Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng chống cháy rừng: Không thể lơ là 

Cập nhật ngày: 20/02/2022 - 19:11

BTNO - Mặc dù năm nay, mùa mưa kết thúc muộn và từ Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một vài cơn mưa, nhưng công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) vào mùa khô vẫn luôn nâng cao cảnh giác.

Cày đất, tạo đường băng cản lửa giữa rừng với trảng cỏ để đề phòng lửa cháy lan diện rộng

Chưa xảy ra cháy rừng

Những năm trước, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán như thế này, hầu như toàn bộ rừng ở Khu rừng đầu nguồn Dầu Tiếng (huyện Tân Châu) đã nhuốm màu vàng và xảy ra một số vụ cháy rừng. Năm nay, đến tháng 11.2021 mới kết thúc mùa mưa - muộn hơn những năm trước và từ Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 cơn mưa trái mùa, những điều kiện khách quan nêu trên đã giúp giảm nguy cơ cháy rừng.

Sáng 14.2, theo chân đội bảo vệ rừng của Ban quản lý Khu rừng đầu nguồn Dầu Tiếng chúng tôi ghi nhận được ở Tiểu khu 35 (Bàu le le) lá rừng chưa rụng nhiều, trên mặt đất lớp cỏ dại mới chuyển từ màu xanh sang màu vàng chứ chưa khô hẳn. Ở một số trảng- khu vực trũng thấp- các loại cỏ dại, tranh, lác vẫn còn khá xanh. Một vài nơi trong những vùng đất trảng này mặt đất còn ẩm ướt. Mặt dù vậy, các thành viên Đội bảo vệ rừng vẫn dựng một số trại tạm gần những nơi có nguy cơ xảy ra cháy rừng để túc trực và thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa hỏa hoạn có thể xảy ra.

Ông Lê Văn Trừ- thành viên Đội bảo vệ rừng của Tiểu khu 21 chia sẻ, anh và các thành viên trong Đội đã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ PCCCR từ 4 tháng nay. Hằng ngày, ngoài việc tuần tra bảo vệ rừng như phòng chống người dân xâm lấn đất rừng, chặt phá cây rừng, săn bắt động vật trái quy định v.v… các anh em còn bắt tay vào việc đốt chủ động cỏ ven hai bên đường giao thông, những nơi có thực bì nhiều, tạo đường băng cản lửa, ngăn chặn những hành vi đốt lửa ven rừng, trong rừng để ngăn ngừa tình huống có thể xảy ra hỏa hoạn.

Đối với những khu vực nhạy cảm dễ xảy ra cháy rừng như trảng tranh, trảng cỏ, các thành viên trong đội dựng lán, dựng lều tạm thời ở gần để dễ dàng ứng cứu khi phát hiện có khói lửa bốc lên. Đồng thời, anh em chuẩn bị đầy đủ các vật dụng dùng để chữa cháy như bình xịt nước, xe máy cày, xe gắn máy chở nước, bồn, can nhựa chứa nước để sẵn sàng dập lửa khi có hỏa hoạn xảy ra.

Không chỉ riêng Ban quản lý và những Đội bảo vệ rừng thuộc Khu rừng đầu nguồn Dầu Tiếng có trách nhiệm PCCCR mà các hộ dân nhận khoán trồng rừng cũng đặt nhiệm vụ này lên hàng đầu vào mùa khô. Gia đình anh Chu Đức Toàn, ngụ ấp 2, xã Suối Ngô (huyện Tân Châu) có hợp đồng với Ban quản lý Khu rừng đầu nguồn Dầu Tiếng trồng hơn 20 ha rừng.

Hiện nay, một số diện tích rừng của hộ dân này đã thu hoạch và đã trồng lại cây rừng theo quy định mới, một số khu rừng khác đang trong quá trình sinh trưởng tốt. Anh Toàn cho biết: “Hằng năm nhờ được Ban quản lý tập huấn, hướng dẫn công tác PCCCR rất chu đáo nên từ năm 2006 đến nay toàn bộ diện tích rừng hợp đồng của gia đình tôi chưa bao giờ bị cháy”.

Chia sẻ về kinh nghiệm PCCCR hiệu quả, người dân này cho biết thêm, đối với diện tích rừng đã khai thác và đã trồng lại cây rừng theo quy định mới, gia đình anh tận dụng những khoảnh đất trống giữa 2 hàng cây rừng để trồng mì. Những ngày không có mưa, gia đình anh bơm nước tưới mì, đất rừng cũng bị ướt nên không thể nào xảy ra hỏa hoạn. Đối với những khu rừng đang trong quá trình sinh trưởng,vào mùa khô, anh thuê nhân công dùng máy thổi lá rừng gom lại để những phần trống, sau đó chủ động đốt hết để tránh hỏa hoạn.

Một trong những tẹt chứa nước được bố trí sẵn trong rừng để PCCCR

Nhưng không thể lơ là 

Nói về công tác PCCCR, ông Vũ Anh Đức- Phó Giám đốc Ban quản lý Khu rừng đầu nguồn Dầu Tiếng cho hay, tổng diện tích Khu rừng đầu nguồn Dầu Tiếng hơn 30 ngàn ha, tọa lạc trên 4 xã Tân Hòa, Tân Thành, Suối Ngô, Suối Dây của huyện Tân Châu. Ngay từ đầu mùa khô là Ban quản lý chỉ đạo một số hoạt động liên quan đến PCCCR như các bộ phận trực thuộc bám sát theo phương án PCCCR năm 2021- 2022 của đơn vị; tổ chức tập huấn nghiệp vụ về PCCCR cho lực lượng bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra tại những nơi trọng điểm có nguy cơ cháy; xử lý thực bì để đốt chủ động một số trảng cỏ trong rừng và ven 2 bên đường.

Mặt khác, phân công lực lượng duy trì trực PCCCR suốt 24/24 giờ, kể cả những ngày thứ 7, chủ nhật, lễ, tết. Thuê mướn thêm nhân công là người dân địa phương trực quan sát tại các vị trí trọng điểm cháy ở các Tiểu khu 37, 43, 44. Bố trí trang thiết bị, dụng cụ, máy móc, các bồn chứa nước đầy đủ ở các trạm, chốt, đội quản lý, bảo vệ rừng và luôn trong tình trạng sẵn sàng.

Ông Đức cho biết thêm, đơn vị cũng tuyên truyền những hộ dân làm ăn, sinh sống ven rừng không được vào rừng đốt lửa. Sửa chữa, trang bị mới một số dụng cụ chống cháy và đang xây dựng 2 tháp canh lửa rừng tại Tiểu khu 39 và tiểu khu 41. Đơn vị còn hợp đồng với các lực lượng trú đóng trên địa bàn như: Dân quân, Biên phòng để bảo vệ rừng, trong đó có PCCCR. Công tác PCCCR năm nay, có thuận lợi là mùa mưa kết thúc trễ và từ tết Cổ truyền đến nay ở khu vực này có 3 cơn mưa khá to, vì vậy, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có vụ hỏa hoạn nào xảy ra.

Mặc dù có sự thuận lợi như thế, nhưng dự đoán thời gian sắp tới nắng nóng có thể gay gắt, khiến rừng bị khô và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Để ngăn ngừa xảy ra cháy rừng, Ban quản lý đã chỉ đạo các Đội bảo vệ rừng hiện nay vẫn phải chủ động bảo vệ rừng bằng những biện pháp đốt thực bì có kiểm soát, giảm cấp thực bì ở những trảng cỏ, ven đường không để xảy ra cháy lây lan vào rừng.

Xe máy cày kéo theo rờ- mooc chở tẹt nước dùng để PCCCR

Ở huyện huyện Tân Biên, hai “lá phổi” lớn là rừng lịch sử Chàng Riệc và rừng của Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát (VQGLGXM) cũng được đề cao cảnh giác với “bà hỏa”. Ở những khu vực trọng điểm như rừng nguyên sinh, trảng cỏ, ven đường v.v… đều đã được bố trí sẵn nhiều xe máy cày chở rờ- mooc có bồn chứa nước, tẹt nước dung tích lớn, nơi ăn ở cổ định và tạm thời cho các đội PCCCR.  Ông Châu Văn Văn- Giám đốc VQGLGXM chia sẻ, sau khi sáp nhập rừng lịch sử Chàng Riệc vào Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát đã tăng diện tích rừng lên gần 30 ngàn ha, trải dài trên địa bàn 6 xã của huyện Tân Biên. Trong đó có hơn 23 ngàn ha rừng tự nhiên.  

Trước tình hình đó, Ban quản lý VQGLGXM thành lập Ban Chỉ huy PCCCR gồm 17 thành viên, thành lập 9 đội PCCCR, trong đó, 8 đội chia ra 27 chốt, phụ trách trong rừng, 1 đội phụ trách tại khu hành chính, dịch vụ của Ban quản lý. Ngoài ra, Ban quản lý VQGLGXM còn kết hợp với các Tổ kiểm lâm địa bàn thường xuyên tham gia công tác PCCCR. Thống nhất với các xã, đơn vị trú đóng trên địa bàn và vận động người sàng tham gia chữa cháy rừng nếu có hỏa hoạn xảy ra.

Về cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCCR, bên cạnh những dụng cụ chữa cháy đã có, năm nay Ban quản lý chi kinh phí mua thêm một tẹt chứa nước dùng để chữa cháy và chuẩn bị tiếp nhận thêm 2 tẹt nước khác của Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nâng tổng số phương tiện vật chất PCCCR lên 10 xe máy cày và 10 tẹt chứa nước, sẵn sàng đáp ứng công tác PCCCR. Song song đó, Ban quản lý hợp đồng với một số hộ dân trồng rừng, sẵn sàng hỗ trợ phương tiện và trang thiết bị chữa cháy rừng.

Nhận định về tình hình thời tiết có liên quan đến công tác PCCCR, Giám đốc VQGLGXM cho biết, hiện nay mới vào giai đoạn đầu mùa khô, cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở mức độ 3 hoặc mức độ 4, chứ chưa đến mức độ 5- mức cảnh báo cao nhất. Vì vậy, những cơn mưa trái mùa từ Tết âm lịch đến nay trên địa bàn huyện Tân Biên cũng không có tác dụng nhiều đối với công tác PCCCR. Trong khi hiện nay thời tiết có xu hướng rất cực đoạn, chỉ cần một tuần nắng khô hanh liên tục là có thể xảy ra cháy rừng.

Đội bảo vệ rừng tuần tra PCCCR

Qua thực tế cho thấy, dù đã có vài cây mưa trong mùa khô, nhưng nguy cơ cháy rừng vẫn còn tiểm ẩn. Vì thế, công tác PCCCR trong thời gian từ nay đến cuối mùa khô vẫn không thể chủ quan, lơ là.

Đại Dương