Pháp luật   Tư vấn pháp luật

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phó Giám đốc có được ký hợp đồng kinh tế?

Cập nhật ngày: 10/08/2023 - 12:21

Phó Giám đốc được quyền ký thay hợp đồng kinh tế chỉ khi có sự ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật bằng văn bản.

Ông Nguyễn Quang Huy hỏi, trường hợp hội đồng quản trị ra nghị quyết về việc thông qua hợp đồng giao dịch với một công ty khác trong thẩm quyền của mình, trong nghị quyết này đồng thời có nội dung về việc hội đồng quản trị ủy quyền cho Phó Giám đốc công ty (không phải là người đại diện theo pháp luật) ký hợp đồng đó thì việc ủy quyền này có hợp lệ không?

Theo ông Huy tham khảo Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp.

Vậy, người đại diện theo pháp luật sẽ đương nhiên được ký trên hợp đồng giao dịch của công ty cho dù có được hội đồng quản trị ủy quyền hay không, nếu người khác không phải là người đại diện theo pháp luật ký hợp đồng thì phải có ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật. Nhưng nếu hội đồng quản trị ủy quyền cho một người khác không phải là người đại diện theo pháp luật thì phát sinh vấn đề là: Hội đồng quản trị không phải là pháp nhân nên không đủ tư cách ủy quyền theo Bộ luật Dân sự về ủy quyền.

Ông Huy hỏi, nếu hội đồng quản trị có người đại diện theo pháp luật là thành viên đồng ý nghị quyết thì có thể xem đây là sự đồng ý gián tiếp về việc ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật cho Phó Giám đốc hay không?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì:

"Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật".

Theo quy định trên thì việc ký kết hợp đồng kinh tế của công ty thì do người đại diện theo pháp luật của công ty thực hiện mà Phó giám đốc công ty không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty nên việc Phó Giám đốc ký hợp đồng kinh tế phải được sự ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Theo quy định tại Điều 562 Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo đó, bên nhận ủy quyền là Phó Giám đốc có nghĩa vụ thực hiện công việc ủy quyền theo quy định tại Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

"1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.

3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.

4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.

5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật

6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.".

Căn cứ các quy định nêu trên, Phó Giám đốc được quyền ký thay hợp đồng kinh tế chỉ khi có sự ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật bằng văn bản.

Nguồn Chinhphu.vn