Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phòng cháy, chữa cháy rừng: Cần làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân
Thứ ba: 08:06 ngày 12/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 11.3, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2025 đến kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND (bìa phải) trao đổi với đoàn công tác về các vị trí dễ cháy được khoanh vùng trên bản đồ tại khu vực cầu Cần Lê 2 (ấp Cây Cầy, xã Tân Hoà).

Đoàn công tác đã đến kiểm tra tại khu vực cầu Cần Lê 2, thuộc Tiểu khu 37 và khu vực ấp Con Trăn, thuộc Tiểu khu 43, 44. Tại các nơi kiểm tra, đoàn công tác được Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL) phân tích trên bản đồ quản lý rừng về các khu vực có nguy cơ dễ cháy, đi thực tế và báo cáo tình hình công tác PCCCR hiện nay.

Sau khi đoàn kiểm tra thực địa, ông Phạm Chí Trung- Giám đốc BQL báo cáo tóm tắt về tình hình thực tế và công tác PCCCR tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Theo đó, tổng diện tích rừng tự nhiên là 30.164,35 ha.

Tổng diện tích cần thực hiện phòng cháy chữa cháy là 24.283,48 ha (trong đó, rừng trồng 7.123 ha; rừng tự nhiên 17.160,48 ha). Địa giới hành chính nằm trên địa bàn 5 xã: Tân Hòa, Suối Ngô, Suối Dây, Tân Thành thuộc huyện Tân Châu và xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu.

Đoàn kiểm tra và BQL tại một khu rừng thuộc địa bàn ấp Con Trăn (xã Tân Hoà, huyện Tân Châu).

Địa bàn quản lý rộng, địa hình chia cắt, nhiều khu dân cư sống ven rừng, gần rừng nên các hoạt động, tác động tiêu cực vào rừng là rất lớn. Việc lực lượng bảo vệ rừng ngăn chặn các đối tượng lấy củi, bắt ong, chặt le... trong rừng có thể dẫn đến việc các đối tượng cố tình đốt phá rừng, gây khó khăn cho công tác PCCCR. Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn rừng phòng hộ xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng, chủ yếu gây héo lá cây. Lực lượng bảo vệ rừng đã lập hồ sơ 2 hai vụ cháy rừng, chuyển cơ quan chức năng xử lý.

Theo ông Trung, thời tiết những ngày gần đây càng nắng nóng, khô hanh, nhiều người dân ra vào rừng để câu cá cặp hồ Dầu Tiếng, hay lén lút đốt bắt ong... vô ý sử dụng lửa bừa bãi gây ra cháy rừng. Cũng không loại trừ khả năng có người cố tình đốt phá hoại. Một số trường hợp, chủ hợp đồng nhận khoán chưa thực hiện tốt các quy định về xử lý thực bì chống cháy.

Sắp tới, BQL tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị trú đóng trên địa bàn thực hiện phương án PCCCR mùa khô năm 2023-2024; duy trì chế độ trực, tuần tra kiểm soát ngăn chặn tình hình cháy rừng; phát hiện sớm, kịp thời các đám cháy mới phát sinh, báo cáo tình hình cháy rừng theo quy định.

Đoàn kiểm tra và BQL xem hệ thống camera quản lý rừng tại tháp canh lửa ấp Con Trăn.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất cao báo cáo của BQL, đồng thời nhấn mạnh cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về PCCCR trong Nhân dân, nhất là những người sống gần rừng, canh tác nông nghiệp gần rừng, hay ra vào rừng.

Việc tuyên truyền chủ yếu trên tinh thần giải thích để người dân hiểu vai trò quan trọng của việc PCCCR, cảm hoá, vận động là chính. Những trường hợp vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (phá rừng) phải bị xử lý theo quy định.

Ông Phạm Chí Trung- Giám đốc BQL cho biết thực bì trong rừng hiện tại rất khô và dễ cháy.

Thực bì trong rừng tự nhiên hiện tại rất khô và dày.

BQL cần thường xuyên nhắc nhở các hộ dân có hợp đồng trồng rừng về  nghĩa vụ PCCCR; chú ý đến công tác phối hợp, cơ chế vận hành phải tập trung về một đầu mối, để khi sự cố cháy xảy ra thì phản ứng được kịp thời, điều động lực lượng nhanh, linh hoạt, hiệu quả.

Quốc Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục