Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo ý kiến phản ánh của đa số nhân viên y tế địa phương thì công tác tiếp nhận phản hồi về các ca bệnh TCM từ bệnh viện tuyến trên về luôn gặp khó vì thường không có địa chỉ rõ ràng của bệnh nhân.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Tây Ninh, tính đến đầu tháng 5.2012, cả tỉnh có 618 ca mắc tay chân miệng (TCM). Trong đó các huyện Châu Thành, Thị xã, Tân Châu là những nơi có số ca mắc TCM nhiều nhất (chiếm gần 50% cả tỉnh). Riêng Châu Thành có 113 ca. Trước tình hình ấy, vừa qua tỉnh đã thành lập các đoàn giám sát công tác phòng chống bệnh TCM trên địa bàn.
Qua đợt giám sát cho thấy: Một số huyện đã thực hiện tương đối tốt công tác phòng chống và báo cáo tình hình dịch bệnh. Việc xử lý các ca bệnh, ổ dịch được tiến hành nhanh chóng, cho đến nay chưa có ổ dịch nào diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền đến người dân được thực hiện thông qua hình thức diễu hành, mít tinh tuyên truyền, phát tờ rơi, loa phát thanh, tuyên truyền đến tận nhà... Tuy nhiên, các địa phương còn vướng phải những khó khăn chưa khắc phục được.
![]() |
Giám sát phòng chống tay chân miệng tại một trường mầm non. |
Theo ý kiến phản ánh của đa số nhân viên y tế địa phương thì công tác tiếp nhận phản hồi về các ca bệnh TCM từ bệnh viện tuyến trên về luôn gặp khó vì thường không có địa chỉ rõ ràng của bệnh nhân. Một nhân viên y tế xã Thành Long (Châu Thành) cho biết, chị phải rất khó khăn để tìm ra nhà của trẻ bị bệnh TCM (nhằm hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách xử lý vệ sinh, phòng chống bệnh lây lan). Có những trường hợp, chị phải đi tìm 2, 3 ngày mới ra. Chị nói: “Điều này không những gây khó cho nhân viên y tế mà còn là mối nguy hiểm vì bệnh TCM thường dễ lây lan trong cộng đồng. Nếu gặp người ý thức kém thì việc lây lan bệnh là khó tránh”. Để khắc phục tình trạng như trên, một số nơi đã có cách làm khá “sáng tạo” là “truy” vào sổ tiêm chủng của trẻ để tìm ra địa chỉ.
Xã Thành Long (Châu Thành) cho đến giữa tháng 5 có 14 ca bệnh nhưng nay bệnh đã không còn hoành hành như hồi giữa tháng 2. Đó là do sự hợp tác của các ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Huyện Tân Châu cũng làm khá tốt bằng cách tương tự. Trong thời gian qua Tân Châu đã xử lý 2 ổ dịch, một ở khu vực 2 ấp Hội Phú và Hội An (xã Tân Hội) và một tại ấp Đông Thành (xã Tân Đông), giám sát 65 hộ gia đình có ca bệnh, xử lý vệ sinh phòng bệnh cho hơn 300 hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Vẫn còn có địa phương tỏ ra khá bị động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Có nơi, nhân viên trạm y tế chưa tích cực để tìm kiếm địa chỉ bệnh nhân TCM, dẫn đến việc xử lý bệnh không hiệu quả. Có người chống chế rằng “do địa bàn rộng nên chưa tới được”. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh TCM ở một số nơi có phần qua loa, như lời nhìn nhận của một nhân viên y tế: Chủ yếu tập trung vào các đợt dịch cao điểm mà thôi. Công tác tuyên truyền trên loa cũng chưa thật sự khoa học, mỗi năm ngành Y tế chỉ cung cấp 2 bài dài để phát thanh tuyên truyền.
Một trong những khó khăn thuộc loại khó khắc phục là tình trạng dân di trú, không ở tại địa phương thường xuyên, chẳng hạn như công nhân tại các khu công nghiệp ở Trảng Bàng, Châu Thành. Nhiều người dân chưa có ý thức cao về phòng chống dịch bệnh. Một người mẹ có con mắc bệnh TCM cho biết: Khi phát hiện con có dấu hiệu bệnh, chị đã đưa con đến một cơ sở khám tư và được báo rằng cháu bị… nổi đẹn. Mấy hôm sau khi thấy tình hình diễn biến xấu đi, chị đưa con đi bệnh viện thì mới hay cháu bị TCM!
Cũng ở vùng sâu vùng xa, có một thực tế đáng chú ý là nhiều trẻ mắc bệnh vẫn vô tư tiếp xúc với trẻ lành. Nhận thức của nhiều người dân ở một số nơi còn thấp, cho thấy công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh ở địa phương chưa thật sâu sát. Không ít bậc phụ huynh cho biết: Chỉ nghe, biết về bệnh TCM qua ti vi hoặc “nghe người ta nói”.
Nỗ lực phòng chống bệnh TCM, không để dịch bệnh lây lan không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà cần sự góp sức của toàn xã hội. Trong đó, điều quan trọng trước hết vẫn là làm thế nào nâng cao ý thức tự bảo vệ nơi người dân, bởi phòng bệnh bao giờ cũng dễ dàng và đỡ thiệt hại hơn chữa bệnh. Mọi sự chủ quan, lơ là đều có thể đem lại hậu quả khó lường.
NGÔ TUYẾT