Pháp luật   Tư vấn pháp luật

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng, chống bạo lực gia đình

Cập nhật ngày: 01/02/2023 - 07:56

BTN - Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ...

Hỏi: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình; quyền, trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình như thế nào? Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022?

Trả lời:

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; chấp hành yêu cầu, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; kịp thời đưa người bị bạo lực gia đình đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình từ chối; bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức, cá nhân khác.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định, người có hành vi bạo lực gia đình là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình thì không được thực hiện quyền của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật đối với vụ việc bạo lực gia đình do mình thực hiện.

Đối với người bị bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình; yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ; được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý và trợ giúp xã hội.

Đồng thời yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản; được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, xử lý hành vi bạo lực gia đình; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, người bị bạo lực gia đình phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến hành vi bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.

LG. ANH TUYẾT