Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phổ cập giáo dục THCS: Chật vật giữ chuẩn

Cập nhật ngày: 08/02/2011 - 10:43

Năm 2006, Tây Ninh là tỉnh thứ 36 trong cả nước được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở (THCS). So với kế hoạch đề ra, ngành Giáo dục Tây Ninh đã về đích trước thời hạn 2 năm.

Năm học 2001 – 2002, toàn bậc học này có gần 3.000 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ hơn 4%. Đến năm học vừa qua (2009 – 2010), con số này giảm xuống đáng kể, còn 712 em (1,19%). Hiện tại, tất cả các huyện thị trong tỉnh đều đang duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS (riêng xã Tân Đông của huyện Tân Châu đã rớt chuẩn).

Ông Đổng Ngọc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT (bên phải) trao bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cho Hiệu trưởng Trường THCS Trương Tùng Quân (ảnh minh hoạ)

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phổ cập giáo dục THCS cũng đang đặt ra cho ngành giáo dục những thách thức mới: duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập. Có một thực tế khiến cho những người quan tâm đến giáo dục còn băn khoăn, đó là tổng số học sinh THCS năm sau giảm hơn năm trước, trong khi dân số lại không ngừng tăng! Đây là tình hình chung của cả nước chứ không riêng một tỉnh nào. Theo số liệu do Bộ GD-ĐT công bố, 5 năm qua, số học sinh THCS trong cả nước giảm khoảng 1,5 triệu trong khi dân số tăng khoảng 1,2 triệu người mỗi năm. Theo giới chuyên môn, hiện đang tồn tại những mâu thuẫn giữa các con số thống kê của ngành với con số thực tế. Bởi những năm học trước, rất nhiều địa phương trong cả nước chỉ thống kê số học sinh THCS bỏ học trong học kỳ 1, xem đó như là kết quả cuối cùng của năm học. Tuy nhiên, thực tế là thời điểm học sinh bỏ học nhiều nhất trong năm học thường rơi vào học kỳ 2 và  sau mùa hè thì nhiều địa phương lại không tính vào! Riêng ở Tây Ninh, số lượng học sinh các cấp bỏ học được thống kê đầy đủ ở cả hai học kỳ, thậm chí hằng tháng, ngành giáo dục đều có tổng hợp số liệu học sinh bỏ học. Đầu năm học này, Sở GD- ĐT cho công bố thêm số học sinh THCS bỏ học sau hè. Theo đó, có hơn 1.300 em đã không đến lớp sau kỳ nghỉ hè của năm học 2009 – 2010.

Hiện nay, Tây Ninh có 1 xã (Tân Đông) bị rớt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Thế nhưng, không ít xã khác cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tương tự. Cụ thể như: Phước Lưu (Trảng Bàng); Long Thuận, Long Giang (Bến Cầu); Long Vĩnh, Hảo Đước, Thành Long, An Bình, Thanh Điền, Ninh Điền (Châu Thành); Thạnh Tây, Thạnh Bình, Trà Vong (Tân Biên); Tân Hà, Suối Ngô, Tân Thành (Tân Châu). Hiện tại, tất cả các xã nói trên đều đang duy trì tỷ lệ đạt chuẩn ở “sát mức” tối thiểu. Theo quy định, để được công nhận đạt chuẩn, những địa phương ở vùng đặc biệt khó khăn (vùng 135) phải huy động được 70% số học sinh trong độ tuổi ra lớp, tỷ  lệ này ở vùng nội địa phải là 80%. Đối với các xã vùng sâu vùng xa, số học sinh của mỗi trường không nhiều nên chỉ cần một số ít em bỏ học là tỷ lệ chung giảm mạnh.

Phổ cập giáo dục là một công tác không đơn giản, dễ dàng. Đạt chuẩn đã khó, giữ chuẩn cũng đau đầu không kém. Muốn thành công đòi hỏi phải có sự kiên trì, quyết tâm cao của các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương cùng hỗ trợ cho ngành giáo dục. Từ nay đến năm 2015, ngành giáo dục phải nỗ lực để “kiềm chế” tỷ lệ học sinh THCS bỏ học, không để vượt quá 1,5%, để tiến đến năm 2020, tỷ lệ này phải xuống dưới 1%.

VIỆT ĐÔNG