Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ ngày 11.5, học sinh khối mẫu giáo, mầm non trên địa bàn tỉnh chính thức trở lại trường sau hơn 3 tháng nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ vì dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn đắn đo khi cho trẻ trở lại trường dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tích cực. Nguyên nhân chủ yếu vì lứa tuổi mẫu giáo còn quá nhỏ để tự phòng bệnh cho bản thân. Trong tuần đầu tiên đi học lại, số lượng học sinh mẫu giáo trở lại trường còn hạn chế, chủ yếu là học sinh khối Lá.
Chú trọng vệ sinh môi trường, điều kiện về dạy học
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến ngày 14.5, toàn tỉnh có 85/138 trường tổ chức bán trú cho học sinh khối mẫu giáo, mầm non. Dù vậy, số lượng trẻ đi học trở lại vẫn ít do phụ huynh chưa an tâm, hoặc do trường không tổ chức bán trú gây khó khăn cho việc đưa rước học sinh. Riêng trẻ lớp Lá thì đi học khá đầy đủ để hoàn thành chương trình học chuẩn bị vào lớp 1.
Phụ huynh và học sinh Trường Mầm non Trưng Vương (thị trấn Châu Thành) được kiểm tra thân nhiệt ngay cổng trường
Trong ngày 11.5 - ngày đầu tiên đi học lại, toàn tỉnh có 36,4% học sinh mầm non, mẫu giáo vắng học, đến ngày 14.5, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 26%. Điều này cho thấy tỷ lệ học sinh đi học trở lại ngày càng nhiều. Bắt đầu từ tuần sau, tất cả các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức bán trú cho học sinh.
Theo Phòng GD&ĐT thành phố Tây Ninh, ngày đầu tiên trở lại trường, học sinh khối mẫu giáo khá ít, chỉ khoảng hơn 60%. Sau 3 ngày học, phụ huynh cảm thấy yên tâm về các hoạt động phòng, chống dịch bệnh cho trẻ tại trường học nên số lượng học sinh đến trường tăng. Trong buổi sáng ngày 14.5, toàn thành phố có 4.748/6.482 trẻ thuộc khối mầm non, mẫu giáo đi học, chiếm tỷ lệ 73,24%.
Cô Lưu Thị Thu- Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Tây Ninh cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn thực hiện khá tốt, qua đó tạo sự yên tâm cho phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh xin cho con nghỉ học thêm 1 tuần nhưng chỉ sau 3 ngày nghỉ đã quyết định cho con trở lại trường.
Trước khi học sinh khối mẫu giáo trở lại trường, Phòng GD&ĐT thành phố đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố thành lập đoàn kiểm tra quy trình, điều kiện phòng, chống dịch bệnh tại các điểm trường rồi mới chính thức cho trường đón trẻ đi học trở lại. Nhìn chung, tất cả các trường đều đảm bảo khâu phân luồng, kiểm tra thân nhiệt cho học sinh, phụ huynh ngay cổng trường và bố trí bồn rửa tay, nước sát khuẩn tay cho phụ huynh, học sinh. Hằng ngày, sau giờ học, cán bộ, giáo viên nhà trường đều vệ sinh lớp học, đồ dùng, đồ chơi của trẻ trong lớp và ngoài sân.
Học sinh Trường Mầm non Trưng Vương (thị trấn Châu Thành) rửa tay bằng xà phòng trước khi vào lớp
Rút kinh nghiệm từ việc trở lại trường của học sinh Tiểu học trong tuần trước đó, ngày 8.5.2020, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 1010 chỉ đạo về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học và chuẩn bị các điều kiện cho học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ học vì Covid-19. Trong đó, Sở yêu cầu các trường chú trọng thực hiện tốt điều kiện vệ sinh môi trường, điều kiện về dạy học; đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe, tạo sự an tâm cho học sinh, phụ huynh.
Nhà trường thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, phụ huynh an tâm cho trẻ đến trường
Cô Phan Tuyết Nhung- Hiệu trưởng Trường Mầm non 1/6 (phường 3, TP.Tây Ninh) cho biết, ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại (11.5), trường chỉ có 365 trên tổng số 564 trẻ đến trường; đến ngày 14.5, số trẻ đi học lại tăng lên 404 trẻ.
Để tạo sự an tâm cho phụ huynh và đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường, từ trước khi có quyết định trẻ trở đi học lại, nhà trường đã có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên, công nhân viên tại trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đề ra quy trình phân luồng, kiểm soát dịch bệnh từ khâu nhận trẻ cho đến trả trẻ; thành lập group Zalo phụ huynh của mỗi lớp để thông báo và khảo sát về việc cho trẻ đi học lại.
Mỗi buổi sáng, cán bộ, nhân viên, giáo viên được phân công có nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt cho học sinh và phụ huynh (khối Mầm và Nhà trẻ) khi vào trường; hướng dẫn học sinh, phụ huynh sát khuẩn tay, rửa tay, mang khẩu trang khi lên lớp. Riêng trẻ khối Chồi và Lá sẽ được cô giáo đón ngay sân trường để đưa lên lớp, phụ huynh hai khối này chỉ đưa con đến cổng trường. Ngoài ra, phụ huynh đưa con vào lớp cũng ra về theo hướng khác để tránh gây ùn tắc ngay công trường.
Cô Nhung cho biết, so với ngày thường thì việc đảm bảo cho trẻ đi học trong mùa dịch vất vả gấp nhiều lần. Song khi được trở lại với công việc, được trông thấy học sinh, tất cả các cô đều rất vui và có thêm động lực để vượt qua khó khăn, chăm sóc thật tốt trẻ đi học trở lại.
Giáo viên Trường Mẫu giáo Thành Long (huyện Châu Thành) vệ sinh đồ chơi, lớp học sau mỗi ngày học
Đối với các trường không tổ chức bán trú cho học sinh mầm non, mẫu giáo thì tỷ lệ học sinh đi học trở lại ít hơn, chủ yếu vẫn là học sinh khối Lá. Là một trong 5 huyện biên giới của tỉnh, huyện Châu Thành có rất ít trường tổ chức bán trú cho học sinh trong tuần này. Tính đến ngày 13.5, toàn huyện chỉ có 3 trường mầm non và 11 nhóm tư thục tổ chức bán trú. Do ít trường thực hiện bán trú, số học sinh đi học lại trong tuần đầu tiên chỉ chiếm hơn 50% số lượng học sinh mầm non, mẫu giáo toàn huyện.
Cô Nguyễn Thị Giang Lý- Hiệu trưởng Trường Mầm non Trưng Vương (thị trấn Châu Thành) cho biết, từ ngày 11-13.5 chỉ có gần 200 trẻ đến trường, trong khi số học sinh toàn trường là 422 trẻ. Theo cô Lý, nguyên nhân ít trẻ đến trường vẫn là do nhà trường chưa tổ chức học bán trú nên học sinh phải đến trường 2 buổi trong ngày. Một số học sinh nhỏ tuổi, nhà xa, trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên phụ huynh cùng ngại đưa rước trẻ đến trường để học. Bắt đầu từ tuần sau, các trường mầm non, mẫu giáo được đồng loạt triển khai bán trú thì học sinh sẽ đi học lại nhiều hơn.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh ở trường trong mùa dịch, nhà trường cũng đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, qua đó tạo được sự an tâm, tin tưởng của phụ huynh học sinh. Cụ thể, mỗi buổi sáng, trường đều phân công giáo viên trực ở cổng trường để đo thân nhiệt cho phụ huynh và học sinh trước khi vào trường. Tại sân trường có trang bị sẵn bồn rửa tay, nước sát khuẩn cho phụ huynh và học sinh, đảm bảo 100% học sinh và phụ huynh đều được rửa tay, sát khuẩn tay trước khi lên lớp.
Sau mỗi ngày học, giáo viên đều phải ở lại vệ sinh lớp và đồ dùng, đồ chơi, các bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, lan can cầu thang… để chuẩn bị đón trẻ vào ngày hôm sau. Đặc biệt, trong mỗi bài học, giáo viên đều lồng ghép để tuyên truyền kiến thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để trẻ tự giác phòng, chống dịch bệnh cho bản thân, như thường xuyên rửa tay, mang khẩu trang khi ra đường, hạn chế đưa tay lên mắt mũi, miệng khi tay chưa được vệ sinh…
Học sinh Trường Mầm non 1/6 (phường 3, thành phố Tây Ninh) trong giờ học
Cô Cao Thị Lùng, giáo viên lớp Lá 2 chia sẻ: “Sau hơn 3 tháng kể từ khi học sinh nghỉ Tết, tôi vui mừng khi học sinh đi học trở lại và rất cảm động khi các em vẫn nhớ cô và nhớ trường lớp”. Theo cô Lùng, việc chăm sóc và dạy trẻ trong tình hình dịch bệnh khó khăn hơn bình thường khi phải vừa thực hiện công tác chuyên môn, vừa phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch cho trẻ trên lớp, công tác vệ sinh… Tuy nhiên, dù khó khăn nào thì giáo viên cũng sẽ vượt qua vì sự an toàn của học sinh tại trường.
Nhận định về công tác phòng, chống dịch của Trường Mầm non Trưng Vương, phụ huynh Trần Thành Nam cho biết anh yên tâm khi cho con trở lại trường đi học trong mùa dịch vì rất tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của trường. Phụ huynh Đặng Thị Lý thì mong muốn dịch bệnh mau qua để các em học sinh đi học bình thường trở lại, phụ huynh cũng yên tâm hơn.
Nằm trên địa bàn xã biên giới Thành Long (huyện Châu Thành), trường Mẫu giáo Thành Long cũng vắng học sinh đến trường, từ đầu tuần đến nay chỉ khoảng 50% học sinh đi học trở lại, trong đó chủ yếu là học sinh khối Lá.
Do đặc điểm xã biên giới giáp Campuchia nên công tác phòng, chống dịch tại trường rất nghiêm ngặt. Hằng ngày, ngoài việc thực hiện các biện pháp kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay cho phụ huynh, học sinh trước cổng trường, nhân viên y tế còn thực hiện khai báo y tế với phụ huynh nhằm nắm bắt tình hình các gia đình có qua lại làm ăn hoặc tiếp xúc với người Campuchia hay không, có tiếp xúc với ai bị sốt hay không. Ngay cả cán bộ, giáo viên tại trường cũng phải khai báo y tế hằng ngày trên phần mềm khai báo sức khỏe toàn dân. Ngoài ra, giáo viên cũng phải liên lạc với phụ huynh học sinh vắng học để nắm tình hình học sinh vắng của lớp, lập danh sách học sinh trở về từ Campuchia (nếu có)…
Lê Thùy