Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng, chống ngập úng cho mía trong mùa mưa
Thứ hai: 09:52 ngày 06/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo TTC Sugar, vùng nguyên liệu của doanh nghiệp này có tới 60 - 70% là vùng đất trũng thấp. Hàng năm, vào mùa mưa, nhiều diện tích có thể bị ngập úng cục bộ, làm ảnh hưởng không tốt đến quá trình sinh trưởng và phát triển của mía.

Nạo vét kênh mương thoát nước ở vùng nguyên liệu mía trước mùa mưa (ảnh Thuý Hằng).

Một cán bộ nông nghiệp của TTC Sugar cho biết, ngập úng gây ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng, phát triển của mía và gây khó khăn cho việc chăm sóc mía. Từ đó làm ảnh hưởng đến năng suất – chữ đường trên cây mía. Ước tính cây mía sẽ bị giảm năng suất 20 - 25% nếu bị ngập lụt trong nhiều ngày liên tục.

Bên cạnh đó, ngập úng làm cho mao quản đất lấp đầy nước, không khí bị đẩy ra khỏi các mao quản. Do đó, đất hoàn toàn bị thiếu oxy, rễ cây hô hấp yếm khí, không đủ năng lượng cho việc hút nước và hút khoáng. Tình trạng này làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sinh lý của cây mía, làm giảm trọng lượng cây, năng suất mía và tỷ lệ thu hồi đường khi chế biến.

“Mía bị ngập úng kéo dài làm cho bộ rễ mía dễ bị chết, thối, cây mía dễ bị đổ ngã, bộ lá mía dễ bị hư hại, dẫn tới hoạt động quang hợp bị ảnh hưởng, trọng lượng cây bị giảm. Theo tính toán của các nhà khoa học Ấn Độ, nếu mía bị ngập úng kéo dài, năng suất mía có thể bị giảm tới 25%, trong đó riêng trọng lượng cây giảm khoảng 23%”, một cán bộ khuyến nông của TTC Sugar cho biết.

Mía bị ngập úng ở giai đoạn mọc mầm dễ dẫn đến tình trạng ruộng mía mất khoáng, cây mía sinh trưởng còi cọc. Mía bị ngập úng ở giai đoạn đẻ nhánh, thiệt hại tuy ít nhưng vẫn còn nghiêm trọng. Mía bị ngập úng ở giai đoạn vươn lóng, thiệt hại tương đối thấp. Mía bị ngập úng ở giai đoạn chín, sắp thu hoạch, thiệt hại về chất lượng thường cao hơn và nghiêm trọng hơn so với thiệt hại về năng suất.

Bên cạnh đó, ngập úng dài ngày còn gây hư hại đường nội đồng, đi lại khó khăn, nông dân gặp trở ngại trong việc chăm sóc mía.

Nguyên nhân gây ngập úng ngập cục bộ đối với các lô đất trũng thấp là do không có kênh mương thoát nước. Còn tình trạng ngập diện rộng là do các tuyến kênh chính bị bồi lắng, cống bị sụp bể, hư hỏng làm mất chức năng thoát nước trong mùa mưa.

Mùa mưa năm nay, TTC Sugar tiếp tục cùng người dân xây dựng các công trình thuỷ lợi phòng, chống ngập úng như: cải tạo cống cũ, đặt cống mới tại một số nơi; nạo vét, cải tạo, nâng cấp mương tiêu tại một số vùng trồng mía; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời các điểm ngập úng để khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước cho mía.

An Khang

Tin cùng chuyên mục