Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Phố đồ gỗ vào Xuân
Thứ ba: 11:09 ngày 24/01/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chỉ dài khoảng năm, sáu trăm mét, hai bên đường tập trung các cửa hàng đồ gỗ gia dụng, bày trí hàng hoá rất bắt mắt, từ đồ dùng bình dân đến hàng nội thất cao cấp. Đoạn đường này được gọi là “phố đồ gỗ”.

Phố đồ gỗ đường Lạc Long Quân

Con đường Lạc Long Quân (tên cũ là Ngô Tùng Châu) chạy từ ngã ba Mít Một (giáp QL22B) đến bùng binh Cửa số 2 Toà Thánh (giáp đường Cách Mạng Tháng 8) là ranh giới giữa phường 4, thị xã Tây Ninh và xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành hiện đang phát triển hoạt động kinh doanh khá sung túc. Trên đường có một đoạn dài khoảng năm, sáu trăm mét từ ngã tư Ao Hồ đến ngã ba chợ Hiệp An, hai bên đường tập trung các cửa hàng đồ gỗ gia dụng, bày trí hàng hoá rất bắt mắt, từ đồ dùng bình dân đến hàng nội thất cao cấp. Vì vậy mà khách vãng lai đi qua đây thường gọi đoạn đường này là “phố đồ gỗ”. Thật ra các cửa hàng bắt mắt này chỉ là mặt tiền để trưng bày hàng hoá, còn nơi sản xuất là ở những con hẻm nhỏ phía trong hai bên đường. Các “trại mộc” ở đây mới chính là làng nghề đã tồn tại lâu dài, trên 60 năm. Do sự chia tách địa giới huyện Hoà Thành để mở rộng Thị xã cách nay hơn mười năm, nên tuy có khoảng phân nửa số hộ làng nghề thuộc địa giới phường 4, nhưng mọi người vẫn quen gọi “phố đồ gỗ” này là “Làng nghề mộc Hiệp Tân” như từ trước đến nay. Để tìm hiểu sự hình thành và phát triển làng nghề này, chúng tôi tìm gặp những nghệ nhân kỳ cựu ở đây với những chuyện đời, chuyện nghề, những thăng trầm trong cuộc sống, có cả nụ cười lẫn nước mắt…

Giữa thế kỷ trước, sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ, nhiều người ở miền Tây Nam bộ lầm tưởng rằng quân đội thực dân Pháp “không đụng tới vùng đạo” ở Tây Ninh nên chạy lên đây để lánh nạn. Có một nhóm bà con lối xóm với nhau ở Long Xuyên, An Giang là các ông Ba Bồi, Tám Hào, Sáu Nhàn, Tư Khá… có nghề làm đồ gỗ gia dụng đến tạm trú ở khu vực này mở trại mộc để sinh sống qua ngày, đợi lúc yên bình sẽ trở về quê hương. Không ngờ chiến tranh liên miên xảy ra, hết Pháp rồi đến Mỹ muốn chiếm đóng đất nước ta lâu dài, những người thợ mộc đầu tiên ấy phải cắm dùi định cư luôn ở đây. Về sau, thấy nghề mộc làm ăn được, nhiều người bắt đầu “nhập môn” theo nghề. Làng nghề mộc Hiệp Tân phát sinh từ đó.

Sản xuất đồ gỗ cao cấp

Trong số những người khai mở làng nghề, hiện nay chỉ duy nhất ông Tư Khá, họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Khá còn sống, nay đã gần 90 tuổi. Cao tuổi như thế nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Khi chúng tôi hỏi thăm chuyện nghề, ông như sống lại thời trai trẻ, nhiệt tình, mang nghề mộc “tung hoành bốn phương”. Ông Tư Khá làm nghề mộc “gia truyền” từ năm 16 tuổi. Năm lên Tây Ninh ông 23 tuổi. Lúc ấy, nghề mộc ở đây còn mới mẻ, cuộc sống rất khó khăn nên cũng ít người mua. Thời đó, cây rừng bạt ngàn, nhưng vì ít vốn nên ông chỉ mua cây thau lau, do xe bò kéo ra từ trong rừng. Để đóng được những bộ bàn ghế, khi xẻ những lóng cây to ông phải cưa bằng tay, cưa một mình. Đồ gỗ của ông đóng khéo, đẹp, bền, tiếng lành đồn xa, khách hàng ngày một nhiều hơn. Ông có thể đóng tất cả vật dụng gia đình bằng gỗ, theo yêu cầu mẫu mã của khách hàng như tủ thờ, bàn ghế, tủ áo, giường nằm… Những khách thương buôn bán hàng hoá sang Campuchia, thấy đồ gỗ tốt đến đặt những món hàng tân thời như xa-lông, búp-phê theo kiểu Tây. Ông Tư Khá chỉ nhìn hình mẫu mà thực hiện đúng theo yêu cầu của khách. Hàng được đưa tận Phnôm Pênh, Svây Riêng, Kampông Chàm… nên có thể nói, ông là người có hàng gỗ “xuất khẩu” sang Campuchia đầu tiên ở Tây Ninh.

Công việc làm ăn thuận lợi, ông Tư Khá mướn thêm nhà ở khu vực chợ Hiệp An hiện nay, vừa mở rộng sản xuất, vừa có nơi trưng bày sản phẩm. Ông về quê kêu thêm thợ có tay nghề đến giúp việc. Hàng nhiều, phải thắp đèn măng - sông làm cả ban đêm, con cái ông cũng phụ giúp cho kịp thời gian giao hàng. Gỗ nguyên liệu dùng để sản xuất cũng được nâng lên, không chỉ có thau lau mà còn những danh mộc như: bênh, lim, gõ… Hàng hoá không chỉ là những mặt hàng đơn giản mà còn được chạm, trỗ theo thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng. Những năm 1960, ông Tư Khá từng nhận thầu trang trí nội thất cho Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín và các hãng xưởng khác tại Sài Gòn, kể cả nhà ga hàng không Tân Sơn Nhất… Thấy “xóm đồ mộc Cửa số bảy ngoại ô Toà Thánh” (địa danh ban đầu của làng nghề mộc) làm ăn được, nhiều người có nghề ở miền Tây cũng lên theo. Lúc này, xóm đã có hàng chục trại mộc sản xuất hàng gia dụng. Người dân Sài Gòn, lục tỉnh đi viếng Toà Thánh về, ghé thăm cửa hàng, đặt hàng, mua về quê bán lại. Xóm đồ mộc không chỉ có các trại mộc, cửa hàng, mà còn hình hành nhiều hoạt động phụ trợ như sơn gỗ, bán phụ liệu, xe lôi vận chuyển hàng hoá. Chưa kể có lúc tại đây mọc lên hàng chục xưởng cưa máy hoạt động ào ạt suốt ngày đêm…

Cơ giới hoá nghề mộc

Sau ngày giải phóng miền Nam, đời sống khó khăn trăm bề, nghề mộc gần như lụi tàn, ông Tư Khá cùng nhiều hộ làng nghề phải đi làm ruộng, làm việc khác. Thế rồi khi xây dựng Hội trường Tỉnh uỷ, lãnh đạo tỉnh muốn dựng một ngôi nhà sàn bằng gỗ trong khuôn viên hội trường. Có người biết đến ông Tư Khá nên nhờ ông ra giúp. Đây là ngôi nhà đầu tiên sau giải phóng ông làm. Từ đó, ông được hợp đồng làm những bộ phản gỗ cho bộ đội nằm, làm nhà cho Ty Lâm nghiệp, làm hội trường của một số cơ quan trong tỉnh. Ông mua nhà cũ, dựng nhà mới theo yêu cầu của khách hàng. Ông đóng được cả ghe, tàu cho dân miền Tây, sau này ông còn đóng khánh thờ cho Việt kiều ở Úc, Mỹ về quê đặt hàng. Đặc biệt ông Tư Khá còn có tay nghề điêu khắc gỗ. Ít ai biết rằng, tác phẩm “cá hoá long ngậm ngà voi”, đang trưng bày tại phòng tiếp tân Văn phòng UBND tỉnh là một trong những sản phẩm độc đáo của ông. Sau thời gian xem như “thử thách tay nghề”, năm 1977 ông Tư Khá mới chính thức được chính quyền cho phép mở trại mộc, sản xuất hàng gỗ gia dụng tại nhà. Nhiều hộ khác cũng “phục nghiệp”. Hai năm sau, Hợp tác xã đồ gỗ Hiệp Tân ra đời, duy trì hoạt động đến năm 1987 thì giải tán. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của làng nghề đồ gỗ Hiệp Tân, nguyên liệu khan hiếm, đồ mộc phần nhiều làm bằng gỗ vườn, sản phẩm làm ra kém chất lượng, tiêu thụ ế ẩm, đời sống xã viên hết sức khó khăn.

Nhà cổ ở quán cà phê “Tình Trăm Năm” (thị trấn Hoà Thành) - Tác phẩm của nghệ nhân làng mộc

Làn gió “đổi mới” khôi phục lại sức sống làng nghề vài năm sau đó. Thời cực thịnh của “phố đồ gỗ” bắt đầu từ năm 1990 trở lại đây. Được “bung ra” sản xuất, làng nghề Hiệp Tân lớn mạnh lên với hàng trăm hộ làm nghề. Hàng hoá chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh và xuất bán ở nhiều tỉnh ngoài. Mẫu mã từ đơn giản đến phức tạp, cầu kỳ. Mặc dù Nhà nước đã chủ trương “đóng cửa rừng”, nguồn nguyên liệu nội địa không còn, nhưng với nguồn gỗ nhập khẩu từ Lào, Mianmar, Nam Phi… do một số doanh nghiệp lớn ở làng nghề mua về phân phối lại, các cơ sở sản xuất đồ gỗ vẫn “sống vui, sống khoẻ, sống có ích” với các sản phẩm cao cấp có giá mỗi món hàng chục triệu đồng. Riêng các cơ sở uy tín chuyên nhận thầu phần gỗ nội thất cho các biệt thự thì có rất nhiều hợp đồng bạc tỷ. Các cơ sở làm hàng “bình dân” cũng không thiếu việc làm nhờ nguồn nguyên liệu gỗ ghép công nghiệp đã sản xuất được với sản lượng lớn trong tỉnh. Có thể nói đây thực sự là sức sống mới, là mùa xuân mới của làng nghề mộc Hiệp Tân, trong khi các làng nghề truyền thống khác trong tỉnh đang khắc khoải, vật vờ với vô vàn khó khăn về nguồn vốn, nguyên liệu, đầu vào, đầu ra.

Hiện nay, sức khoẻ ông Tư Khá không còn như trước nhưng lòng yêu nghề vẫn không thay đổi. Đương thời, ông có đào tạo nghề cho bốn, năm mươi thợ, cuộc sống của họ rất ổn định cho đến ngày nay. Ông cũng từng làm cố vấn cho Trường Trung học Kỹ thuật Tây Ninh (nay là Trường Trung cấp nghề Tây Ninh), trực tiếp hướng dẫn nghề mộc cho học sinh mà không cần thù lao. Với ông, được truyền nghề cho người khác cũng là một niềm vui. Nối nghiệp ông Tư Khá hiện nay là người con thứ năm, ông Nguyễn Văn Lợi, đang làm chủ 4 cửa hàng đồ gỗ mang tên Năm Lợi ở làng nghề. Dạy con, ông thường nói: mình phụ nghề chứ nghề đâu có phụ mình, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mà!

T.Đ.H

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục