BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Phải biết giữ mình trước những cám dỗ về lợi ích 

Cập nhật ngày: 19/01/2024 - 08:42

BTN - Sáng 17.1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389, tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024

 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận hội nghị

Tham dự hội nghị từ điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong- Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong và các thành viên Ban chỉ đạo tham dự Hội nghị

Tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,07% so với năm 2022

Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức- Chánh Văn phòng Bộ Công an, Uỷ viên Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ cho biết, năm 2023, tội phạm về trật tự xã hội toàn quốc xảy ra 58.086 vụ, tăng 0,07% so với năm 2022.

Hoạt động của tội phạm nổi lên là nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản gia tăng, nhất là lừa đảo trên không gian mạng với nhiều thủ đoạn, gây thiệt hại trên diện rộng; tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng, tiệm vàng, chủ yếu do nhóm đối tượng “vỡ nợ”, liên kết, tập hợp qua các hội, nhóm trên không gian mạng gây ra.

Ngoài ra, hoạt động “tín dụng đen” qua mạng và đòi nợ có tính chất khủng bố cá nhân, cưỡng đoạt tài sản núp bóng doanh nghiệp, công ty tư vấn luật; bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc với tính chất manh động.

Nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài nổi lên là mua bán, lừa đảo người Việt Nam ra nước ngoài và cưỡng bức lao động, cưỡng ép tham gia các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng...

Theo Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu nổi lên. Tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công, đấu thầu, đấu giá, đất đai...

Trong đó, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án mang tính cảnh báo, nhưng trong một số lĩnh vực, hành vi sai phạm, tiêu cực vẫn xảy ra, mang tính hệ thống.

Về kết quả đấu tranh chống tội phạm, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá trên 44.733 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 77,01%; triệt xoá 126 băng nhóm tội phạm có tổ chức; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 4.511 đối tượng truy nã.

Đồng thời phát hiện, xử lý 4.452 vụ, 6.334 đối tượng phạm tội về kinh tế; 868 vụ, 2.293 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Phát hiện, xử lý 659 vụ, 15 tổ chức, 791 cá nhân phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm; khởi tố 496 vụ, 735 bị can.

Thụ lý, điều tra 147 vụ/365 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định được 311 nạn nhân bị mua bán.

Thiếu tướng Đặng Hồng Đức cho biết, trong năm 2024, các đơn vị thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm giết người, tội phạm về ma tuý...

Phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là ở các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư công, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng.

Phát hiện, xử lý hơn 146.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Ông Lê Thanh Hải- Chánh Văn phòng Thường trực, Uỷ viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, năm 2023, nổi lên một số hoạt động về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả như hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý, pháo nổ, thuốc lá, động vật hoang dã qua khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không; mua bán, vận chuyển trái phép đường cát, vàng, ngoại tệ qua biên giới.

Bên cạnh đó, còn có hoạt động khai thác, mua bán, buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản tại một số tỉnh, thành phố; buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên các vùng biển Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, kinh doanh xăng, dầu không bảo đảm chất lượng; lợi dụng vận chuyển hàng hoá nhập, xuất kho ngoại quan, quá cảnh để đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu vào nội địa.

Lợi dụng môi trường thương mại điện tử, trang mạng xã hội để mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… tại khu vực trung tâm và địa bàn thành thị. Hoạt động mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng trên địa bàn một số tỉnh, thành phố.

Năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (tăng 4,95% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,73%); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51%); 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 48%); thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 14.865 tỷ đồng (tăng 17,30%); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05%), 724 đối tượng (tăng 0,56%).

Năm 2024, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các ngành, lực lượng, đơn vị, địa phương các cấp nắm tình hình; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, hành vi, mặt hàng nổi lên; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động; xây dựng chương trình, kế hoạch; tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo; phối hợp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.

Đồng thời rà soát khó khăn, vướng mắc, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về phòng, chống, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang- Trưởng Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023, với nhiều chuyên án lớn được triệt phá, trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng cơ chế phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương; đẩy mạnh công tác phòng ngừa kết hợp với tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng nhiều người bị lợi dụng, lôi kéo tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật mà không hay biết; phải có cơ chế thu thập thông tin kịp thời, hiệu quả hơn trong đánh án. Các lực lực lượng chức năng phải rà soát lại cách làm của mình đối với những hành vi phạm tội mới, nhất là tội phạm công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trước mắt, tập trung xây dựng dữ liệu và sau đó triển khai kết nối.

Phó Thủ tướng nhắc nhở các lực lượng chức năng phải biết giữ mình trước những cám dỗ về lợi ích, muốn vậy, người lãnh đạo phải biết gần gũi, chia sẻ, giáo dục cán bộ để vừa kịp thời động viên anh em vừa ngăn chặn những sai phạm có thể xảy ra. Cùng với đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ trong lực lượng chức năng vì nếu để xảy ra vi phạm sẽ mất cán bộ; và người đứng đầu không tránh khỏi bị ảnh hưởng, thậm chí bị kỷ luật.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực cao nhất để gỡ thẻ vàng của EC sau đợt thanh tra vào tháng 5 tới, nếu không gỡ được thẻ vàng thì ngành thuỷ sản sẽ bị đình trệ do khó xuất khẩu, thậm chí bị cấm xuất khẩu vào châu Âu và nhiều khả năng một số nước khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân.

Minh Dương