lập là xã biên giới nằm phía Bắc của huyện Tân Biên. Đa số người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, thương mại - dịch vụ. Đây là địa phương xảy ra tình trạng khiếu nại của nông dân có chiều hướng gia tăng, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Nhiều vụ việc giải quyết kéo dài, một số vụ nông dân khởi kiện đến Toà án các cấp làm phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương. Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh chọn Hội Nông dân xã Tân Lập (huyện Tân Biên) làm điểm triển khai xây dựng mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” theo Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31.12.2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Hội Nông dân tỉnh, mục tiêu của mô hình nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân; khuyến khích họ tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; vận động nông dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, hạn chế tình trạng nông dân khiếu nại đông người, vượt cấp. Trong năm 2023, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ năng công tác hoà giải, tư vấn, tuyên truyền pháp luật, giám sát phản biện xã hội cho thành viên câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, cộng tác viên. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân xã tham mưu phối hợp với Ban Chỉ đạo mô hình củng cố thành viên câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 11 thành viên.

Ông Nguyễn Văn Đảm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết, năm 2023, Hội phối hợp tổ chức 5 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoà giải và các văn bản pháp luật liên quan với 250 người tham dự; trang bị 100 đầu sách pháp luật với tổng số tiền 5 triệu đồng để phục vụ cho nông dân tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã phối hợp chính quyền địa phương tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, tham gia ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Khi có các đơn thư liên quan đến nông dân, UBND xã mời Hội Nông dân xã, Ban Chỉ đạo mô hình tham gia tiếp và giải quyết. Nhìn chung, các vụ việc liên quan đến nông dân được giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Trong năm 2023, Hội Nông dân xã, Ban Chỉ đạo mô hình phối hợp Ban hoà giải xã tham gia hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân được 20 vụ liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai và các thủ tục hành chính về đất đai; trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho 53 lượt hội viên nông dân.

“Việc thực hiện mô hình góp phần kéo giảm tình trạng vi phạm pháp luật trong cán bộ, hội viên, nông dân; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Vai trò, vị trí của Hội Nông dân cơ sở được nâng lên; hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng Hội ngày càng vững mạnh” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập chia sẻ.

Thiên Di

Báo Tây Ninh
Đơn vị cung cấp Luật Bắc Dương: Kiến Tạo Niềm Tin uy tín
Tin cùng chuyên mục