HTML clipboard
Đánh giá công tác phòng, chống lụt bão năm 2009
và chỉ đạo triển khai kế hoạch phòng, chống lụt bão năm 2010, UBND tỉnh Tây Ninh
nhận định: Năm 2009, dù đã được cảnh báo trước nhưng chính quyền ở một số địa
phương thường xảy ra lốc xoáy, sấm sét vẫn còn chủ quan trong việc vận động nhân
dân chủ động neo, chống nhà cửa, phòng chống sét, kiểm tra trụ điện và dây dẫn
điện nhằm… ngăn ngừa thiệt hại, tai nạn trong mùa mưa. Do đó, số nhà bị thiệt
hại trong mùa mưa năm 2009 khá lớn.
 |
Phải luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối
cho hồ Dầu Tiếng và ngư dân trong hồ |
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp uỷ đảng,
chính quyền, các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội cần tập trung chỉ đạo và phối
hợp chặt chẽ trong việc phòng, chống thiên tai; chủ động xây dựng kế hoạch,
nhiệm vụ PCLB thật cụ thể tại từng địa phương, đặc biệt chú trọng đảm bảo an
toàn tuyệt đối cho hồ Dầu Tiếng; cần tiếp tục quán triệt, vận dụng linh hoạt và
thực hiện tốt hơn nữa phương châm “4 tại chỗ”; luôn cảnh giác, tránh tư tưởng
chủ quan về vị trí địa lý của tỉnh ít xảy ra thiên tai; tuyên truyền sâu rộng
đến từng người, từng hộ gia đình về tình hình thiên tai, nguy cơ xảy ra thiên
tai và phương pháp phòng tránh; các địa phương phải quy hoạch hệ thống tiêu
thoát nước, xây dựng các bờ bao ngăn lũ, tập trung triển khai kịp thời và bố trí
khu dân cư, vùng sản xuất, kho tàng, hạ tầng cơ sở hợp lý; khuyến khích người
dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất mùa vụ thích hợp, nhất là ở các vùng
ven sông, rạch.
Các công trình trọng điểm như: hồ Dầu Tiếng, hồ
Tân Châu, hồ suối Nước Trong, hệ thống tưới tiêu, vùng ven sông Vàm Cỏ Đông, ven
sông Sài Gòn, ven rạch Tây Ninh, những tuyến giao thông xung yếu, khu tập trung
đông dân cư thị trấn Tân Biên, thị trấn Tân Châu và các vùng sâu, biên giới, hẻo
lánh… cần được kiểm tra kỹ, có phương án, kế hoạch toàn diện để đối phó kịp thời
khi xảy ra thiên tai. Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng có kế hoạch
cụ thể để điều tiết nước tưới, tiêu hợp lý, tiết kiệm, bảo đảm tích đủ nước cho
sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong vùng; kịp thời
cảnh báo chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng hạ lưu bị ảnh hưởng trực
tiếp trước khi xả lũ.
UBND huyện Dương Minh Châu sớm có kế hoạch huy
động 2.000 người trong lực lượng xung kích với đầy đủ phương tiện, chuẩn bị cụ
thể địa điểm chứa vật liệu gồm: trên 10.000 cây tre, bạch đàn; 100 tấn rơm rạ;
10.000 bao tải để sẵn sàng ứng cứu khi hồ Dầu Tiếng xảy ra sự cố. Huyện cũng
phải kịp thời thông báo cho nhân dân đi lại, sản xuất trong khu vực hồ Dầu Tiếng
đề phòng nguy hiểm trong mùa mưa bão.
Huyện Tân Châu chuẩn bị sẵn 5 xe các loại, 5
tàu, ghe và lực lượng xung kích gồm mỗi xã 50 người chuẩn bị sẵn phương tiện,
vật liệu (tre, bạch đàn, rơm rạ, bao tải…) để sẵn sàng phối hợp với Công ty TNHH
MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng ứng cứu đập Tân Châu khi xảy ra sự cố, đồng
thời chủ động các biện pháp di dời dân khỏi khu vực trũng ở hạ lưu hồ Tân Châu.
 |
Một căn nhà bị tốc mái do mưa giông |
Được biết, trong năm 2009, mùa mưa đến sớm, mỗi
tháng có từ 1 đến 3 đợt mưa lớn trên diện rộng kèm theo giông, lốc xoáy, sấm
sét. Mực nước trong hồ Dầu Tiếng đạt cao trình 24,4m, lên tới mức báo động 3
(ngày 18.11.2009). Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng đã phải triển
khai 7 đợt xả hạ thấp mực nước trong hồ. Ngập úng cục bộ xảy ra trên diện rộng.
Mưa giông gây thiệt hại nặng ở nhiều địa phương, làm chết 1 người, 3 người bị
thương, 203 căn nhà sập và tốc mái (sập hoàn toàn 61 căn). Mưa giông cũng đã gây
thiệt hại 2 ha nuôi trồng thuỷ sản, làm chết 8 con bò, gãy đổ gần 1.200 cây cao
su, làm thiệt hại 5.059 ha cây trồng các loại. Tổng thiệt hại do mưa giông, lũ
lụt gây ra trong năm 2009 là trên 101 tỷ đồng.
HOÀNG THI